Công nghệ

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 'Startup công nghệ mới có thể tìm đến Bộ TT&TT để tháo gỡ khó khăn'

(VNF) - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định các startup có ý tưởng công nghệ mới, thay đổi mô hình kinh doanh cũ có thể tìm đến Bộ TT&TT như một cầu nối với các bộ ngành liên quan để cùng để tháo gỡ khó khăn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 'Startup công nghệ mới có thể tìm đến Bộ TT&TT để tháo gỡ khó khăn'

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng vừa có buổi gặp mặt các thí sinh tham dự chương trình khởi nghiệp công nghệ - chương trình do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức với mục tiêu tìm kiếm các dự án khởi nghiệp tiềm năng trong lĩnh vực ứng dụng trên điện thoại di động.

Với nội dung: "Làm thế nào để 'Make in Vietnam' trở thành hiện thực, để trí tuệ Việt Nam hoà cùng dòng chảy của trí tuệ nhân loại trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0?", tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao các ý tưởng sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu của các tác giả, nhóm tác giả tham gia chương trình Khởi nghiệp công nghệ.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam muốn hùng cường, muốn thành nước công nghiệp phát triển thì phải dựa vào công nghệ mà công nghệ chủ yếu là công nghệ số.

"Thế giới đang thay đổi lớn, chuyển đổi lớn, đó chính là chuyển đổi số, cách mạng số, cách mạng 4.0. Cuộc cách mạng này không đòi hỏi cơ sở vật chất mà cái cần thay đổi đó là tư duy. Trong tương lai, chuyển đổi số sẽ mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam, nhưng đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, từng người dân và trên mọi lĩnh lực. Đây chính là cuộc cách mạng lớn trong lịch sử loài người, sự chuyển đổi lớn vĩ đại mang tính lịch sử, từ không gian này tới không gian khác", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Tại buổi trò chuyện, nhiều vấn đề khó khăn trong khởi nghiệp đã được các bạn trẻ chỉ ra. Theo những người làm startup, một trong những trở ngại lớn nhất tại Việt Nam là về vấn đề cơ chế chính sách.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đối thoại với các startup trẻ 

Hàng loạt câu hỏi được các startup đặt ra như: Khi tích hợp một công nghệ mới vào mô hình kinh doanh truyền thống, làm thế nào để nó được pháp luật thừa nhận; mô hình này sẽ đứng ở đâu giữa cơ quan quản lý nhà nước về công nghệ và cơ quan quản lý theo mô hình kinh doanh truyền thống?

Trước vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng thế giới đang ở trong giai đoạn chuyển đổi số. Lần đầu tiên trong lịch sử, loài người chuyển từ thế giới thực sang thế giới ảo. Lúc này, thách thức lớn nhất đặt ra cho các nhà quản lý là việc ứng xử thế nào đối với các mối quan hệ mới, các mô hình kinh doanh mới.

"Đó là khi một ứng dụng về du lịch nhưng lại không phải là sản phẩm du lịch, cũng giống như Grab, tuy giải quyết câu chuyện vận tải nhưng lại không phải là taxi", Bộ trưởng lấy ví dụ.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đối với vấn đề này, phải sử dụng cách quản lý mới theo cơ chế sandbox. Đây là cơ chế cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm các mô hình mới, trong khoảng thời gian và không gian xác định, dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước.
 
Sandbox hiện là cách tiếp cận khả thi nhất để quản lý các mô hình kinh doanh mới ứng dụng khoa học công nghệ. Được biết, trong năm nay, Bộ TT&TT sẽ tạo ra khung cơ chế sandbox để trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Người đứng đầu Bộ TT&TT cũng cho rằng không gian dành cho các starup trong lĩnh vực ứng dụng trên điện thoại di động là rất rộng lớn. Chính vì vậy đây chính là thời gian để các startup nắm bắt cơ hội sáng tạo, đột phá bằng những ý tưởng của riêng mình.

"Các startup có ý tưởng công nghệ mới, thay đổi mô hình kinh doanh cũ có thể tìm đến Bộ TT&TT làm cầu nối với các bộ ngành liên quan để cùng để tháo gỡ những khó khăn. Bộ luôn khuyến khích và sẵn sàng đồng hành và tạo mọi điều kiện tốt nhất để các startup phát triển", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Tin mới lên