Tiêu điểm

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: ‘Một số hợp tác xã xa rời bản chất các nguyên tắc và giá trị hợp tác xã’

(VNF) – Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khu vực kinh tế hợp tác, HTX còn có nhiều hạn chế như: tốc độ tăng trưởng chậm, thiếu ổn định; một số HTX chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, còn có biểu hiện hình thức, xa rời bản chất các nguyên tắc và giá trị HTX; năng lực nội tại của các HTX còn yếu…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: ‘Một số hợp tác xã xa rời bản chất các nguyên tắc và giá trị hợp tác xã’

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Sáng nay (14/10), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã với chủ đề “Cơ hội và thách thức phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã”.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá kinh tế hợp tác, hợp tác xã, với tư cách là một thành phần kinh tế, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, xã hội của nước ta.

Luật Hợp tác xã 2012 đã thể hiện tư duy mới về mô hình HTX kiểu mới với hạt nhân là “hợp tác”, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường và trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt.

Theo Bộ trưởng, trong thời gian qua, mặc dù tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều bất ổn, ngân sách hạn hẹp, nhưng khu vực hợp tác xã vẫn hoạt động khá ổn định. Số lượng hợp tác xã tăng dần theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền. Tính đến 31/12/2018, toàn quốc có 22.861 hợp tác xã (trong đó có 13.856 hợp tác xã nông nghiệp, 9.005 hợp tác xã phi nông nghiệp), thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Số lao động làm việc trong hợp tác xã khoảng 1,2 triệu người.

Đóng góp của khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã thể hiện qua hai kênh: đóng góp trực tiếp của khu vực HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác vào tăng trưởng kinh tế và đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế thành viên, HTX thành viên, thành viên tổ hợp tác.

“HTX đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế hộ, cá thể thành viên thông qua các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên, nhất là thành viên HTX nông nghiệp như: giảm chi phí đầu vào, tăng sản lượng đầu ra; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hộ gia đình, thành viên; góp phần cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương”, Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong thời gian qua, đã xuất hiện một số HTX có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng trên phạm vi nhiều tỉnh, doanh thu cao hàng trăm tỷ đồng (như HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Lâm Đồng), HTX Evergrowth (Sóc Trăng), HTX bò sữa Tân Thông Hội (Tp Hồ Chí Minh), Liên hiệp HTX Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigoncoop)…

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng khu vực kinh tế hợp tác, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều hạn chế, khó khăn như: tốc độ tăng trưởng chậm, thiếu ổn định; một số HTX chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, còn có biểu hiện hình thức, xa rời bản chất các nguyên tắc và giá trị HTX; năng lực nội tại của các HTX còn yếu, chủ yếu dựa vào vốn tự có, chưa tiếp cận được vốn vay từ  các tổ chức tín dụng; sự liên kết, hợp tác của các HTX chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, vai trò của liên hiệp HTX chưa được phát huy.

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, nhà nước có 6 chính sách hỗ trợ đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gồm: đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; thành lập mới hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Bên cạnh đó nhà nước còn có 2 chính sách ưu đãi: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế; uu đãi lệ phí đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Riêng đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, ngoài việc được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi quy định nêu trên, còn được hưởng 5 chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác, gồm: đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về đất đai; ưu đãi về tín dụng; vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; chế biến sản phẩm.

Các chính sách này đã được cụ thể hóa trong Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015- 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã ban hành và thực hiện các chính sách hỗ trợ riêng nhằm khuyến khích các HTX phát triển, phù hợp với khả năng và đặc điểm của địa phương.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận công tác triển khai còn rất nhiều hạn chế.

“Có chính sách hầu như chưa thực hiện được như chính sách hỗ trợ về kết cấu hạ tầng. Một số chính sách có thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao như chính sách ưu đãi tín dụng, chính sách hỗ trợ chế biến sản phẩm… Chính vì vậy, mặc dù có rất nhiều chính sách, nhưng trên thực tế, số lượng hợp tác xã được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước chưa nhiều”, Bộ trường Dũng nói.

Tin mới lên