Thị trường

Bộ Nông nghiệp từ chối đề nghị bỏ thủ tục kiểm dịch sữa tươi của Vinamilk

(VNF) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối với sản phẩm sữa tươi, khi vận chuyển, lưu thông trong nước phải thực hiện việc kiểm dịch khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh. Sữa từ trang trại được công nhận an toàn, không phải lấy mẫu kiểm tra.

Bộ Nông nghiệp từ chối đề nghị bỏ thủ tục kiểm dịch sữa tươi của Vinamilk

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vừa đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, rút mặt hàng sữa tươi ra khỏi Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như hỗ trợ người nông dân phát triển chăn nuôi bò sữa.

Theo phản ánh của Vinamilk, thực tế cho thấy, kiểm nghiệm các thành phần trong sữa tươi nguyên liệu là một quy trình phức tạp, trong khi đó, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tại các địa phương chưa có đầy đủ máy móc, thiết bị để kiểm tra, xét nghiệm các chỉ số theo quy định. Do đó, công tác kiểm dịch và cấp Giấy chứng nhận hiện nay đa số còn mang tính hình thức và không thống nhất.

Vinamilk cũng cho rằng việc kiểm dịch sản phẩm sữa tươi nguyên liệu là không cần thiết khi hai nguồn nguyên liệu mà Công ty thu mua đều đã thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh dịch tễ cho đàn bò sữa. Đồng thời, sữa tươi nguyên liệu còn phải thông qua một quy trình chế biến nghiêm ngặt với các trang thiết bị hiện đại mới cho ra thành phẩm phục vụ người tiêu dùng.

Ngoài ra, chi phí kiểm dịch sữa cuối cùng cũng phải hạch toán vào giá thành sữa tươi nguyên liệu, làm cho thu nhập của người nông dân bị giảm sút. Địa phương thu phí kiểm dịch sẽ làm cho người nông dân thêm khó khăn trong bối cảnh ngành sữa đang tích cực hội nhập và phải cạnh tranh rất khó khăn.

Tuy nhiên, về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, sữa tươi là một trong những sản phẩm động vật có khả năng mang các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây thiệt hại lớn về kinh tế hoặc là các bệnh truyền lây giữa động vật và người như bệnh lở mồm long móng, lao, sảy thai truyền nhiễm…

Do đó, để kiểm soát và ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh, nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh và sức khỏe cộng đồng, sản phẩm này được đưa vào Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc dịch phải kiểm dịch ban hành kèm theo Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

"Đối với sản phẩm sữa tươi, khi vận chuyển, lưu thông trong nước chỉ phải thực hiện việc kiểm dịch khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh. Sữa từ trang trại được công nhận an toàn, không phải lấy mẫu kiểm tra", Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 39 Luật Thú y và Khoản 3, Điều 5 Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT, đối với sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở đã được công nhận an toàn dịch bệnh hoặc tham gia chương trình giám sát dịch bệnh hoặc được phòng bệnh bằng vắc xin và còn miễn dịch bảo hộ hoặc sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở sơ chế, chế biến được định kỳ kiểm tra vệ sinh thú y khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh, tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm dịch với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương, cơ quan thú y thực hiện việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch trong thời gian 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đăng ký.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trường hợp Công ty vận chuyển sữa tươi xuất phát từ các trang trại đã được công nhận an toàn dịch bệnh theo quy định ra khỏi địa bàn cấp tỉnh thì áp dụng theo quy định tại Khoản 2, Điều 39 Luật Thú y và Khoản 3, Điều 5 Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT nêu trên, không phải thực hiện việc lấy mẫu kiểm tra, không mất phí kiểm tra và lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.

Tin mới lên