Bất động sản

Bức tranh công nghiệp timeshare toàn cầu: 180 nước, 7.400 resort, doanh thu 14 tỷ USD/năm

(VNF) – “Báo cáo mô hình timeshare: thực trạng và giải pháp” do nhóm SMARTS thực hiện, đưa ra tại hội thảo kinh tế chia sẻ do CIEM tổ chức chiều nay (15/10), đã khái quát bức tranh của ngành công nghiệp timeshare toàn cầu.

Bức tranh công nghiệp timeshare toàn cầu: 180 nước, 7.400 resort, doanh thu 14 tỷ USD/năm

Ảnh minh họa

Theo báo cáo, mô hình timeshare, hay sở hữu kì nghỉ (vacation ownership) có một lịch sử khá lâu đời và tiến hóa theo thời gian.

Từ những năm 60, ở Anh đã xuất hiện các mô hình mua chung nhà nghỉ dưỡng: 4 gia đình sẽ chung tiền mua một căn nhà nghỉ dưỡng ở một điểm du lịch; mỗi gia đình sẽ được toàn quyền sử dụng một mùa trong năm; thứ tự sẽ được thay đổi sau mỗi năm để đảm bảo các gia đình đều được trải nghiệm các mùa khác nhau một cách công bằng.

Thời điểm này, chỉ có một số ít công ty cung cấp dịch vụ timeshare, trong đó phải kể đến công ty của Pháp là Societe dé Grands Travaux de Marseille chào bán khu resort trượt tuyết SuperDevoluy trên dãy Apl thuộc Pháp. Công ty này được ghi danh với khẩu hiệu nổi tiếng, được coi là slogan đầu tiên về timeshare: “Không cần thuê phòng, mua khách sạn sẽ rẻ hơn”.

Cùng thời gian đó, một công ty khác của Thụy Sĩ là Hapimag cũng đang cung cấp các gói timeshare của mình. Ông chủ của Hapimag đã bỏ tiền ra mua bất động sản du lịch ở Italy, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, nhờ đó trở thành nhà cung cấp timeshare đầu tiên cho phép khách hàng lựa chọn đa dạng các địa điểm du lịch theo sở thích.

Đây được coi là hai công ty cung cấp dịch vụ timeshare nguyên bản. Dịch vụ này khá tương đồng condotel, đều dựa trên nền tảng là sở hữu bất động sản thật và được chia nhỏ cho nhiều chủ sở hữu sử dụng định kì.

Điểm khác biệt của timeshare và condotel nằm ở chỗ mỗi căn hộ timeshare được nhiều chủ sở hữu chung tiền mua và sử dụng liên tục, trong khi đó condotel được mua bởi một chủ sở hữu và sử dụng trong một thời gian ngắn trong năm, số thời gian rỗi được chủ đầu tư dự án thuê lại kinh doanh.

Sự hấp dẫn của timeshare nằm ở chỗ nó biến kì nghỉ, vốn là một chi tiêu dịch vụ, thành một loại tài sản có thể đem trao đổi ở thị trường thứ cấp bằng cách mua trước kì nghỉ đó trong tương lai.

Timeshare xuất hiện ở Mỹ từ năm 1965 với resort đầu tiên là Hilton Hale Kaanapali trên đảo Maui, Hawaii. Sau đó, timeshare đã phát triển nhanh chóng và trở thành nhân tố quan trọng trong phát triển du lịch cũng như kinh tế Mỹ.

Tính đến cuối năm 2017, timeshare đã trở thành một ngành công nghiệp khổng lồ tại Mỹ với quy mô 9,6 tỷ USD. Theo thống kê của ARDA (hiệp hội phát triển resort Mỹ) có tới 1.570 resort trên toàn nước Mỹ với 205.100 đơn vị phòng, trung bình 131 đơn vị phòng/resort, được sử dụng trong ngành công nghiệp timeshare, hiệu suất sử dụng lên tới 81%.

