Bất động sản

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: 'Nếu không sửa cầu Thăng Long thì sau này sẽ rất khó sửa'

(VNF) - Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, thời điểm này, nếu không sửa chữa được cầu Thăng Long thì sau này sẽ rất khó sửa vì khi tuyến đường vành đai 3 hoàn thành và đi vào hoạt động, mật độ phương tiện lưu thông qua cầu là rất lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: 'Nếu không sửa cầu Thăng Long thì sau này sẽ rất khó sửa'

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể

Chiều 12/8, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GTVT cùng các đơn vị liên quan đã trực tiếp lên trên cầu Thăng Long (TP. Hà Nội) để kiểm tra, rà soát, đánh giá mức độ hư hỏng, từ đó tìm phương án khắc phục sửa chữa mặt cầu.

Báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết mặt cầu Thăng Long đã qua 2 đợt sửa chữa lớn vào năm 2009 và các năm từ 2012 - 2014.

Từ năm 2009, mặt cầu Thăng Long được sửa chữa tổng thể toàn bộ mặt cầu (kết cấu lớp phủ mặt cầu tính từ dưới lên). Sau một thời gian khai thác, lớp bê tông nhựa SMA bị hư hỏng, trượt, xô dồn nứt dẫn đến lớp bê tông nhựa mặt cầu nhanh bị phá hỏng.

Từ năm 2012 - 2014, Bộ GTVT thi công sửa chữa, khắc phục hư hỏng lớp bê tông nhựa mặt cầu Thăng Long bằng máy rải chuyên dụng của hãng HallBrother (Mỹ), sử dụng vật liệu dính bám nhũ tương nhựa đường polyme và bê tông nhựa polyme.

Hiện cầu Thăng Long đang được chia nhỏ ra từng hạng mục để 3 đơn vị cùng quản lý gồm: Công ty Cổ phần đường sắt Hà Thái quản lý toàn bộ kết cấu cầu, dàn thép, khe co dãn mặt cầu tầng hai, hệ thống chiếu sáng trên cầu; Cục Quản lý đường bộ I – Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý phần mặt đường ô tô trên 5 liên dàn thép của cầu chính; Sở GTVT Hà Nội quản lý phần mặt đường dẫn hai bên đầu cầu và phần đường bộ hành công vụ, hệ thống lan can.

Mặt cầu Thăng Long xuống cấp trầm trọng nhưng chưa có giải pháp khắc phục triệt để

Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã đi thị sát toàn bộ bề mặt cầu, kết cấu cầu, dàn thép, khe co dãn mặt cầu tầng hai, hệ thống chiếu sáng, hệ thống thông tin liên lạc và làm việc trực tiếp với lãnh đạo Tổng cục Đường Bộ Việt Nam về tình trạng xuống cấp của cầu Thăng Long.

Sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng Thể cho rằng thời điểm này, nếu không sửa chữa được cầu Thăng Long thì sau này sẽ rất khó sửa vì khi tuyến đường vành đai 3 hoàn thành đi vào hoạt động mật độ phương tiện lưu thông qua cầu là rất lớn.

Ông Thể yêu cầu các đơn vị quản lý cầu và Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương rà soát, kiểm tra các điểm bị hư hỏng để đưa ra đánh giá mức độ xuống cấp. Đồng thời, tiến hành nghiên cứu các phương án để tiến hành sửa chữa cầu Thăng Long trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, Tổng cục Đường bộ đã báo cáo Bộ GTVT 3 phương án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, cụ thể:

Phương án 1 là sửa chữa tổng thể cả bản thép mặt cầu (tăng độ cứng, tăng khả năng chịu lực cho lớp bản thép trực hướng). Đồng thời, khắc phục, tăng cường dính bám, chống trượt lớp bê tông nhựa trên mặt thép theo hướng khôi phục lại nguyên lý thiết kế của Liên Xô trước đây. Tuy nhiên, sẽ kém kinh phí; thời gian làm thủ tục, thi công kéo dài, ảnh hưởng giao thông qua cầu.

Phương án 2 là chỉ thí điểm sửa chữa lớp bê tông nhựa mặt cầu nhưng không sửa chữa phần kết cấu thép. Tuy nhiên, sẽ không xử lý triệt để được hiện tượng nứt dọc do bản thép bị mỏi, suy giảm khả năng chịu tải.

Phương án 3 là cho hàn lưới thép trên bản thép mặt cầu, sau đó làm lớp dính bám như phương án 1 và thảm bê tông nhựa (sử dụng loại bê tông nhựa gia cường cốt sợi thủy tinh để cải thiện khả năng chịu kéo của bê tông nhựa)… Tuy nhiên, việc hàn sẽ làm biến dạng bản thép mặt cầu, quá trình sử dụng mối hàn có thể bong bật.

Để có giải pháp tổng thể cho việc sửa chữa triệt để, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã liên hệ với chuyên gia Nga. Tháng 9/2018, các chuyên gia Nga đã sang Việt Nam khảo sát trực tiếp và đang lập phương án sửa chữa. Hiện nay, Bộ GTVT đang xem xét phương án sửa chữa khắc phục cầu.

Tin mới lên