Thị trường

Bộ trưởng kể chuyện 'đôi giày 100 USD' trong quan hệ thương mại Việt Mỹ

(VNF) - Trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 3/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến câu chuyện quan hệ thương mại Việt - Mỹ trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng vừa qua.

Bộ trưởng kể chuyện 'đôi giày 100 USD' trong quan hệ thương mại Việt Mỹ

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Theo Bộ trưởng, hiện nay doanh nghiệp Mỹ đầu tư tại Việt Nam 835 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 10,2 tỷ USD và kim ngạch hai chiều khoảng 50 tỷ USD, trong đó Việt Nam nhập khẩu từ Hoa Kỳ khoảng 10 tỷ, xuất khẩu khoảng 40 tỷ, như vậy Việt Nam xuất siêu khoảng 30 tỷ USD.

Khi Thủ tướng hội đàm xong với Tổng thống Donald Trump thì Tổng thống Mỹ cũng nêu rõ là hiện nay Việt Nam đang xuất siêu và là một trong 16 nước xuất siêu sang Mỹ.

Vậy bây giờ bài toán như thế nào? Thủ tướng khẳng định là Việt Nam không cạnh tranh với Mỹ và hai nước chỉ tạo ra các lợi thế để hỗ trợ bổ sung cho nhau, ví dụ Việt Nam ký mua động cơ của máy bay Boeing, mua các thiết bị của nhà máy điện gió, đồng thời xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế như rau củ quả, cá ba sa, tôm…

Câu chuyện quan hệ thương mại tiếp tục được nêu lên trong cuộc làm việc với Bộ trưởng Thương mại Mỹ. "Mặc dù khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi TPP thì chúng ta cũng đã khẳng định là không ảnh hưởng gì đến quan hệ thương mại của Việt Nam với Mỹ vì chúng ta đã có FTA với các nước, chúng ta có TIFA, có Hiệp định thương mại Việt Nam và Cộng đồng châu Âu. Tiêu chuẩn và những nguyên tắc của những hiệp định này cũng đã bảo đảm cho vấn đề thương mại của Việt Nam tại thị trường Mỹ", Bộ trưởng nói.

Đáng chú ý là khi Thủ tướng thăm cửa hàng của Ivanka Trump, con gái Tổng thống Donald Trump đồng thời là trợ lý của Tổng thống, và thăm gian hàng của Việt Nam, thì thấy rằng thương hiệu hàng đầu Việt Nam của chúng ta được lợi thế đó là giày, hàng may mặc.

Khi đặt vấn đề bảo đảm lợi ích của hai bên, Thủ tướng đưa ra hình ảnh một đôi giày sản xuất tại Việt Nam giá 100 USD thì Việt Nam chỉ hưởng một phần nhỏ là 22 USD, còn lại 78 USD là gồm chi phí vận chuyển, chi phí thuế, chi phí bán lẻ, trong đó toàn bộ 55 USD chi phí bán lẻ là người Mỹ hưởng. 

Thủ tướng dùng hình ảnh mô tả giá trị đôi giày để nói về sự "win-win" trong quan hệ thương mại Việt - Mỹ

"Toàn bộ những chi phí liên quan đến hoạt động dịch vụ phục vụ cho việc bán lẻ là phía Mỹ hưởng. Cho nên sản xuất ở Việt Nam nhưng người Mỹ hưởng hơn Việt Nam rất nhiều. Đưa ra một ví dụ thuyết phục như thế nên ngay cả Tổng thống, Phó Tổng thống, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Thương mại, Đại diện Thương mại Mỹ và các cố vấn cấp cao của Tổng thống Donald Trump rất hài lòng thấy rằng việc thuyết phục với lập luận chứng minh rằng quyền lợi của hai bên được bảo đảm, lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam, lợi ích của doanh nghiệp Mỹ được bảo đảm", ông Dũng cho biết.

Đặc biệt khi nói đến chính trị ổn định, bảo đảm các môi trường thể chế, môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp Mỹ hay khi gặp mặt, tiếp xúc các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ như Facebook, Google, GE, Coca-Cola, vẫn theo ông Dũng, "họ đánh giá rất cao năng lực, nguồn nhân lực, sự thông minh của Việt Nam". 

"Khi gặp gỡ các doanh nghiệp Việt kiều thành đạt thì có thể khẳng định hợp tác giữa doanh nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ có những bổ sung, hỗ trợ khai thác lợi thế của hai bên", Bộ trưởng cho biết thêm.

Tin mới lên