Tài chính

Bức tranh sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi: Đội vốn nghìn tỷ, vạn tỷ, chục vạn tỷ

(VNF) – Nhiều dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi điều chỉnh quy mô, giá trị điều chỉnh lớn so với phê duyệt lần đầu.

Bức tranh sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi: Đội vốn nghìn tỷ, vạn tỷ, chục vạn tỷ

Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư 29.937,6 tỷ đồng

Theo Kiểm toán Nhà nước, một số dự án sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi có mức đội vốn “khủng khiếp”. Chẳng hạn như dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh điều chỉnh 3 lần, tăng 6.812 tỷ đồng (tương đương 275,61%) so với tổng mức đầu tư  ban đầu: lần 1 tăng 753 tỷ đồng (tương đương 43,8%), lần 2 tăng 1.319 tỷ đồng (tương đương 53,38%) so với lần 1, lần 3 tăng 5.493 tỷ đồng (tương đương 144,9%) so với lần 2.

Dự án thành phần 1, 2, 3 thuộc sự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng Mê Kông điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng 3.000 tỷ đồng.

Dự án Thủy điện Huội Quảng điều chỉnh 2 lần, tăng tổng mức đầu tư 5.768 tỷ đồng (tương đương 58,9%).

Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư 29.937,6 tỷ đồng (tương đương 172,2%).

Đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải có 27/42 dự án điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư tới… 122.352 tỷ đồng và 97,27 triệu USD.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước đánh giá: không như lời của các nhà tài trợ, rằng các dự án sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi đạt hiệu quả sau khi hoàn thành dự án, việc kiểm toán các dự án đã cho thấy một kết quả không như mong đợi.

Thực tế là: dự án sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi có hiệu quả sử dụng chưa tương xứng, chất lượng công trình chưa cao, công nghệ chưa thực sự tiên tiến, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư; các định mức, đơn giá vật tư đặc thù quá cao, tổng mức đầu tư thay đổi nhiều lần, giải ngân chậm…

Giải ngân chậm, sai cơ cấu vốn

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, trong việc sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi, có tình trạng phê duyệt, sử dụng vốn vay chi thường xuyên; chưa giải ngân hết kế hoạch vốn, giải ngân chậm, sai cơ cấu vốn, tỷ lệ thấp trong khi Hiệp định đã hết hiệu lực; rút vốn vay khi chưa có nhu cầu hoặc vượt nhu cầu.

Cụ thể, về phê duyệt, sử dụng vốn vay chi thường xuyên, có 4 Bộ được “chỉ tên” gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư 5 dự án 3.144 tỷ đồng; Bộ Tài nguyên và Môi trường 3 dự án 1.276 tỷ đồng; Bộ Xây dựng 5 dự án 719 tỷ đồng; Chuyên đề ODA giai đoạn 2015-2017 tại Bộ Y tế, dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện 223,1 tỷ đồng, dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2 là 1,75 tỷ đồng, dự án hỗ trợ y tế vùng Duyên hải Nam Trung Bộ 0,9 tỷ đồng; dự án Vramp: 06 gói thầu tư vấn đã nghiệm thu thanh toán 30 tỷ đồng.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra tình trạng chưa giải ngân hết kế hoạch vốn có các dự án.

Cụ thể, dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng Mê Kông năm 2017 giải ngân 2.454/3.500 tỷ đồng, chiếm 70,11%; dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên, năm 2018 kế hoạch vốn nước ngoài giải ngân 0% (0/1.052 tỷ đồng), vốn đối ứng giải ngân 5,82% (20,37/350 tỷ đồng);

Dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế, kế hoạch vốn các năm không sử dụng hết phải hủy bỏ 6.369/8.297 tỷ đồng, tương ứng 76,8%, trong đó vốn nước ngoài hủy bỏ 6.198/7.931 tỷ đồng, tương ứng 78,1%. Chuyên đề ODA giai đoạn 2015-2017 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, tỷ lệ giải ngân vốn vay đạt 23,9% kế hoạch vốn được giao.

Tình trạng giải ngân chậm xảy ra ở dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên - giai đoạn 2: năm 2015, giải ngân vốn ODA đạt 4,41%, năm 2016 đạt 60,3%, vốn đối ứng đạt 56,2%; đến ngày 31/12/2017 giải ngân đạt khoảng 30% kế hoạch vốn.

Tình trạng giải ngân sai cơ cấu vốn xảy ra ở dự án đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Cụ thể, dự án sử dụng nguồn vốn vay khoảng 2,4 tỷ KRW, tương đương 52,24 tỷ đồng, thanh toán cho hạng mục tiện ích cải dịch và bảo vệ các công trình tiện ích, thực chất là di chuyển công trình công cộng thuộc tiểu dự án giải phóng mặt bằng sử dụng nguồn vốn đối ứng.

Hoặc tại dự án quản lý và giảm nhẹ rủi ro hạn hán và lũ lụt tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, trích lập và thanh toán chi phí quản lý dự án đến ngày 31/12/2017 là 11,6 tỷ đồng, vượt cơ cấu nguồn vốn ngân sách trung ương quy định trong tổng mức đầu tư (9,2 tỷ đồng).

Tình trạng tỷ lệ giải ngân thấp trong khi Hiệp định đã hết hiệu lực diễn ra ở dự án cải thiện môi trường nước TP. Hồ Chí Minh, lưu vực Kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2. Cụ thể, 2 hiệp định hết hiệu lực chỉ đạt tỷ lệ giải ngân 43,8% (6,4 tỷ JPY/14,7 tỷ JPY) làm phát sinh phí cam kết 40,9 triệu JPY (tương đương 7,9 tỷ đồng) phải sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương chi trả.

