Tiêu điểm

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: 'Sẽ đề xuất các giải pháp hỗ trợ phù hợp'

(VNF) - Trong thời gian tới, bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức từ những tác động bất lợi chung của kinh tế thế giới, áp lực lạm phát tăng cao... ảnh hưởng tới quá trình hồi phục và phát triển của nền kinh tế. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: 'Sẽ đề xuất các giải pháp hỗ trợ phù hợp'

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Trước mắt, sẽ tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã và sắp được ban hành ngay trong thời gian tới; đồng thời tổng kết, đánh giá việc thực hiện để có các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu việc đánh giá, rà soát và sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế theo đúng Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, hướng tới một hệ thống thuế có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, đồng thời, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển bền vững của nền kinh tế.

Bộ cũng tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác: hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh để phát triển.

Đối với thị trường vốn, Bộ Tài chính cũng đã đề ra giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những bất ổn hiện nay để khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp. Vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế với nhiều điểm mới, theo hướng chặt chẽ hơn, nâng cao trách nhiệm của các bên tham gia.

Chính sách mới sẽ cần thời gian để thị trường làm quen, nhưng đây là cơ hội để thị trường sàng lọc, “gạn đục, khơi trong” tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư chuyên nghiệp chân chính. Tăng cường giải ngân đầu tư công và nguồn vốn ODA để thu hút nguồn vốn khác cho đầu tư phát triển.

Để các chính sách thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế, về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Tài chính hi vọng trong hoạt động của mình có sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp để ngành tài chính tiếp tục cải cách thủ tục theo hướng ngày càng minh bạch, cụ thể hơn, giúp người dân thực hiện chính sách tài chính được đầy đủ, nhanh chóng và thuận tiện, góp phần khuyến khích đầu tư, khuyến khích xuất khẩu, và phù hợp với thông lệ quốc tế, cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới của Việt Nam.

Tin mới lên