Tài chính

Bộ trưởng tài chính nêu 5 nhiệm vụ ngành chứng khoán năm 2017

(VNF) - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu tiên năm 2017 tại Sở GDCK Hà Nội, đồng thời đưa ra 5 nhiệm vụ cho ngành chứng khoán năm 2017.

Bộ trưởng tài chính nêu 5 nhiệm vụ ngành chứng khoán năm 2017

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu tiên năm 2017 tại Sở GDCK Hà Nội.

Sáng ngày 3/1/2017, tại Sở GDCK Hà Nội, UBCKNN đã tổ chức Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu tiên năm 2017. 

Phát biểu sau Lễ đánh cồng, Bộ trưởng đánh giá cao những nỗ lực của cơ quan quản lý, các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), và toàn thể thành viên thị trường về những kết quả đã đạt được trong năm 2016. 

Huy động vốn qua thị trường đạt hơn 348 nghìn tỷ đồng

Bộ trưởng nhận định, qua 20 năm hoạt động của ngành chứng khoán,thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, cung ứng 25% vốn cho nền kinh tế. Mức vốn hóa thị trường bao gồm cả trái phiếu và cổ phiếu năm 2016 tương đương với 74% GDP, tăng hơn 35% so với năm 2015.

Năm 2016, huy động vốn qua thị trường chứng khoán đã tăng đáng kể, tổng giá trị huy động vốn qua thị trường đạt hơn 348 nghìn tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó thị trường trái phiếu chính phủ đã huy động vốn cho ngân sách nhà nước và đầu tư phát triển 312 nghìn tỷ đồng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Giao dịch trái phiếu chính phủ cũng có sự bứt phá với giá trị giao dịch bình quân phiên đạt trên 6,2 nghìn tỷ, tăng 72% so với năm 2015. Trên thị trường cổ phiếu, tổng giá trị huy động đạt mức 36 nghìn tỷ, thanh khoản thị trường cải thiện mạnh với quy mô giao dịch cổ phiếu bình quân phiên trên 3 nghìn tỷ đồng, tăng gần 19% so với bình quân phiên năm 2015.

Năm 2016, số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sau cổ phần hoá lên giao dịch trên UPCoM là 118 doanh nghiệp, đưa số lượng doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM lên 408 doanh nghiệp (số liệu tính đến 23/12/2016), đẩy vốn hoá thị trường UPCoM tăng gấp hơn 4 lần so với năm 2015.

5 nhiệm vụ cho thị trường chứng khoán 2017

Đầu năm mới, Bộ trưởng đã giao 5 nhiệm vụ cho ngành chứng khoán.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, đặc biệt là hệ thống Luật chứng khoán thế hệ mới trên tinh thần phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước và thông lệ quốc tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thị trường chứng khoán phát triển và phát huy ngày càng tốt hơn chức năng, vai trò của thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thị trường chứng khoán và cơ quan quản lý. Đẩy nhanh tiến trình hợp nhất 2 Sở giao dịch chứng khoán, đảm bảo nguyên tắc phát triển thị trường chứng khoán với nhiều cấp độ, tăng quy mô và chất lượng hoạt động, đa dạng hóa các loại sản phẩm, nghiệp vụ đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững. Đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát bảo đảm tính công khai, minh bạch của các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán.

Thứ ba, đảm bảo chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động từ Quý II/2017; nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chứng khoán phái sinh theo lộ trình từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp với nhu cầu và sự phát triển của TTCK, đảm bảo khả năng quản lý, giám sát các rủi ro trên thị trường. Hoàn thiện các điều kiện về cơ sở pháp lý và hệ thống kỹ thuật cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp để có thể triển khai từ năm 2018.


Bộ trưởng Tài chính giao nhiệm vụ chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động từ Quý II/2017

Thứ tư, tiếp tục tổ chức tốt công tác đấu thầu và tổ chức giao dịch TPCP nhằm huy động vốn kịp thời và hiệu quả cho ngân sách và cho đầu tư phát triển;  Kết hợp với việc cơ cấu lại nợ trong nước theo hướng kéo dài kỳ hạn bình quân của TTCP;  đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư và sản phẩm phát hành; phát triển trái phiếu chính quyền địa phương gắn với việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thu chi ngân sách nhà nước, giảm tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách địa phương để từ đó thúc các địa phương tăng cường công tác huy động vốn (phát hành trái phiếu chính quyền địa phương) trên thị trường trái phiếu chính phủ và phát hành trái phiếu xanh.

Thứ năm, tiếp tục triển khai công tác đấu giá cổ phần hóa hiệu quả nhằm góp phần hỗ trợ và thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn, bán cổ phần DNNN; triển khai các giải pháp thúc đẩy hoạt động đấu giá cổ phần hóa gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN; tiếp tục chủ động hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty, các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước về cổ phần hóa, tái cơ cấu và phát triển thị trường chứng khoán.

Vietnam Airlines, Vinatex lên sàn UPCoM

Cũng trong buổi sáng nay, Sở GDCK Hà Nội đã tổ chức lễ khai trương giao dịch cổ phiếu của 2 DNNN cổ phần hóa là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). 

Phát biểu tại Lễ khai trương giao dịch cổ phiếu, Tổng giám đốc Vinatex Đinh Tiến Trường cho rằng việc đưa cổ phiếu Vinatex lên giao dịch trên TTCK không chỉ huy động được lượng vốn của các cổ đông hiện hữu mà còn có sự tiếp cận của các nhà đầu tư tương lai.

Cùng quan điểm trên, ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết thêm, việc cổ phiếu Vietnam Airlines lên giao dịch sẽ tăng cường tính minh bạch và thanh khoản của cổ phiếu HVN, là tiền đề để Việt Nam Airlines tiếp tục thực hiện lộ trình tái cơ cấu, phát hành cổ phiếu tăng vốn, trở thành công ty có chất lượng và hiệu quả quản trị hàng đầu trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và trên thế giới.

Ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines nhận giấy chứng nhận đăng ký giao dịch trên UPCoM

Ngay khi vừa mở phiên giao dịch sáng 3/1/2017, cổ phiếu HNV của Vietnam Airlines đã tăng hết biên độ, từ mức 28.000 đồng/cổ phiếu lên 39.200 đồng/cổ phiếu. Chỉ có 700 cổ phiếu HNV được khớp lệnh, hiện còn dư mua ở mức giá trần 1,1 triệu đơn vị. 

Cổ phiếu VGT của Vinatex cũng tăng mạnh 3.800 đồng lên mức 17.300 đồng/cổ phiếu, dù có thời điểm đã tăng trần lên 17.800 đồng. 

Kết thúc phiên giao dịch buổi sáng, chỉ số VN-Index tăng 4,57 điểm lên 669 điểm. HNX-Index tăng 1,08 điểm lên 81,19 điểm, UPCoM giảm nhẹ còn 53,8 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 1.800 tỷ đồng. 

Tin mới lên