Tiêu điểm

Bộ KH-ĐT: Chỉ định thầu rút gọn ở dự án vành đai 3 sẽ rủi ro cho TP. HCM

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho rằng chỉ định thầu thuộc thẩm quyền của TP. HCM, nhưng nếu áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn tại dự án vành đai 3 sẽ rủi ro cho thành phố.

Bộ KH-ĐT: Chỉ định thầu rút gọn ở dự án vành đai 3 sẽ rủi ro cho TP. HCM

Bộ KH-ĐT: Chỉ định thầu rút gọn ở dự án vành đai 3 sẽ rủi ro cho TP. HCM

Sáng 2/7, UBND TP.HCM phối hợp với 3 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương và Long An tổ chức hội nghị triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 và công tác chuẩn bị dự án vành đai 4 TP. HCM.

Thay mặt các địa phương có dự án đi qua, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP. HCM trình bày kế hoạch phối hợp thực hiện dự án, các địa phương chịu trách nhiệm triển khai dự án thành phần, TP. HCM là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện để đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ của dự án.

Sơ đồ dự án vành đai 3 TP.HCM

Qua tham khảo một số dự án, các tỉnh thành thống nhất đề xuất áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với gói thầu tư vấn và gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật theo phương thức rút gọn để rút ngắn thời gian thực hiện.

Một điểm mới khác mà các địa phương kiến nghị là cho phép điều chỉnh quy hoạch cục bộ, theo quy định thì thẩm quyền này của Thủ tướng.

Cân nhắc chỉ định thầu rút gọn

Bà Bùi Thị Thu Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ KH-ĐT) cho biết thẩm quyền cho phép chỉ định thầu thuộc thẩm quyền của TP.HCM. Tuy nhiên, việc áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn sẽ rủi ro cho thành phố bởi hình thức này chỉ áp dụng với gói thầu đơn giản và không cần phương án.

Về mặt quy trình chỉ định thầu, phải xác định năng lực, kinh nghiệm và xác định phương án. “Hiện quy trình bồi thường đã rất đơn giản rồi, các địa phương nên cân nhắc, áp dụng theo điều 54, 55, 56 Nghị định 63 hướng dẫn luật Đấu thầu”, bà Thủy khuyến nghị.

Đồng quan điểm, ông Trịnh Đức Trọng, Phó vụ trưởng Vụ kết cấu hạ tầng và đô thị, Bộ KH-ĐT cũng cho rằng hình thức chỉ định thầu rút gọn chỉ áp dụng gói thầu tư trị giá dưới 1 tỉ đồng, đồng thời khuyến nghị nên cân nhắc không nên áp dụng.

Đối với đề nghị phân cấp cho UBND TP.HCM điều chỉnh quy hoạch cục bộ, ông Trọng cho biết đây là kiến nghị chung của nhiều địa phương. Tuy nhiên, theo quy định thì cấp thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch cục bộ cấp tỉnh thì thuộc về Chính phủ, không có quy định phân cấp về cho địa phương.

Do đó, các địa phương cũng nên cân nhắc đề xuất này cho đảm bảo tính pháp lý, nhất là khi dùng nghị quyết của Chính phủ để điều chỉnh một quy định pháp luật.

Mặt bằng là mấu chốt

Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GT-VT đề nghị có đầu mối chỉ đạo vì dự án có đến 8 dự án thành phần, độc lập với nhau, và Sở GT-VT phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề này chứ không phải là ban quản lý dự án các tỉnh.

Để tổ chức song song một số công việc, ông Thọ cho biết hiện các đơn vị đang chuẩn bị trình Chính phủ ban hành nghị quyết, nhưng lúc này có thể triển khai các bước, làm việc với đơn vị tư vấn.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh mặt bằng là vấn đề mấu chốt để đảm bảo dự án vành đai 3 đúng tiến độ

Do thời gian áp dụng nguyên tắc chỉ định thầu chỉ có 2 năm thôi nên phải làm nhanh nhưng tuân thủ pháp luật, bám vào quy định để làm nhanh, chắc chắn. “Như hồ sơ thầu phải chấm nhanh lên, rút ngắn thời gian, công đoạn. Khi có tư vấn rồi sẽ thực hiện một số nội dung công việc song song như 15.8 tiến hành giải phóng mặt bằng”, ông Thọ nói.

Đánh giá giải phóng mặt bằng là mấu chốt, Thứ trưởng Bộ GTVT cũng khuyến nghị công tác giải phóng mặt bằng nên chia làm 3 giai đoạn, chỉ cần được 70% là khởi công, tập trung khởi công trước những giai đoạn dễ. Khi khởi công, dứt khoát phải giải phóng mặt bằng được 70%.

Giải phóng mặt bằng thì địa phương nào chịu trách nhiệm trên địa bàn địa phương đó nên chỉ cần xây dựng cơ chế giải phóng mặt bằng. Nếu diện tích đất thuộc thẩm quyền của HĐND thì cần thiết họp bất thường để thông qua.

Bàn giao mặt bằng từ tháng 10/2022

Về tiến độ, dự kiến trong tháng 7/2022, Chính phủ ban hành nghị quyết triển khai chủ trương đầu tư dự án. Từ tháng 8/2022, tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao ranh giải phóng mặt bằng; phê duyệt dự án bồi thường trong tháng 11/2022, phê duyệt chính sách bồi thường, ban hành quyết định thu hồi đất trong tháng 3.2023.

Dự kiến, công tác bàn giao mặt bằng từ tháng 10/2022 đến tháng 12/2023, đảm bảo tối thiểu 70% mặt bằng, đến tháng 4/2024 bàn giao toàn bộ mặt bằng.

Phấn đấu khởi công vào tháng 6/2023, thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào tháng 10.2025, hoàn thành toàn bộ dự án vành đai 3 của TP.HCM trong tháng 6/2026 và bàn giao, quyết toán trong năm 2027.

Tin mới lên