Bất động sản

'Bỏ hạn điền, phải chặn thân hữu lấy đất giá rẻ'

(VNF) - Một khi mở cánh cửa hạn điền mà không thu hẹp lại “cánh cửa thu hồi đất” thì sẽ có nhiều vấn đề phát sinh, điển hình là việc doanh nghiệp thân hữu mượn “bàn tay” nhà nước để đứng ra thu hồi đất với giá rẻ.

'Bỏ hạn điền, phải chặn thân hữu lấy đất giá rẻ'

Trong các cuộc khảo sát thực địa về phát triển nông nghiệp do Viện nghiên cứu Chính sách và Truyền thông thực hiện, chúng tôi nhận thấy vấn đề được chia sẻ nhiều nhất là sự bế tắc của người nông dân, của chính quyền địa phương trong làm nông nghiệp.

Vấn đề đã rất rõ: ruộng đất manh mún, canh tác thủ công, sử dụng phân bón và hóa chất nông nghiệp tràn lan, bài toán đầu ra cho nông sản... Và lời giải cũng đã bắt đầu được chính quyền từ trung ương đến địa phương nhìn thấy: thu hút doanh nghiệp tham gia nông nghiệp. Bởi chỉ khi doanh nghiệp tham gia một cách bài bản vào thị trường nông nghiệp, công nghệ canh tác mới thay đổi, an toàn nông sản mới được đảm bảo và bài toán giá trị sản phẩm cũng như đầu ra được giải quyết tốt hơn.

Để doanh nghiệp có thể tham gia, một nút thắt quan trọng đang tìm cách tháo gỡ: bỏ hạn điền để cho phép tích tụ đất đai. Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng trong bảo vệ quyền lợi của người nông dân khi gỡ bỏ hạn điền lại ít được đề cập, đó là xử lý vấn đề quyền thu hồi đất của các cơ quan hành chính vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội.

Thiệt hại khi bị thu hồi đất

Luật Đất đai 2013 dù làm rõ hơn các trường hợp thu hồi đất nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội nhưng phạm vi quy định vẫn quá rộng. Khoản 3d của Điều 62 trao cho cơ quan hành chính nhà nước quyền thu hồi đất của người dân ở lĩnh vực: thực hiện dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng...

Nhưng trong bối cảnh hiện nay, một khi mở cánh cửa hạn điền mà không thu hẹp lại “cánh cửa thu hồi đất” thì sẽ có nhiều vấn đề phát sinh.

Thứ nhất, doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp thân hữu, sẽ tìm cách vận động chính quyền tỉnh lập dự án nông nghiệp và mượn “bàn tay” nhà nước để đứng ra thu hồi đất.

Hệ quả thứ hai và thứ ba cũng một phần xuất phát hệ quả của điều thứ nhất, đó là doanh nghiệp thân hữu sẽ “mượn tay” chính quyền thu hồi đất với giá rẻ thông qua vỏ bọc là đầu tư dự án nông nghiệp, sau đó tìm cách chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất thương mại và nhà ở.

Với việc quy hoạch không minh bạch và tình trạng tuân thủ quy hoạch kém như hiện nay, không khó để doanh nghiệp “phù phép” chuyển đất nông nghiệp sang đất thương mại. Nói cách khác, bỏ hạn điền mà không giảm lĩnh vực thu hồi đất thì sẽ “mở toang” cánh cửa cho các doanh nghiệp thân hữu lấy đất một cách “hợp pháp” và người nông dân sẽ thiệt thòi, chính quyền địa phương thêm gánh nặng.