Timeshare đã đóng góp trực tiếp và gián tiếp vào nền kinh tế Mỹ 79,5 tỷ USD và tạo ra 511.782 công ăn việc làm (cả bán thời gian và toàn thời gian).

Có 9,2 triệu hộ gia đình Mỹ sở hữu ít nhất 1 sản phẩm timeshare với mức chi tiêu trung bình cho mỗi sản phẩm là 22.180 USD. Khách hàng mới đóng góp 41% tổng doanh số bán các gói timeshare trong năm 2017.

Hiện nay châu Mỹ là thị trường timeshare lớn nhất thế giới; tiếp đến là châu Âu (25%) và châu Á – Thái Bình Dương 15%).

Tổng doanh thu của thị trường timeshare toàn cầu đạt khoảng 14 tỷ USD/năm (giai đoạn 2010 – 2015) và có khoảng 20 triệu hộ gia đình trên toàn thế giới sở hữu ít nhất một sản phẩm timeshare. Tổng cộng có 7.400 resort trải rộng trên 180 quốc gia cung cấp dịch vụ timeshare.

Ngành công nghiệp timeshare tạo ra hơn 1 triệu công việc mỗi năm. Các hoạt động vận hành đóng góp trực tiếp một nửa số lượng công việc kể trên. Về tổng thể, các tác động kinh tế của ngành công nghiệp timeshare, cả trực tiếp và gián tiếp, được ước lượng khoảng 114 tỷ USD.

Tại Việt Nam, timeshare vẫn còn là một loại hình tương đối mới, thông tin thiếu tốn và hành lang pháp lý mập mờ, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng. Chính vì vậy, dù đã có nhiều công ty tham gia thị trường, timeshare vẫn chưa thực sự bùng nổ tại Việt Nam.

Theo nhóm nghiên cứu SMARTS, có hai vấn đề khiến timeshare tại Việt Nam chưa phát triển mạnh. Một là các dự án “gắn mác” timeshare nhưng thực chất là bán hẳn căn hộ cho khách hàng, sau đó chủ sở hữu nếu không có nhu cầu sử dụng thường xuyên sẽ giao cho chủ đầu tư kinh doanh. Như vậy, đây thực chất là hình thức bán căn hộ condotel.

“Mô hình timeshare hiện đại không bao gồm việc sở hữu tài sản thực, vốn kéo theo nhiều liên đới pháp lý liên quan tới Luật Đất đai, thuế, thừa kế và vô vàn rắc rối pháp luật khác. Khách hàng mua các sản phẩm timeshare là mua kì nghỉ chứ không phải mua căn hộ nghỉ dưỡng. Timeshare cũng khó có thể coi là một loại hình đầu tư, kinh doanh như condotel. Nếu có, nó chỉ là đầu tư cho nhu cầu giải trí, tiêu dùng cá nhân đơn thuần. Thị trường thứ cấp chỉ tồn tại như một giải pháp để khách hàng thoát khỏi thị trường (thông thường thoát trong thế lỗ) chứ không thể coi là một kênh sinh lời.

“Lợi nhuận của timeshare đến từ việc tiết kiệm chi phí cho các kì nghỉ tương lai của khách hàng. Khác với condotel, timshare không tạo ra thu nhập thụ động, ít nhất là ở dạng hiện kim”, báo cáo của nhóm SMARTS nhấn mạnh.

Một vấn đề khác là hiện nay, một số doanh nghiệp tại Việt Nam đã dùng chiêu trò để bán dịch vụ timeshare “ảo” khi các dự án nghỉ dưỡng vẫn chưa hình thành, khiến nhiều khách hàng mất niềm tin và hiểu không đúng về timeshare.

Ngoài ra, sự cố định về thời gian của timeshare cũng khiến khách hàng khó có thể khai thác hết giá trị của kì nghỉ. Mặt khác, số lượng các resort 4 -5 sao tại Việt Nam hiện chưa nhiều nên sức hút đối với khách hàng là rất yếu.

Tin mới lên