Bất động sản

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: 'Cảng Cái Cui không hiệu quả, cần làm cảng mới'

(VNF) - Đánh giá về hàng hải của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng cảng Cái Cui (cảng lớn nhất vùng, nằm ở Cần Thơ) hiện không hiệu quả, cần phải nghiên cứu, chọn vị trí làm một cầu cảng mới, một cầu cảng tận dụng nguồn lực và trí lực của các tập đoàn tư nhân, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: 'Cảng Cái Cui không hiệu quả, cần làm cảng mới'

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Cảng Cái Cui không hiệu quả, cần làm cảng mới

Phát biểu tại hội nghị triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2019 do Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết trong thời gian qua, hàng hải là ngành thực hiện cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ nhất của Bộ Giao thông vận tải, tiệm cận nhanh với cách mạng công nghệ 4.0 đang lan tỏa mạnh mẽ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Thể cho rằng ngành hàng hải vẫn chưa tận dụng được hết tiềm năng. “Sự kết nối với 4 phương thức còn lại, đặc biệt với đường sắt và đường thủy nội địa vẫn còn yếu, tình trạng ‘có cảng, kho bãi nhưng không có đường’ vẫn còn tồn tại'”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng yêu cầu ngành hàng hải phải nghiên cứu, thực hiện tốt ngay từ khâu quy hoạch.

Cụ thể, đối với cảng Lạch Huyện ở khu vực phía Bắc, Cục Hàng hải Việt Nam phải nghiên cứu quy hoạch lại các cảng nhỏ, tập trung lợi thế cho Lạch Huyện phát triển, phải tính phương án khi cảng Lạch Huyện có nhiều hơn 2 bến cảng như hiện tại thì việc kết nối giao thông sẽ ra sao? Có phải xây dựng nhiều hơn một cây cầu Lạch Huyện? Phương án đường thủy sẽ kết nối như nào? Với lợi thế của Hải Phòng, một cảng Lạch Huyện đã đủ đáp ứng hay cần phải xây dựng thêm một cảng khác?.

“Tại khu vực phía Nam, ngành hàng hải cũng phải cân nhắc đường bộ vào cảng Cái Mép – Thị Vải có nên mở rộng để giải quyết tình trạng ách tắc như hiện nay? Nếu mở thì mở đường nào? Quy mô ra sao? Có nên hình thành đường sắt, đường thủy nội địa kết nối, gom hàng?”, Bộ trưởng nói và nhấn mạnh ngành hàng hải phải huy động mọi nguồn lực để thuê tư vấn, chuyên gia giỏi làm tốt vấn đề quy hoạch.

“Kể cả cảng Cái Mép - Thị Vải dù đã có Đề án giao thông kết nối song nếu các phương án hoạch định không khả thi, cơ quan chức năng phải thuê tư vấn nước ngoài đánh giá lại. Phát triển cảng biển không cần nhiều quy hoạch mới mà phải có quy hoạch tốt để chúng ta có những trung tâm cảng thực sự chất lượng”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng cho rằng việc phát triển cảng biển phải đồng đều. Ngành hàng hải phải chú trọng hơn trong nghiên cứu, hình thành cảng biển ở khu vực miền Trung.

“Đặc biệt, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang có đầy đủ yếu tố thuận lợi để phát triển hàng hải nhưng cảng Cái Cui hiện không hiệu quả, chúng ta phải nghiên cứu, chọn vị trí làm một cầu cảng mới, một cầu cảng tận dụng nguồn lực và trí lực của các tập đoàn tư nhân, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, để nâng cao chất lượng cảng biển, thu hút hàng hóa và các hãng tàu lớn trên thế giới mở tuyến đến Việt Nam, tất cả các cảng biển Việt Nam, các doanh nghiệp ngành hàng hải phải nhanh chóng hình thành một cơ sở dữ liệu lớn của ngành để quá trình giám sát, thực hiện thủ tục hành chính tại cảng được tự động hóa hoàn toàn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị ngành hàng hải rà soát, sàng lọc lại nguồn nhân lực, ai làm được việc thì giữ lại bồi dưỡng tiếp, ai hoạt động kém phải dùng quy chế, nội quy để đào thải.

“Cùng đó, cơ quan ngành hàng hải phải chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt và có phương án cho lực lượng cán bộ nguồn để bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, tránh tình trạng ‘tre đã già nhưng măng chưa mọc’, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành”, Bộ trưởng chỉ đạo.

>> Xem thêm: Hàng loạt dự án của Sacomreal, MBLand, Hồ Tràm, Mipec... vào 'tầm ngắm' thanh tra năm 2019

Tin mới lên