Tình trạng rút vốn vay khi chưa có nhu cầu hoặc vượt nhu cầu xảy ra tại dự án Vramp. Theo đó, lần rút vốn thứ nhất vào tháng 7/2014 trong khi tháng 10/2014 mới có nhu cầu giải ngân; lần thứ 24 và 25 rút tiền về tài khoản tạm ứng nhiều hơn nhu cầu sử dụng vốn trong kỳ 11,03 triệu USD, làm phát sinh lãi vay 78.068 USD.

Kiểm soát tỷ giá chưa tốt làm tăng số nhận nợ

Theo Kiểm toán Nhà nước, tại nhiều dự án đã xảy ra tình trạng đàm phán nhiều điều khoản bất lợi trong hợp đồng.

Chẳng hạn như tại dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, các điều khoản bất lợi gồm: thay đổi tỷ lệ thực hiện bảo lãnh thực hiện hợp đồng từ 10% xuống 5% và trong bảo hành từ 10% xuống 3%; thay đổi tỷ lệ giữ lại khi thanh toán từ 10% xuống 5%; cho phép nhà thầu đưa ra yêu cầu về chi phí khi gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, chấp thuận đơn giá nếu phải gia hạn tiến độ; ấn định khoản chi phí gián tiếp là 29% cho các hạng mục phát sinh; chưa xem xét điều chỉnh các đơn giá dự thầu cao bất thường; chi phí tư vấn chung cao hơn mức trần theo hướng dẫn của JICA.

Việc kiểm soát tỷ giá chưa tốt làm tăng số nhận nợ cũng xảy ra tại một số dự án. Như tại dự án cải thiện môi trường nước TP. Hồ Chí Minh, lưu vực Kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2, trong cùng một ngày tỷ giá mua JPY công bố của VCB thông báo cho JICA thấp hơn tỷ giá mua JPY chuyển khoản trên thị trường tự do của VCB (niêm yết công khai trên website của VCB) làm tăng số tiền nhận nợ 78,7 triệu JPY, tương đương 55,18 tỷ đồng.

Việc này cũng xảy ra tại chuyên đề ODA giai đoạn 2015-2017 tại Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng; dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng Mê Kông; Dự án Vramp.

Một số dự án lựa chọn phương thức thanh toán chưa đảm bảo tính kinh tế. Như tại dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, so với phương thức thanh toán trực tiếp, việc lựa chọn giải ngân vốn ADB theo phương thức tạm ứng giúp chủ động trong giải ngân thanh toán nhưng lại làm tăng chi phí lãi vay khoảng 0,26 triệu USD (tính trên số dư tiền vay nhận về nhưng chưa sử dụng đến 30/9/2018 theo lãi suất của Hiệp định).

Việc thanh toán thuế GTGT sai quy định cũng diễn ra tại dự án cải thiện môi trường nước TP. Hồ Chí Minh, lưu vực Kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2. Theo đó, thanh toán chi phí thiết bị thi công kích ống, nhưng theo các tờ khai nhập khẩu đối với thiết bị phục vụ thi công gói thầu G cho thấy đối với hàng tạm nhập tái xuất dùng cho dự án ODA được miễn thuế VAT.

Tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, số thuế GTGT tăng thêm 12,5 tỷ đồng (số thuế GTGT phải nộp tăng thêm 2,9 tỷ đồng, thuế GTGT giảm khấu trừ 9,6 tỷ đồng), phần doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp tăng tương ứng 125,44 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại các dự án cũng xảy ra tình trạng hạch toán phần trả nợ gốc, phí cam kết, phí quản lý vào chi phí đầu tư (như dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông) hay nộp thuế bằng tiền vốn vay không tuân thủ Hiệp định (dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên, Liên danh NJPT nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 70,5 tỷ đồng chính là khoản tiền chủ đầu tư đã thanh toán cho nhà thầu bằng nguồn vốn vay JICA).

Điều chỉnh dự án không báo cáo Thủ tướng

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra một số trường hợp điều chỉnh dự án có các tiêu chí quan trọng quốc gia khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội.

Ví dụ như dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Bộ Giao thông vận tải lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.770 tỷ đồng lên 18.001,6 tỷ đồng (tăng 9.231,6 tỷ đồng, tương đương 205,27%) khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội về việc điều chỉnh dự án đầu tư.

Trường hợp khác lại điều chỉnh dự án không đúng thẩm quyền, như dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên, UBND TP. HCM điều chỉnh dự án chưa đúng giá trị, chưa tuân thủ trình tự thủ tục và chưa đúng thẩm quyền; Ban quản lý đường sắt đô thị phê duyệt điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và quy mô của dự án quan trọng quốc gia.

Một số dự án khác điều chỉnh dự án chưa đảm bảo quy định. Cụ thể, dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, xác định chi phí dự phòng do yếu tố trượt giá 1.365 tỷ đồng chưa đúng quy định, cập nhật giá trị hợp đồng của 6 gói thầu vượt giá trị được duyệt.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư bao gồm chi phí trả nợ gốc phần vay lại của Hiệp định vay 250 triệu USD; bổ sung chi phí xây lắp tăng thêm 21,07 triệu USD do các nguyên nhân khách quan, thay đổi biện pháp thi công khi chưa có dự toán chi tiết.

Kết quả kiểm toán 9 chương trình, 23 dự án, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 21.725 tỷ đồng (thu hồi nộp ngân sách nhà nước 293 tỷ đồng; giảm thanh toán 1.048 tỷ đồng; xử lý khác 20.383 tỷ đồng).

Tin mới lên