Hơn thế, một hệ quả không tích cực khác là doanh nghiệp thân hữu chuyển nhượng đất giá rẻ, sau đó bán trao tay lại cho các doanh nghiệp khác thực sự có nhu cầu làm nông nghiệp. Kinh doanh “quan hệ” một cách “siêu lợi nhuận” này hoàn toàn có thể xảy ra, nhờ lợi dụng việc thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Đó là tiến trình “đầu cơ đất giá rẻ” dựa vào quan hệ thân hữu với người, cơ quan quyền lực nhà nước, trong lúc đó người có nhu cầu đất thực lại mất đi cơ hội tiếp cận đất đai theo cơ chế thị trường.

Hạn chế thu hồi đất vì mục đích kinh tế

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố lần này nêu rõ, nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trước hết là các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Các dự án do Chính phủ, Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư cần thu hồi đất, gồm: xây dựng khu công nghiệp, chế xuất, công nghệ cao, đô thị; dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội ở trung ương; trụ sở của tổ chức ngoại giao nước ngoài; di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng; công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công.

Các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật nhà nước cần thu hồi đất gồm: giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, năng lượng, thông tin liên lạc; hệ thống dẫn, chứa xăng dầu, khí đốt; kho dự trữ quốc gia; công trình thu gom, xử lý chất thải.

Ngoài dự án xây dựng trụ sở và kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các địa phương được thu hồi đất để làm công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; khu đô thị, nhà ở thương mại, dân cư nông thôn; tái định cư, nhà ở cho sinh viên; nhà ở xã hội, công vụ; công trình của tổ chức tôn giáo; khu văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ công cộng; chợ; nghĩa trang, nhà tang lễ, nhà hỏa táng.

Địa phương được thu hồi đất làm cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; khai thác khoáng sản.

Với dự án chỉnh trang khu đô thị, dân cư nông thôn, nhà nước được thu hồi đất để cải tạo chung cư cũ; khu dân cư bị ô nhiễm môi trường, có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi thiên tai đe dọa tính mạng người dân; di dời công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh; bố trí tái định cư; khu dân cư bị xuống cấp nghiêm trọng.

Dự án lấn biển phục vụ các mục đích nêu trên; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tách từ dự án thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất thì nhà nước được thu hồi đất.

Việc thu hồi đất với các trường hợp nêu trên phải đáp ứng điều kiện là sử dụng vốn đầu tư công hoặc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Nhà nước được thu hồi đất với các dự án không dùng vốn đầu tư công thuộc đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt.

Với vấn đề thu hồi đất, tôi cho rằng dự luật Đất đai sửa đổi cần đưa ra được giải pháp để giải quyết hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan đến thu hồi đất.

Tôi ủng hộ việc nhà nước thu hồi đất với các dự án do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư, tuy nhiên, tôi cho rằng luật nên hạn chế quyền thu hồi đất của các địa phương để giao cho doanh nghiệp làm dự án kinh tế.

Nhà nước đứng ra thu hồi đất, sau đó giao doanh nghiệp thực hiện dự án như hiện nay sẽ đẩy nhanh tiến độ, nhưng thường không tạo ra được lợi ích hài hòa giữa các bên. Nhà nước thu hồi đất giá rẻ, người dân có đất bị thu hồi thiệt thòi, dẫn đến mâu thuẫn xã hội, khiếu kiện kéo dài. Doanh nghiệp chân chính muốn tiếp cận đất đai phải trải qua quy trình phức tạp, thậm chí phải hối lộ cán bộ.

Vì vậy, tôi đề xuất dự thảo quy định rõ các trường hợp nhà nước thu hồi đất để phục vụ quốc phòng, an ninh; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng; chấm dứt việc thu hồi đất do chính quyền địa phương phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, cần xem xét bỏ các quy định trong dự thảo liên quan đến dự án cần thu hồi đất do HĐND cấp tỉnh thông qua, gồm dự án nhà ở, thương mại, cụm công nghiệp. Việc chuyển đổi quyền sử đất để thực hiện dự án kinh tế phải dựa trên nguyên tắc người dân và doanh nghiệp thỏa thuận dân sự.

(*) Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Truyền thông (IPS)
 

Tin mới lên