Tài chính

Bột giấy Phương Nam bán 3-4 lần không ai mua, Gang thép Thái Nguyên không thoái vốn được vì tranh chấp

(VNF) - Đây là thông tin được ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, nêu ra trong buổi họp báo chuyên đề về kết quả cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước sáng 28/3.

Bột giấy Phương Nam bán 3-4 lần không ai mua, Gang thép Thái Nguyên không thoái vốn được vì tranh chấp

Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, Thủ tướng yêu cầu năm 2017 phải cổ phần hoá 44 doanh nghiệp. Trong các năm 2018 - 2020, số doanh nghiệp phải cổ phần hóa lần lượt là 64, 18 và 1 doanh nghiệp.

Tuy vậy, tính đến hết năm 2018, mới chỉ 23 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hoá với tổng giá trị 31.706 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 16.739 tỷ đồng. Cũng trong năm này, có 28 doanh nghiệp thực hiện bán cổ phần lần đầu với giá bán ra 13.950 tỷ đồng, thu về 21.827 tỷ đồng.

“Tiến độ triển khai cổ phần hoá trong năm 2018 còn chậm, chưa đạt được theo kế hoạch. Nhiều đơn vị có số lượng doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hoá lớn nhưng chưa thực hiện theo đúng kế hoạch và chưa có báo cáo cấp thẩm quyền điều chỉnh tiến độ thực hiện”, Bộ Tài chính cho hay.

Cũng theo Bộ Tài chính, tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2017-2020 thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Trong đó, năm 2017 thực hiện thoái vốn tại 135 doanh nghiệp; năm 2018 thực hiện thoái vốn tại 181 doanh nghiệp; năm 2019 thực hiện thoái vốn tại 62 doanh nghiệp; năm 2020 thực hiện thoái vốn tại 28 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo Bộ này, việc triển khai thoái vốn nhà nước còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra. Một số bộ, ngành, địa phương có nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn vẫn đang triển khai thực hiện nhưng kết quả đạt được thấp hoặc chưa có kết quả.

Tại buổi họp báo, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng điểm tên một số doanh nghiệp chậm cổ phần hoá như TKV, VNPT, Agribank, Mobifone…

“Việc chậm cổ phần hoá vì doanh nghiệp còn vướng mắc, có vụ việc phải xử lý vi phạm như Mobifone, giờ phải giải quyết xong vụ Mobifone mua cổ phần AVG mới cổ phần hoá được. Chúng ta không thể cổ phần hoá khi vụ việc chưa được xử lý rốt ráo”.

Ông Tiến cũng cho biết bên cạnh những nguyên nhân khách quan cũng có nguyên nhân chủ quan. Ông dẫn chứng trường hợp của Agribank, hệ thống ngân hàng lớn nên khởi động 1,5 năm mà phương án sử dụng đai đất chưa hoàn thành nên chưa cổ phần hoá được.

“Vì cổ phần hoá thì treo lại mảnh đất chưa xác định được là dùng vào mục đích gì? Ở đây, phương án phê duyệt sắp xếp, sử dụng đất đai thì theo quy định, địa phương làm phê duyệt kế hoạch mục đích sử dụng đất. Nếu địa phương không quyết liệt làm, đủng đỉnh thì các doanh nghiệp chậm là đúng”, ông Đặng Quyết Tiến nói.

Đối với trường hợp Tổng công ty Giấy gặp khó khăn khi thoái vốn Nhà máy bột giấy Phương Nam, ông Tiến lý giải nguyên nhân: “Đấu giá 3-4 lần không ai mua. Chúng tôi cho rằng phải tính theo giá thị trường, còn cứ bảo nhà máy hoạt động rồi mà muốn bán hơn 1.000 tỷ đồng thu hồi rất khó, trong khi thực tế nhà máy đã hoạt động đâu”.

Về Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, ông Tiến cho hay Tổng công ty Thép Việt Nam hiện muốn thoái vốn giai đoạn 2 của dự án nhưng không giải quyết được tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu.

Theo đánh giá của ông Tiến, thanh tra xác định sai phạm rồi nhưng quan trọng nhất là xử lý tranh chấp với nhà thầu nước ngoài. "Không thể xử lý một sớm một chiều được. Có doanh nghiệp mặn mà nhưng nhà đầu tư không mua, có doanh nghiệp có dư địa bán thì lại vướng”, ông Tiến nói.

Về giải pháp thực hiện, ông Tiến khẳng định: “Quan trọng nhất đối với dự án thoái vốn phải đảm bảo nguyên tắc đúng pháp luật, công khai minh bạch, theo thị trường”.

“Lỗ rồi thì không thể cứ bán cao. Giá trị 10 đồng thì định giá 10 đồng, chứ không phải đầu tư 20 đồng thu 20 đồng. Còn thua lỗ, sai ở đâu chỉ ra ở đó, người làm sai chịu trách nhiệm”, ông Tiến nói thêm.

Tin mới lên