Tài chính

'Bom tấn' Lộc Trời lên sàn ngày 24/7, Mekong Capital sẽ thoái vốn

(VNF) - Công ty Cổ phần Lộc Trời đã xác nhận ngày 24/7 tới là ngày niêm yết cổ phiếu với giá tham chiếu khoảng 50.000-60.000 đồng (2,2-2,64 USD). Lộc Trời được kỳ vọng sẽ trở thành "bom tấn" thực sự trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên sàn chứng khoán Việt Nam.

'Bom tấn' Lộc Trời lên sàn ngày 24/7, Mekong Capital sẽ thoái vốn

Theo nguồn tin từ DealstreetAsia, cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời sẽ được giao dịch trên sàn UPCoM, nơi mà một số doanh nghiệp hàng đầu của như ACV, Vietnam Airlines, Masan Consumer và Habeco (sau đó đã chuyển sang sàn HoSE) chọn niêm yết. 

Đối với cổ phiếu mới đăng ký giao dịch trong ngày giao dịch đầu tiên, trần biên độ dao động giá trên sàn UPCoM được áp dụng ở mức 40% giá tham chiếu. Điều đó có nghĩa là vốn hóa thị trường của Lộc Trời có thể tăng lên 230 triệu USD nếu giá cổ phiếu chạm mức cao nhất.

Lộc Trời cho biết, công ty "đã quyết định chọn mức giá tham chiếu tương đối thận trọng và đó là xu hướng của các công ty niêm yết gần đây nhất".

Mức giá này sẽ cho phép giá trị cổ phiếu được đánh giá cao sau khi niêm yết, công ty giải thích. Đến nay, các công ty khai thác chiến lược này như nhà sản xuất bia Sabeco, hãng hàng không tư nhân Vietjet và nhà phân phối xăng dầu lớn nhất cả nước Petrolimex đã chứng kiến giá cổ phiếu tăng lên 100%.

Trong khi đó, Mekong Capital cho biết đã đạt được thỏa thuận để thóai vốn khỏi Lộc Trời tại mức giá 68.000 đồng/cổ phiếu, với mức giá cổ phiếu này công ty sẽ được định giá 201 triệu USD. Công ty quản lý quỹ cũng cho biết việc bán cổ phần sẽ diễn ra sau khi Lộc Trời được niêm yết trên UPCoM, nhưng không tiết lộ các chi tiết khác.

Sau khi cổ phiếu được niêm yết, Lộc Trời sẽ trở thành công ty nông nghiệp lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Năm 2016, Lộc Trời đạt doanh thu 7,8 nghìn tỷ đồng (347,8 triệu USD - dựa trên mức tỷ giá bình quân 22.422 đồng/USD năm 2016), trong khi doanh thu của các công ty nông nghiệp lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Pan Group, GTN Foods và Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam nằm trong khoảng 2,5-6,45 nghìn tỷ đồng.

Trừ công ty đã niêm yết Hoàng Anh Gia Lai, Lộc Trời được đánh giá sẽ là công ty lớn nhất về vốn hóa thị trường. Vốn hiện tại của Hoàng Anh Gia Lai là 8,8 nghìn tỷ đồng (387,66 triệu USD).

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (tiền thân là Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang - AGPPS) là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Lĩnh vực kinh doanh truyền thống là thuốc bảo vệ thực vật, tuy nhiên trong những năm gần đây, Lộc Trời đã chuyển hướng sang kinh doanh lúa gạo nhằm hoàn thiện chuỗi khép kín nông nghiệp. Năm nay, công ty dự kiến đạt doanh thu gộp khoảng 8,9 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận ròng đạt 260 tỷ đồng.

Việc chuyển hướng kinh doanh của Lộc Trời từng gặp sự phản ứng gay gắt từ cổ đông công ty, đặc biệt là từ các cổ đông lớn như VinaCapital và DWS Vietnam Fund - những quỹ sở hữu hơn 34% cổ phần của công ty.

Không cùng mục tiêu trong hoạt động kinh doanh, trong năm 2014, VinaCapital đã chuyển nhượng toàn bộ 23,6% cổ phần nắm giữ tại Lộc Trời cho quỹ Standard Chartered Private Equity (SCPE) và thu về khoảng 63 triệu USD. Mức giá chuyển nhượng là 85.000 đồng/cổ phần.

Quỹ Vietnam Azalea Fund thuộc Mekong Capital đã đầu tư vào Lộc Trời từ năm 2008 và sẽ kết thúc việc đầu tư vào năm tới. 

Tính đến 31/3/2017, Lộc Trời có 5 nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 44,04% vốn. UBND tỉnh An Giang sở hữu 16,22 triệu cổ phiếu, ứng 24,15% vốn. Các cổ đông lớn nước ngoài gồm Marina Viet (25,21%), Standard Chartered Private Equity (8,18%) và Vietnam Azalea Fund Limited (6,07%). Việc thoái vốn của quỹ Vietnam Azalea Fund thuộc Mekong Capital sẽ kết thúc vào năm tới. 

Tin mới lên