Tiêu điểm

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu 5 động lực tăng trưởng, 2 trở ngại trong năm 2018

(VNF) – Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2018, Việt Nam có 5 động lực lớn để đạt được tăng trưởng cao, dù rằng vẫn còn không ít khó khăn, trở ngại

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu 5 động lực tăng trưởng, 2 trở ngại trong năm 2018

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết trong ngắn hạn 2018, Việt Nam đang có 5 động lực cần tận dụng. Thứ nhất là các chỉ số kinh tế năm 2017 rất tốt và hiện nay đang được tận dụng để duy trì đà cho năm 2018. "Tôi cho rằng, hiếm khi ta bước vào năm mới với các thời cơ tốt như hiện nay, ta phải tận dụng cho được", Bộ trưởng nói.

Thứ hai là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo Bộ trưởng, đây là thời cơ quý báu cho các nước đang phát triển để tăng tốc thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước phát triển.

Thứ ba là niềm tin của người dân và doanh nghiệp – một cơ hội tốt để tận dụng tạo nên sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị.

Thứ tư là tận dụng các làn sóng mới đang gia tăng hiện nay về đầu tư nước ngoài, thành lập doanh nghiệp mới, tăng trưởng du lịch… Việt Nam cần phải tận dụng theo định hướng mới chủ đích dẫn dắt những làn sóng này hiệu quả nhất.

Thứ năm, việc cải cách hành chính môi trường đầu tư trong những năm vừa qua đã được quốc tế đánh giá cao. Và Việt Nam cần đẩy mạnh việc này với tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo cũng như cần tiếp tục tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch hấp dẫn hơn nữa.

"Tôi cho rằng các chủ trương của Đảng và Chính phủ đúng đắn, đi vào cuộc sống, tôi vững tin vào điều đó. Ngay trong những ngày đầu năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và chúng tôi cũng đã có các chương trình hành động để triển khai hiệu quả. Chúng tôi sẽ làm tốt vai trò tham mưu, giúp đánh giá triển khai thực hiện của bộ, ngành, địa phương để Nghị quyết này triển khai đạt hiệu quả cao nhất", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thực tế vẫn còn không ít khó khăn, cả khách quan lẫn chủ quan. Đó là vẫn có những cán bộ với tư duy tầm nhìn hạn hẹp, thể hiện thông qua việc bảo thủ trì trệ, tham mưu kém, tạo lực cản cho sự phát triển của đất nước.

Đó là nạn tham nhũng lãng phí còn nặng nề, làm thất thoát nguồn lực của Nhà nước, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của đất nước.

Về dài hạn, bên cạnh việc phải cảnh giác đến các yếu tố gây bất ổn định kinh tế vĩ mô, phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, thực hiện tốt 3 khâu đột phá chiến lược là thể chế kinh tế thị trường, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng.

Theo Bộ trưởng, có 2 trở ngại khiến việc cải cách hiện nay vấp phải sự phản đối. Thứ nhất, nhiều cá nhân, đơn vị, cơ quan vẫn muốn làm việc theo thói quen, lề lối cũ, ngại thay đổi, đôi khi máy móc. Các công chức vẫn có thói quen căn cứ vào pháp luật quy định để đưa ra quyết định.

Trở ngại thứ hai là quyền lợi, vì việc cải cách chắc chắn luôn ảnh hưởng tới lợi ích của một bộ phận nào đó. Thực tế hiện nay, có không ít cán bộ công chức lầm tưởng, "lẫn lộn" chức trách của mình được Nhà nước giao, với quyền lực của mình, qua đó đặt lợi ích cá nhân lên lợi ích chung.

Bộ trưởng cho rằng để thực hiện thành công thì người làm cải cách phải vượt qua được những trở ngại từ các cơ quan, đơn vị, cá nhân phản đối, thậm chí cả lợi ích của chính mình, đồng thời, phải có trình độ chuyên môn tốt.

Cán bộ không chỉ nắm rõ pháp luật mà còn phải biết căn cứ vào thực tế, nếu cần phải thay đổi để phù hợp thực tiễn hơn. Ví dụ khi có các quy định mới chưa từng có, hoặc vênh với các luật khác, thì phải biết tham mưu, có bản lĩnh lập luận, bảo vệ. Tất nhiên, nếu ý kiến góp ý đúng thì phải tiếp thu, cuối cùng để đạt kết quả tốt nhất, có đồng thuận cao.

Đối với riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay đã quán triệt phương hướng nhiệm vụ chính của Bộ là tập trung vào vấn đề chiến lược, quy hoạch, có tầm nhìn, cập nhật những xu hướng phát triển mới mẻ, hiệu quả trên thế giới để làm, đồng thời giảm bớt các hoạt động liên quan đến phân bổ vốn hoặc thực hiện phân cấp phân quyền nhiều hơn.

Bên cạnh đó là giảm bớt những cuộc họp không cần thiết, hay những cuộc lãnh đạo địa phương phải về gặp gỡ làm việc trực tiếp trong vấn đề giao kế hoạch hằng năm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tối ưu hoá, hạn chế tối đa can thiệp của con người.

"Tôi đặt ra yêu cầu với các cán bộ của ngành phải nâng cao trình độ, để có tầm nhìn, tư duy mới bắt kịp với xu thế, tri thức mới, để tham mưu cho Đảng, Chính phủ về lĩnh vực kinh tế. Phải biết phân tích, học hỏi, từ đó mới xây dựng được thể chế phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

"Cá nhân tôi cho rằng, làm cải cách quan trọng nhất phải có tầm nhìn và có tâm sáng. Nếu mình có tâm, không vì lợi ích cục bộ cơ quan, hay nhóm nào thì dần mọi người sẽ hiểu và đồng thuận", Bộ trưởng nói.

Tin mới lên