Bất động sản

BOT Hòa Lạc – Hòa Bình: Nhà đầu tư ‘khóc ròng’ vì không được thu phí

(VNF) - Chia sẻ với VietnamFinance, ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 - Hòa Lạc – Hòa Bình cho biết: “Nhà đầu tư bỏ tới 2.700 tỷ đồng để xây dựng tuyến đường mới BOT Hòa Lạc – Hòa Bình, nhưng chỉ vì nợ 8 tỷ đồng tiền đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), nên sau 5 tháng hoàn thành dự án vẫn không được thu phí. Thất thoát đến nay ước tính hàng chục tỷ đồng, còn nhà đầu tư vẫn è cổ trả lãi ngân hàng”.

BOT Hòa Lạc – Hòa Bình: Nhà đầu tư ‘khóc ròng’ vì không được thu phí

BOT Hoà Lạc - Hoà Bình đã thông xe 5 tháng nhưng chưa được thu phí vì nợ 7,8 tỷ đồng tiền GPMB

Thất thoát thu phí, nhà đầu tư xin “đóng cửa” dự án

Trở lại với dự án BOT Hòa Lạc - Hòa Bình có chiều dài khoảng 56km, nhưng bao gồm hai hợp phần: Tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình được xây dựng mới dài 25,7km và hợp phần cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình dài 30,36km.

Để hoàn vốn cho nhà đầu tư (NĐT), theo phương án tài chính, dự án sẽ đặt hai trạm thu phí trên mỗi tuyến đường: Tuyến QL6 đặt tại Km 42+730 (đã thu phí từ năm 2015) và tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình đặt tại Km 17+100 (chưa thu phí).

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, trước đây, khi tuyến đường mới Hòa Lạc - Hòa Bình chưa xong thì NĐT đã được cho thu phí tại trạm thu phí QL6 đặt tại Km 42+730. Theo ước tính, mỗi tháng trạm này có doanh thu khoảng 6 tỷ đồng (theo báo cáo của Tổng Cục đường bộ VN).

Tuy nhiên, từ 10/10/2018, khi tuyến xây dựng mới Hòa Lạc - Hòa Bình được thông xe và đưa vào sử dụng thì đa phần các xe đã không đi tuyến cũ nữa và chạy trên tuyến mới (nên nhớ đây là tuyến chưa được thu phí). Còn tuyến cũ thì lượng xe giảm hẳn vì thế gây thất thu lớn cho NĐT. Vì vậy mới có câu chuyện nhà đầu tư đòi “đóng cửa” dự án.

Trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ngày 15/3/2019 về việc tạm dừng phục vụ đối với các phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình, doanh nghiệp dự án (DNDA) là Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 - Hòa Lạc-Hòa Bình cho biết: Theo hợp đồng BOT đã ký tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình sẽ được đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 31/10/2018 và bắt đầu thu phí từ ngày 1/11/2018.

Tuy nhiên, do chưa thu phí nên sau lễ thông xe các phương tiện chủ yếu tham gia lưu thông trên tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình khiến doanh thu dự án sụt giảm nghiêm trọng. Tính tới tháng 2/2019 doanh thu thu phí thực tế trên tuyến QL6 bị giảm 28,9 tỷ đồng so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT đã ký.

Vì vậy Ngân hàng cho vay vốn đã tạm dừng giải ngân cho vay từ đầu tháng 2/2018 dẫn đến doanh nghiệp dự án không có đủ nguồn kinh phí để thực hiện công tác quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng tuyến đường.

Để đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến đường Hòa Lạc- Hòa Bình trong thời gian Bộ GTVT cho phép tuyến đường được thu phí chính thức, NĐT, DNDA sẽ tạm dừng phục vụ đối với các phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình từ 0h ngày 15/4/2019.

Cần có cơ chế linh động?

Trao đổi với VietnamFinance, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết: Dự án BOT Hoà Lạc – Hoà Bình đã được Bộ GTVT chấp thuận nghiệm thu và đưa vào khai thác sử dụng. NĐT, DNDA có trách nhiệm thực hiện công tác bảo trì và không được tự ý dừng phục vụ phương triện lưu thông trên tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình.

Còn phía Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) – đơn vị quản lý dự án cho hay, hiện Bộ GTVT chưa cho phép thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ tại trạm thu phí đặt trên tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình vì NĐT dự án chưa hoàn thành cam kết theo yêu cầu của dự án.

Cụ thể, trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của dự án, UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt bổ sung 7,849 tỷ đồng đền bù cho bốn hộ dân tại xóm Miều, xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình.

Thời gian qua, UBND tỉnh Hòa Bình đã nhiều lần đề nghị nhà đầu tư chuyển kinh phí cho địa phương để chi trả cho người dân. Tại cuộc họp về công tác chuẩn bị thu phí dự án ngày 14/2/2019 giữa Bộ GTVT, UBND tỉnh Hòa Bình và NĐT đã thống nhất, NĐT sẽ chuyển kinh phí đền bù cho các hộ dân mới được tiến hành thu phí. Tuy nhiên, đến nay, NĐT dự án vẫn chưa hoàn thành yêu cầu đề ra.

Về phía NĐT, ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 - Hòa Lạc – Hòa Bình xác nhận việc chưa chuyển được kinh phí GPMB bổ sung cho bốn hộ dân và cho biết nguyên nhân là do Ngân hàng SHB (đơn vị cho vay vốn tín dụng) chưa chấp thuận giải ngân vì hết thời hạn rút vốn và chậm thu phí theo hợp đồng.

Hiện nay DNDA đang hết sức khó khăn bởi doanh thu hàng tháng của dự án đã bị sụt giảm tới gần 70%. Theo hợp đồng BOT đã ký thì thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án là 27 năm 6 tháng 9 ngày. Tuy nhiên chỉ tính đến hết tháng 3/2019 mà tuyến Hòa Lạc – Hòa Bình vẫn chưa được thu phí thì thời gian hoàn vốn của dự án dự kiến sẽ phải tăng lên 29 năm 11 ngày.

Để tháo gỡ cho NĐT, DNDA, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình ngày 22/3/2019, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu nhà đầu tư phải có cam kết cụ thể về thời hạn chuyển kinh phí GPMB và đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình tiếp tục ủng hộ, xem xét có ý kiến thống nhất để sớm triển khai thu phí dự án.

Được biết, ngày 4/4 vừa qua, DNDA đã có văn bản xin sớm được thu phí hoàn vốn và cam kết với tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình sẽ thực hiện việc chuyển kinh phí hỗ trợ GPMB của bốn hộ gia đình sau 30 ngày kể từ khi tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình được Bộ GTVT cho phép thu phí hoàn vốn.

Tin mới lên