Tiêu điểm

Bộ trưởng Tài chính: 'Tỷ lệ thu ngân sách trên GDP của Việt Nam không phải quá cao'

(VNF) – Có Đại biểu Quốc hội cho rằng tỷ lệ thu ngân sách trên GDP của Việt Nam cao thứ ba thế giới, sau Nhật và Trung Quốc tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã bác bỏ điều này.

Bộ trưởng Tài chính: 'Tỷ lệ thu ngân sách trên GDP của Việt Nam không phải quá cao'

Tỷ lệ huy động ngân sách trên GDP của Việt Nam không phải quá cao so với các nước

Thu từ thuế, phí giảm nhanh

Phát biểu giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định tỷ lệ huy động ngân sách trên GDP của Việt Nam không phải là quá cao.

Cụ thể, tỷ trọng huy động ngân sách nhà nước trên GDP của Việt Nam năm 2017 là 23,9% GDP, trong đó động viên từ thuế, phí có 19,7%. Trong khi theo báo cáo của IMF vào tháng 10/2017, tỷ trọng tổng thu ngân sách nhà nước trên GDP năm 2016 bình quân của các nước thuộc EU là 44,3% GDP; của các nước phát triển và mới nổi ở châu Á là 25,5%, GDP; của một số nước trong khu vực như Trung Quốc là 28,2%, Ấn Độ 21,3%, Thái Lan 22,4%, Malaysia 20,4%...

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: khi so sánh số liệu thu ngân sách giữa các nước, cần chú ý đảm bảo việc so sánh dựa trên các tiêu chí đồng nhất và cùng bản chất.

Ví dụ, số thu ngân sách của nhiều nước thường chỉ là số thu của ngân sách của chính quyền trung ương, trong khi đó số liệu của Việt Nam lại bao gồm cả 4 cấp ngân sách là trung ương, tỉnh, huyện và xã, theo quy định của Hiến pháp là ngân sách lồng ghép.

Về phạm vi, thu ngân sách Việt Nam bao gồm cả thu từ dầu thô, thu sử dụng đất từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước. Trong khi ở nhiều nước, các khoản thu này được xếp vào các nhóm khoản thu từ vốn, thu từ bán tài nguyên quốc gia và không được tính vào nguồn thu từ thuế và phí.

Hoặc một số các nước phát triển huy động cả bảo hiểm xã hội vào thu ngân sách nhà nước, trong khi Việt Nam lại loại trừ khoản này ra.

"Thực tế, một số sắc thuế cơ bản tùy thuộc vào chiến lược của từng quốc gia, từng thời kỳ. Ví dụ như thuế tài nguyên là chiến lược, chúng ta ưu tiên xuất khẩu tinh, hạn chế xuất khẩu thô. Khi so sánh một số sắc thuế cơ bản, quy định của Việt Nam cũng ở mức trung bình thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Theo Bộ trưởng, trong thời gian vừa qua, thông qua chính sách tài khóa, chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp miễn, giảm, giãn thuế nhanh và mạnh hơn so với lộ trình đã dự kiến. Việc này nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu và phát triển kinh tế.

"Chính việc điều chỉnh chính sách này cùng với sự sụt giảm nhanh từ dầu thô và xuất nhập khẩu (do hội nhập) nên tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước từ thuế, phí có xu hướng giảm nhanh. Dự kiến năm 2018 là 19,7% GDP, giảm so với 2017 là 20,1% và chưa đạt mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2016 - 2020 là tỷ lệ huy động từ thuế, phí khoảng 21% GDP".

Bộ trưởng ghi nhận ý kiến của các đại biểu về việc cần phải xem xét để có những điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thu, siết chặt các ưu đãi về thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế, điều chỉnh thuế suất phù hợp. Bên cạnh đó là rà soát đưa ra một số khoản thu quỹ tài chính ngoài ngân sách vào cân đối ngân sách và nghiên cứu để xây dựng thuế tài sản vào thời điểm thích hợp.

"Đây là định hướng và hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu và cũng đã trình. Đồng thời chấn chỉnh chính sách quản lý thu, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, ngăn chặn tình trạng chuyển giá, trốn thuế, giảm tỷ trọng, nợ đọng thuế. Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo và chúng tôi đang hoàn thiện để sớm trình với Quốc hội sửa đổi Luật thuế trong năm 2018 theo chương trình và theo Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách Nhà nước", Bộ trưởng cho hay.

Thu ngân sách tăng 2,3% là tích cực

Trả lời cho câu hỏi vì sao tăng trưởng GDP năm 2017 dự kiến đạt kế hoạch là 6,7% mà thu ngân sách nhà nước chỉ tăng thu 2,3% so với dự toán, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng về bản chất, ngân sách nhà nước là thước đo quan trọng phản ánh sự phát triển và hiệu quả của nền kinh tế. Vì vậy, kết quả thực hiện ngân sách nhà nước chịu sự tác động chi phối cả từ yếu tố tích cực và những hạn chế yếu kém của nền kinh tế.

"Dự toán năm 2017 chúng ta xây dựng trên cơ sở tăng trưởng kinh tế là 6,7% và lạm phát 4%. Trong điều kiện tăng trưởng kinh tế và lạm phát đạt kế hoạch thì thu ngân sách chúng ta đang ước vượt 2,3% là tích cực.

"Nếu so với năm 2016 thì đánh giá thu ngân sách nhà nước năm 2017 tăng 10,1%. Trong đó, thu nội địa từ sản xuất kinh doanh tăng 14,1% góp phần bù đắp cho tác động của cắt giảm thuế để hội nhập và giảm thu từ dầu thô do yếu tố giá và sản lượng giảm. Mức đánh giá thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh 14,1% cũng là cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng kinh tế và lạm phát 6,7% và 4%", Bộ trưởng nói.

Đối với thực tế thu từ doanh nghiệp nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh không đạt dự toán (lần lượt là 92,3%; 95,1% và 97,2%), Bộ trưởng giải thích do dự toán năm 2017 của các khu vực này đều giao ở mức rất cao so với thực hiện năm 2016.

‘Khu vực doanh nghiệp nhà nước giao tăng 8,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 22,9% và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 23,8%. Như vậy cao hơn nhiều so với tăng trưởng kinh tế và lạm phát cộng lại. Mặc dù vậy nhưng đây vẫn là mức tích cực so với thực hiện năm 2016", Bộ trưởng nhận định.

Tin mới lên