Thị trường

Bộ GTVT đổi ‘chậm hủy chuyến’ thành ‘bay chưa đúng giờ’

(VNF) - Trong khi việc thay đổi thuật ngữ “thu phí” thành “thu giá” tại các trạm BOT đang khiến dư luận dậy sóng, Cục Hàng không Việt Nam lại thay đổi khái niệm “chậm hủy chuyến” thành “chuyến bay chưa đúng giờ”.

Bộ GTVT đổi ‘chậm hủy chuyến’ thành ‘bay chưa đúng giờ’

Cục Hàng không Việt Nam thay đổi khái niệm “chậm hủy chuyến” thành “chuyến bay chưa đúng giờ"

Cục Hàng không Việt Nam đã thay đổi khái niệm "chậm hủy chuyến" thành "chuyến bay chưa đúng giờ" vào giữa quý II/2017, nhưng việc thay đổi khái niệm này không có văn bản nào quy định. Khái niệm này được dùng trong báo cáo tình hình khai thác các chuyến bay của các hãng hàng không, tờ Tuổi trẻ đưa tin.

Liên quan đến vấn đề trên, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết trên thế giới người ta không dùng chậm hủy chuyến nữa, mà đánh giá trên tỷ lệ bay đúng giờ (on-time-performance) của các hãng.

Vị đại diện này cũng cho biết việc thay đổi thuật ngữ "chậm hủy chuyến" bằng "chưa đúng giờ" là phù hợp với xu thế của thế giới.

Cũng theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, về bản chất việc thay đổi thuật ngữ này không có gì thay đổi, chậm giờ vẫn là chậm giờ, huỷ chuyến vẫn là huỷ chuyến.

“Tuy nhiên, chúng tôi đang muốn phấn đấu theo hướng tích cực hơn thay vì cứ tiếp cận theo tên gọi chậm huỷ chuyến mãi sẽ cảm thấy u ám”, vị này nói.

Ở phía ngược lại, chuyên gia hàng không Nguyễn Thiện Tống lại cho rằng hàng không phải giữ nguyên tắc của thuật ngữ hủy (cancel) hay hoãn (delay).

“Việc biến tấu ngôn ngữ là lừa dối khách hàng để giảm sự chưa chuyên nghiệp của các hãng hàng không”, ông Tống nói và khẳng định việc thay đổi khái niệm trên là tránh né, không trung thực.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia hàng không khác cũng cho rằng Cục và các hãng phải nhìn nhận vào thực tế, không thay ngôn từ để giảm nhẹ sự việc.

>>> Xem thêm: Đổi tên từ trạm thu phí sang trạm thu giá: Sự máy móc của Bộ Giao thông vận tải

Tin mới lên