Bất động sản

Bộ GTVT: 'Đưa vào khai thác cao tốc đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 trước ngày 30/4/2023'

(VNF) - Bộ Giao thông Vận tải cho biết tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các hạng mục công việc còn lại để đưa dự án thành phần đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 vào khai thác, sử dụng trước ngày 30/4/2023.

Bộ GTVT: 'Đưa vào khai thác cao tốc đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 trước ngày 30/4/2023'

Cao tốc đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 dự kiến sẽ được đưa vào khai thác trước ngày 30/4/2023.

Ngày 28/12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã thông tin về tình hình thực hiện 4 dự án thành phần gồm đoạn Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Theo đó, đối với dự án thành phần đoạn Cam Lộ - La Sơn, Bộ GTVT cho biết đến nay đã hoàn thành và sẽ được tổ chức khánh thành đưa vào khai thác, sử dụng từ ngày 31/12/2022 theo tiêu chuẩn đường cao tốc.

Được biết, đoạn Cam Lộ - La Sơn dài 98,3km đi qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, tổng mức đầu tư 7.669 tỷ đồng, khởi công tháng 9/2019. 

Dự án có điểm đầu Km0+00 trùng với Km10+380 Quốc lộ 9 thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; điểm cuối Km102+200 kết nối dự án La Sơn - Túy Loan thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Về tình hình triển khai 3 dự án thành phần gồm đoạn Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ GTVT cho biết quá trình thi công gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật (đặc biệt là đường điện cao thế) không đáp ứng tiến độ thi công.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công, đặc biệt trong thời gian các tỉnh phong tỏa, thực hiện giãn cách xã hội, các công trường phải dừng thi công từ 4-6 tháng; cán bộ, công nhân không thể đến công trường do giãn cách, đặc biệt thời gian giãn cách trùng với mùa khô rất thuận tiện cho thi công. Thêm vào đó là việc thời tiết khu vực bất thường với mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ, nhiều cơn bão lớn ảnh hưởng thi công.

Bộ GTVT cũng cho biết ảnh hưởng của xung đột tại Đông Âu đã dẫn đến việc giá nhiên, nguyên, vật liệu có biến động lớn ngoài khả năng dự báo của các bên liên quan, việc tính toán chi phí trượt giá theo công thức điều chỉnh giá thông thường chưa bù đắp được mức độ biến động giá quá lớn dẫn đến thiếu hụt tài chính và thua lỗ cho nhà thầu gây ảnh hưởng đến tiến độ.

Cùng với đó, các dự án đồng loạt triển khai với nhu cầu khối lượng vật liệu lớn dẫn đến thiếu hụt về nguồn cung, mặc dù Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết để tháo gỡ nhưng các thủ tục cấp phép mỏ vật liệu, cấp phép khai thác kéo dài làm việc triển khai thi công còn chậm so với kế hoạch đề ra.

Ngoài ra cũng có nguyên nhân chủ quan năng lực của một số nhà thầu còn hạn chế, nhà thầu chưa nỗ lực, huy động nhân lực, thiết bị và tài chính để triển khai thi công đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Với mục tiêu thông xe kỹ thuật cả 3 dự án vào ngày 31/12/2022, Bộ GTVT cho biết, trong thời gian qua, các đơn vị đã huy động nguồn lực tài chính, máy móc, thiết bị, nhân lực; tổ chức thi công “3 ca’, “4 kíp”. Số lượng máy móc các nhà thầu huy động đã vượt số lượng yêu cầu trong hợp đồng cụ thể, đoạn Mai Sơn - QL45 đã  huy động thêm 7 trạm trộn bê tông nhựa, 6 dây chuyền thảm bê tông nhựa, 5 dây chuyền rải cấp phối đá dăm gia cố xi măng, 8 máy san, 8 máy ủi, 34 lu rung.

Trong khi đó, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã huy động thêm 62 lu rung, 5 máy san, 10 máy rải, 1 trạm bê tông xi măng, 3 trạm bê tông nhựa, 100 xe vận chuyển; đoạn Phan Thiết - Dầu Giây  đã huy động thêm 3 trạm trộn bê tông nhựa, 7 dây truyền thi công bê tông nhựa, 10 dây truyền thi công cấp phối đá dăm và cấp phối đá dăm gia cố xi măng, 4 máy khoan đá, 22 máy lu nền đường, 70 xe ôtô vận chuyển các loại… 

Do đó, sản lượng trung bình thi công tháng của các dự án trước đó chỉ từ 2,0 - 2,5% đã tăng lên 4,0 - 4,5%, tiến độ trên các công trường đã có chuyển biến rõ rệt (từ sản lượng tháng 9/2022 khoảng 50% đến 31/12/2022 sẽ đạt được gần 80% toàn dự án và trên 90% của tuyến chính).

Bộ GTVT cũng cho biết các Ban QLDA và các nhà thầu đã khắc phục mọi khó khăn, huy động đầy đủ nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án và sẽ đảm bảo thông xe kỹ thuật cả 3 dự án vào ngày 31/12/2022. 

Cùng với đó, Bộ GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo các Ban QLDA, nhà thầu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các hạng mục công việc còn lại để đưa các dự án này vào khai thác, sử dụng trước ngày 30/4/2023.

Tin mới lên