Tài chính

BSR: Lợi nhuận trước thuế quý III/2019 đạt 624 tỷ đồng, bằng một nửa cùng kỳ năm ngoái

(VNF) - Kết thúc quý III/2019, lợi nhuận trước thuế của BSR đạt 624 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Ban lãnh đạo BSR cho biết sở dĩ lợi nhuận sụt giảm là do giá dầu thô quý III/2019 thấp hơn nhiều quý III/2018.

BSR: Lợi nhuận trước thuế quý III/2019 đạt 624 tỷ đồng, bằng một nửa cùng kỳ năm ngoái

BSR: Lợi nhuận trước thuế quý III/2019 đạt 624 tỷ đồng, bằng một nửa cùng kỳ năm ngoái

Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019. BSR hiện là đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Theo báo cáo, quý vừa qua, BSR ghi nhận 23.012 tỷ đồng doanh thu, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đi sâu hơn vào cơ cấu doanh thu, doanh thu từ bán dầu DO 0,05% S là lớn nhất, kế đó là mặt hàng xăng Mogas 95 và Mogas 92.

Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp chỉ còn 741 tỷ đồng, giảm tới 57%.

Trong kỳ, BSR cũng ghi nhận 164 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng 20%. Song song với đó là 44,7 tỷ đồng chi phí tài chính, giảm mạnh 88%. Bên cạnh đó là 171 tỷ đồng chi phí bán hàng (giảm nhẹ 4%) và 89,9 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp (tăng 71%).

Kết thúc quý III/2019, lợi nhuận trước thuế của BSR đạt 624 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo giải trình từ phía ban lãnh đạo BSR, những tháng quý III/2019, giá dầu thô (Dated Brent) biến động liên tục với xu hướng giảm từ 64,04 USD/thùng bình quân tháng 7/2019 xuống còn 59 USD/thùng bình quân tháng 8/2019 rồi tăng nhẹ lên 62,77 USD/thùng bình quân tháng 9/2019.

Tựu chung, giá dầu thô thấp hơn nhiều quý III/2018 (tháng 7/2018, giá dầu thô bình quân 74,35 USD/thùng, tăng lên 78,85 USD/thùng vào tháng 9/2018).

Điều này, theo BSR, đã gây nhiều khó khăn cho công ty, khiến lợi nhuận sụt giảm mạnh.

Lũy kế 9 tháng, BSR đạt lợi nhuận trước thuế 1.325 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 30/9/2019, tổng tài sản của BSR ở mức 52.053 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,2% so với hồi đầu năm. Phần lớn tài sản tập trung ở tài sản cố định với 25.407 tỷ đồng, tiền và các khoản tương đương tiền với 8.407 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn với 7.037 tỷ đồng...

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của BSR đến hết ngày 30/9/2019 đạt 32.560 tỷ đồng, tăng 3,8% so với đầu năm. Nợ phải trả ở mức 19.492 tỷ đồng, giảm 11%.

Trong một diễn biến mới đây, tại buổi làm việc với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mới đây, ông Bùi Minh Tiến, Tổng giám đốc BSR cho biết Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đang triển khai kế hoạch thoái vốn, bán 49% vốn tại BSR.

Hiện, PVN đang sở hữu 92,12% vốn BSR.

Trước đó, ngày 17/1/2018, BSR đã bán 242 triệu cổ phiếu qua IPO. Có 623 nhà đầu tư mua thành công trong tổng số 4.079 đăng ký đấu giá, trong đó có 62 nhà đầu tư là tổ chức và 561 nhà đầu tư cá nhân. Ngày 21/6/2018, BSR đã tổ chức thành công đại hội cổ đông lần đầu. Từ ngày 1/7/2018, BSR chuyển thành Công ty cổ phần.

Liên quan đến dự án Nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất, ông Nghiêm Đức Dương - Phó Tổng Giám đốc BSR kiêm Trưởng Ban Quản lý dự án Nghiên cứu mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất cho biết: Tổng mức đầu tư dự án là 1,8 tỷ USD.

Cơ cấu vốn đầu tư là 30% vốn chủ sở hữu và 70% vốn vay. Theo đó, vốn chủ sở hữu 30% rơi vào khoảng 544 triệu USD, tổng số tiền vay 70% nằm trong khoảng 1,269 tỷ USD. BSR đã đề ra 3 kịch bản vốn là thu xếp từ các khoản vay nước ngoài, trong nước đảm bảo bằng bảo lãnh vay vốn của PVN và khoản vay phụ (sub-loan) trực tiếp từ cổ đông/PVN.

Tin mới lên