Ngân hàng

Bóc tách nguyên nhân lợi nhuận Ngân hàng Bản Việt tăng vọt hơn 5 lần trong nửa đầu năm

(VNF) - Giảm huy động tiền gửi khách hàng, tăng cường huy động trên thị trường liên ngân hàng là cách mà Ngân hàng Bản Việt đã làm trong nửa đầu năm 2021 để giảm chi phí huy động vốn.

Bóc tách nguyên nhân lợi nhuận Ngân hàng Bản Việt tăng vọt hơn 5 lần trong nửa đầu năm

Bóc tách nguyên nhân lợi nhuận Ngân hàng Bản Việt tăng vọt hơn 5 lần trong nửa đầu năm

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 vừa được Ngân hàng TMCP Bản Việt (HoSE: BVB) công bố cho thấy riêng trong quý vừa qua, lợi nhuận của ngân hàng này đạt 185 tỷ đồng, gấp tới hơn 13 lần quý II/2020.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Bản Việt đạt lợi nhuận trước thuế 337 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ năm ngoái.

Đâu là nguyên nhân dẫn đến mức tăng vọt về lợi nhuận này?

Đầu tiên là do sự cải thiện ở mảng tín dụng. 6 tháng đầu năm nay, mảng này đem về cho Ngân hàng Bản Việt 738 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 223 tỷ đồng, tương đương tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có 2 nguyên nhân quan trọng dẫn đến mức tăng trưởng thu nhập lãi thuần ấn tượng này. Lý do thứ nhất là doanh thu mảng tín dụng (thể hiện qua chỉ tiêu Thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự) tăng 5% lên 2.267 tỷ đồng, tương đương tăng 107 tỷ đồng; phần lớn nhờ vào việc dư nợ cho vay khách hàng tăng tới 11,4% chỉ trong nửa đầu năm.

Song song, chi phí huy động (thể hiện qua chỉ tiêu Chi phí lãi và các chi phí tương tự) giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 116 tỷ đồng, xuống 1.528 tỷ đồng. Nguyên nhân là do ngân hàng này để cho tiền gửi khách hàng (nguồn tiền chủ yếu của ngân hàng) giảm so với cùng kỳ năm ngoái, từ 41.372 tỷ đồng xuống 39.901 tỷ đồng, tương đương giảm 1.471 tỷ đồng (giảm 3,6%). Cùng với đó, lãi suất huy động giảm đáng kể so với cùng kỳ cũng giúp giảm chi phí huy động.

Để đảm bảo nguồn vốn hoạt động, đặc biệt là cho tăng trưởng tín dụng, ngân hàng này đã đẩy mạnh huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng khi tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác tăng tới 3.657 tỷ đồng, tương đương mức tăng 39%, trong bối cảnh lãi suất huy động trên thị trường này duy trì ở mặt bằng thấp kỷ lục trong nửa đầu năm nay.

Nguyên nhân thứ hai giúp lợi nhuận của Ngân hàng Bản Việt tăng vọt là nhờ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh, từ 188 tỷ đồng nửa đầu năm ngoái xuống gần 71 tỷ đồng nửa đầu năm nay.

Nhờ 2 nguyên nhân trên mà dẫu cho lãi thuần ở các mảng phi tín dụng đi ngang so với cùng kỳ , ở mức 142 tỷ đồng (trong đó, lãi thuần từ dịch vụ và hoạt động khác tăng nhưng lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán đầu tư giảm), thêm vào đó, chi phí hoạt động tăng 16% (tương đương tăng gần 65 tỷ đồng) nhưng lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Bản Việt vẫn tăng vọt gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Tính đến hết ngày 30/6/2021, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Bản Việt ở mức 2,81%, khá gần mức quy định tối đa 3% của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 45%, thấp hơn so với trung bình ngành.

Tổng tài sản của ngân hàng này đạt 66.600 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay ở mức 44.377 tỷ đồng.

Riêng các khoản phải thu và lãi, phí phải thu ở mức 2.588 tỷ đồng. Trong đó, 1.585 tỷ đồng là các khoản phải thu (gồm 900 tỷ đồng là tiền đặt cọc thuê tòa nhà Viet Capital Center, gần 200 tỷ đồng là khoản phải thu Công ty Chứng khoán Bản Việt và các khoản khác), cùng với đó là gần 1.003 tỷ đồng lãi, phí phải thu (chủ yếu là lãi, phí phải thu từ cho vay).

Tin mới lên