Tài chính

'Bom tấn' IPO của Tập đoàn Cao su Việt Nam liệu có tạo hấp lực?

(VNF) - Dù đang nắm trong tay khối sản "khủng" với quỹ đất lên đến 475.000 ha song với quy mô quá lớn, cùng với một bộ máy điều hành cồng kềnh và "điều kiện" để trở thành cổ đông chiến lược khá khắt khe, thương vụ IPO của Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) được dự báo sẽ có nhiều trắc trở.

'Bom tấn' IPO của Tập đoàn Cao su Việt Nam liệu có tạo hấp lực?

"Miếng bánh" quá lớn

Theo thông tin công bố, VRG đang nắm trong tay khối sản lớn với quỹ đất lên đến 475.000 ha, có đến 123 đơn vị thành viên, trong đó có 75 doanh nghiệp cấp II và 48 doanh nghiệp cấp III tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Trong đó, đáng chú ý là rất nhiều đơn vị thành viên có quy mô rất lớn nhưng chưa tiến hành cổ phần hóa như Cao su Đồng Nai, Cao su Dầu Tiếng hay Phú Riềng,… chưa tiến hành cổ phần hóa. Điều này chắc chắn là rất khó để VRG thu thập đủ số liệu tin cậy, định giá doanh nghiệp... Trong khi đó, báo cáo tài chính của VRG hiện cũng được đánh giá chưa tương xứng với vị thế của VRG.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2017, tổng tài sản hợp nhất của VRG là 72.086 tỷ đồng; trong đó có 22,7% là tài sản ngắn hạn gồm tiền và tương đương tiền 5.791,6 tỷ đồng, khoản phải thu 3.714,7 tỷ đồng, hàng tồn kho 3.593,9 tỷ đồng. 77,3% là tài sản dài hạn gồm 20.050 tỷ đồng tài sản cố định, 28.358 tỷ đồng chi phí đầu tư dở dang… Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu của VRG đạt 8.115 tỷ đồng, tăng 46%, lợi nhuận sau thuế đạt 1.526,7 tỷ đồng, tăng 178% so với cùng kỳ năm 2016.

Về cơ cấu nguồn vốn, VRG có 26.279 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó có 4.897 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện, chủ yếu là từ cho thuê hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư. Dư nợ vay các loại là 14.143 tỷ đồng, tương đương 19,6% tổng nguồn vốn, với 77,8% là nợ vay dài hạn.

Theo phương án cổ phần hóa, vốn điều lệ của VRG được xác định là 40 nghìn tỷ đồng, ứng với 4 tỷ cổ phần theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Hậu cổ phần hóa, Nhà nước vẫn sở hữu 75% vốn điều lệ. VRG sẽ bán đấu giá hơn 475 triệu cổ phần ra công chúng, tương đương tỷ lệ 11,88% vốn điều lệ và bán cho nhà đầu tư chiến lược một tỷ lệ tương tự; bán ưu đãi cho người lao động 48,9 triệu cổ phiếu (1,22%), bán cho công đoàn 830 nghìn cổ phiếu (0,02% vốn điều lệ).

VRG cho biết, mục tiêu kế hoạch thời hậu cổ phần hóa của Tập đoàn là tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trung bình 15%/năm với tổng doanh thu đạt trên 40.000 tỷ đồng, lợi nhuận 8.953 tỷ đồng vào năm 2020. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt bình quân 21%. Lợi nhuận trên vốn điều lệ bình quân 19 %/năm.

Khó tìm nhà đầu tư chiến lược?

Cổ phần hóa được cho là có thể giải quyết vấn đề của VRG hiện nay qua việc tổ chức lại bộ máy, thoái vốn ngoài ngành, tăng cường quản trị và minh bạch,… Tuy nhiên, cho đến nay, VRG cho biết vẫn chưa có nhà đầu tư nào ngỏ ý muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược.

Tiêu chí để trở thành cổ đông chiến lược của VRG được đánh giá lá quá "khắt khe". VRG chỉ cho phép các tổ chức, doanh nghiệp trong nước tham gia. Yêu cầu đặt ra về mặt tài chính là con số vốn điều lệ trước năm đăng ký tham gia nhà đầu tư chiến lược tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng. Hoặc, các doanh nghiệp có năng lực tài chính trung bình có vốn điều lệ tối thiểu đạt 1.000 tỷ đồng, có lợi nhuận sau thuế trong 3 năm liên tiếp và không có lỗ lũy kế, có tối thiểu 3 năm hoạt động trong các ngành nghề phù hợp với ngành nghề sản xuất chính của VRG.

Do đó, dù chỉ bán 475 triệu cổ phần, tương ứng 11,88% vốn cho cổ đông chiến lược nhưng đó là một con số không nhỏ với các doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, nếu chỉ lấy mức giá trúng đấu giá bằng với mức giá khởi điểm IPO mà VRG đưa ra thì số tiền mặt mà nhà đầu tư phải chi ra để mua 475 triệu cổ phiếu VRG đã gần 6.200 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc cổ đông nhà nước vẫn nắm phần vốn lớn (75%) cũng là yếu tố kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.

Đặc biệt, việc không bán vốn cho nước ngoài cũng khiến đợt IPO này kém hấp dẫn. Lý giải nguyên nhân vì sao không bán cổ phần của VRG cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, có rất nhiều lý do nhưng cơ bản nhất là vì đất đai, tập đoàn này có hơn 300.000 ha, có những nơi có vị trí rất quan trọng về kinh tế, quốc phòng an ninh, đất đai ở đô thị cũng có những vị trí rất đắc địa. Kế đến, hơn 100.000 ha của Tập đoàn này được Chính phủ Lào và Campuchia cho phép đầu tư. Vì vậy muốn cổ phần hóa đưa thêm nhà đầu tư khác ở nước ngoài cần có sự đồng ý theo thông lệ quốc tế.

Hiện tại, VRG vẫn đang còn khoản đầu tư ngoài ngành tại 17 DN các lĩnh vực như thủy điện, du lịch, bất động sản, xi măng, quỹ đầu tư chứng khoán có giá trị lên đến hơn 1.656 tỷ đồng. Theo yêu cầu của Chính phủ, VRG chỉ được tập trung phát triển các lĩnh vực chính là trồng và khai thác mủ cao su; công nghiệp cao su; chế biến gỗ cao su; phát triển khu công nghiệp trên đất cao su và nông nghiệp công nghệ cao. Do vậy Công ty mẹ - Tập đoàn sẽ thoái toàn bộ vốn góp trực tiếp không thuộc ngành nghề chính; nguồn thu sẽ tái đầu tư góp vốn vào các công ty hoạt động phù hợp với ngành sản xuất kinh doanh chính của VRG.

Tin mới lên