Ngân hàng

Bộ Tài chính sắp nhận 4.560 tỷ đồng cổ tức từ BIDV

(VNF) - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố sẽ trả cổ tức năm 2017 và 2018 bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% mỗi năm. Tổng tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt hai năm 2017 và 2018 là 14%/cổ phiếu (một cổ phiếu nhận 1.400 đồng).

Bộ Tài chính sắp nhận 4.560 tỷ đồng cổ tức từ BIDV

BIDV sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 14% cho 2 năm 2017 và 2018.

Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 8/11/2019 và ngày dự kiến thanh toán là 12/12/2019. Như vậy, với tổng cộng hơn 3,41 tỷ cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, BIDV sẽ chi ra khoảng hơn 4.786 tỷ đồng cho đợt chia cổ tức này.

Tuy nhiên, trong trường hợp tới ngày 8/11, nhà đầu tư chiến lược KEB Hana Bank đã chính thức trở thành cổ đông của BIDV, số tiền chi trả sẽ cao hơn con số trên.

Quyết định này của BIDV gây bất ngờ bởi trước đó, đại hội cổ đông thường niên năm 2019 tổ chức hồi đầu tháng 4/2019 đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức cho năm 2018 chỉ là 6% bằng tiền mặt (năm 2017 vẫn theo kế hoạch là 7%). Thế nhưng, kế hoạch này bị trì hoãn thời gian dài khi Ngân hàng Nhà nước liên tục "kêu khó" trong việc tăng vốn cho 4 ngân hàng quốc doanh và kiến nghị các ngân hàng này được phép phát hành cổ phiếu để trả cổ tức nhằm giữ lại vốn.

Với việc đang nắm giữ trên 3,25 tỷ cổ phiếu của BIDV, Nhà nước sẽ nhận về tới 4.560 tỷ đồng từ đợt chia cổ tức này. Số tiền trên sẽ được chuyển cho cơ quan "quản tiền quốc gia" là Bộ Tài chính.

Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất được công bố, quý III/2019, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế 2.319 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của BIDV vẫn giảm 3,3% xuống 7.028 tỷ đồng.

Tín dụng - mảng kinh doanh cốt lõi của BIDV - vẫn ghi nhận tăng trưởng thu nhập lãi thuần trong 9 tháng dù không cao. Cụ thể, mức thu nhập lãi thuần đem về là 26.397 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, mảng dịch vụ đem về 3.018 tỷ đồng lãi thuần, tăng 19%. Mảng kinh doanh ngoại hối đem về 1.077 tỷ đồng lãi thuần, tăng 35%.

Trái lại, mảng mua bán chứng khoán kinh doanh ghi nhận 262 tỷ đồng lãi thuần, giảm 62%. Mảng mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận lỗ thuần tới 266 tỷ đồng, khác xa mức lãi thuần 220 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, BIDV cũng ghi nhận 3.591 tỷ đồng lãi thuần từ các hoạt động khác, tăng 25%.

Tựu chung, 9 tháng năm nay, tổng thu nhập hoạt động của BIDV đạt 34.258 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Song song với đó, tổng chi phí hoạt động ở mức 10.729 tỷ đồng, giảm 4,6%, tương đương giảm hơn 500 tỷ đồng.

Kết thúc 9 tháng, lợi nhuận thuần của BIDV đạt 23.529 tỷ đồng, tăng 8,8%. Tuy nhiên, do tiếp tục trích lập dự phòng lượng lớn nên lợi nhuận trước thuế của BIDV ghi nhận mức giảm 3% xuống 7.028 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 30/9/2019, tổng tài sản của BIDV ở mức trên 1,42 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với hồi đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 8,6%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 2,09%.

Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn tăng tới 70%, lên 12.193 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của BIDV đến hết ngày 30/9/2019 ở mức 59.377 tỷ đồng, tăng 8,8% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng ở mức trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 9,6%.

Tin mới lên