Tài chính

Bức tranh tài chính của hai nhà thầu quen mặt ngành hàng không

(VNF) - Được ưu ái tham gia thực hiện dự án khẩn cấp tại sân bay Nội Bài với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, tuy nhiên hai nhà thầu quen biết của ngành hàng không nói chung cũng như của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nói riêng không chỉ bị Bộ Giao thông Vận tải cảnh cáo vì thiếu trách nhiệm, vi phạm tiến độ hợp đồng.

Bức tranh tài chính của hai nhà thầu quen mặt ngành hàng không

Lộ hàng loạt yếu kém của Công ty ADDC và Công ty Khánh Thiện - hai nhà thầu thân hữu ACV

"Thiếu trách nhiệm, vi phạm tiến độ"

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn đã có văn bản thông báo việc cảnh cáo 2 nhà thầu thực hiện chưa đạt yêu cầu tại dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn sân bay Nội Bài là Công ty TNHH Một thành viên Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC (Công ty ADCC) và Công ty TNHH Thương mại Khánh Thiện (Công ty Khánh Thiện).

Bộ Giao thông Vận tải đã cảnh cáo nhà thầu tư vấn - Công ty ADCC và nhà thầu thi công - Công ty Khánh Thiện vì thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ, chậm xử lý các phát sinh, vi phạm tiến độ hợp đồng sửa sân bay Nội Bài.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu hai nhà thầu phải khắc phục các tồn tại, tập trung nhân lực, nguồn lực triển khai dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ và tuyệt đối an toàn.

Ban quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư) được giao căn cứ theo hợp đồng tổ chức quản lý nhà thầu đảm bảo chặt chẽ và kịp thời xử lý các vi phạm theo đúng quy định hợp đồng...

Dự án cải tạo đường băng sân bay Nội Bài bao gồm cải tạo, nâng cấp đường băng 11L/29R (1A) và đường băng 11R/29L (1B); xây mới 3 đường lăn thoát nhanh và nâng cấp các đường lăn hiện hữu; xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu, hệ thống thoát nước...

Đây là dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.030 tỷ đồng, được triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu trong 6 tháng để khai thác đường băng 1B vào dịp Tết Nguyên đán 2021. Sau đó, sẽ tiếp tục triển khai để hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2022.

Mối quan hệ với ngành hàng không

Theo tìm hiểu, Công ty ADCC và Công ty Khánh Thiện đều là những nhà thầu có tiếng, đã tham gia vào nhiều gói thầu tại các cảng hàng không.

Trước khi được chỉ định tham gia thực hiện dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng như đề cập phía trên (hình thức khẩn cấp) - Công ty ADCC dưới vai trò độc lập hoặc liên danh đã trúng hàng chục gói thầu trong lĩnh vực tư vấn, khảo sát với tổng giá trị ước tính gần 400 tỷ đồng.

Trước đó, ACV đã lựa chọn Công ty ADCC và các đối tác để thực hiện gói thầu số 4.1 "Tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật công trình hạ tầng cảng hàng không, thuộc dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1" có giá trị hơn 15,6 triệu USD, tương đương trên 214 tỷ đồng.

Đó cũng là gói thầu giá trị lớn nhất mà Công ty ADCC từng trúng theo hình thức đấu thầu trực tiếp. Kết quả lựa chọn nhà thầu dựa trên Quyết định số 2631/QĐ-TCTCHKVN ngày 24/8/2021, ký bởi Tổng giám đốc ACV Vũ Thế Phiệt.

Mối quan hệ giữa ACV và Công ty Khánh Thiện cũng có nhiều nét tương đồng. Tại các gói thầu do ACV mời thầu, Công ty Khánh Thiện đã đạt tỷ lệ trúng lên đến 100%. Các gói thầu này đều thuộc lĩnh vực cung cấp và lắp đặt thiết bị, có giá trị từ vài tỷ cho đến vài chục tỷ đồng và được Công ty Khánh Thiện thực hiện trong vai trò độc lập.

Bên cạnh tỷ lệ trúng thầu tuyệt đối, ACV còn đem lại cho Công ty Khánh Thiện một số hợp đồng rất béo bở với tỷ lệ giảm giá vô cùng thấp. Ví dụ như gói thầu số 1 "cung cấp thiết bị nằm trong dự án cải tạo và nâng cấp hệ thống đèn Stopbar - cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng" - thời điểm cuối tháng 11/2017 - có giá trúng 4,98 tỷ đồng, chỉ thấp hơn giá gói thầu 4,3 triệu đồng, tỷ lệ tiết kiệm gần bằng 0%...

Công ty Khánh Thiện tuy là nhà thầu được chỉ định thực hiện gói thầu khẩn cấp nhưng lại có năng lực tài chính rất hạn chế. Cụ thể, doanh thu giai đoạn 2016-2020 của Công ty Khánh Thiện liên tục trồi sụt với sự thăng giáng mạnh, lần lượt đạt 76,8 tỷ, 5,7 tỷ, 145 tỷ, 35,7 tỷ và 14,5 tỷ.

Khấu trừ các chi phí nặng gánh, doanh nghiệp chưa từng có lợi nhuận vượt quá 500 triệu ở khoảng thời gian này. Cá biệt năm 2017 ghi nhận lãi ròng chưa đến 10 triệu đồng.

Công ty Khánh Thiện sử dụng đòn bẩy rất cao. Đến cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu chỉ đạt 19 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả lên đến gần 170 tỷ đồng, tương ứng tỷ số D/E là 8,8 lần.

Được biết, Công ty Khánh Thiện có trụ sở chính tại 181/4 Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM, được thành lập từ năm 1994, do bà Phạm Thị Tố Loan (sinh năm 1984) là người đại diện pháp luật kiêm giám đốc công ty.

Tại thời điểm ngày 4/12/2018, Khánh Thiện có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, với 2 cổ đông sáng lập gồm bà Phạm Thị Tố Loan (50%) và ông Phạm Duy Tân (50%) – người có cùng địa chỉ nhà bà Loan.

Ông Tân (sinh năm 1954) là người sáng lập Công ty Khánh Thiện. Ngoài ra, ông còn sở hữu một hệ sinh thái đa ngành, hoạt động từ lĩnh vực bất động sản, khách sạn, cho tới dược phẩm, dịch vụ hàng không...

Mạng lưới doanh nghiệp dưới sự điều hành của ông Tân, hoặc các cá nhân liên quan như vợ ông là bà Nguyễn Thu Hồng (sinh năm 1957) đã lên đến hàng chục đơn vị, trong đó có thể kể đến các cái tên trong lĩnh vực y tế, bao gồm Công ty TNHH Dịch vụ Kỹ thuật cao Khánh Thiện, Công ty Cổ phần Đầu tư Y tế Thiện Mỹ, Công ty TNHH Y Tế Iparamed, Công ty Cổ phần Dịch vụ và Đầu tư Y tế Health Boutique, Công ty TNHH Dược phẩm Cát Thịnh.

Tin mới lên