Công nghệ

Bức tranh tài chính của FSI có gì đáng chú ý?

(VNF) - Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Phát triển công nghệ FSI được thành lập ngày 6/11/2007 với số vốn điều lệ là 50 tỷ đồng. Doanh nghiệp này có địa chỉ tại tòa nhà Lâm Viên, 107A Nguyễn Phong Sắc, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội.

Bức tranh tài chính của FSI có gì đáng chú ý?

Ông Nguyễn Khoa Bảo, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Phát triển công nghệ FSI.

Người đại diện pháp luật của FSI là ông Nguyễn Khoa Bảo. Ông Bảo đồng thời cũng là chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp này. Tổng giám đốc của FSI là ông Nguyễn Sơn Hùng, phó tổng giám đốc là các ông Cao Hoàng Anh và Vũ Duy Linh.

Theo dữ liệu của VietnamFinance, trong những năm gần đây, FSI có sự tăng trưởng mạnh về doanh thu. Cụ thể, trong giai đoạn 2017 - 2019, doanh thu thuần của doanh nghiệp này tăng trưởng gần gấp đôi, từ mức 224,6 tỷ đồng (2017) lên 325,7 tỷ đồng (năm 2018) và đạt 410,4 tỷ đồng (năm 2019).

Sự tăng trưởng mạnh về doanh thu giúp lợi nhuận gộp của FSI thăng tiến từ mức 35 tỷ đồng năm 2017 lên 58 tỷ đồng vào năm 2018 và đạt 73,8 tỷ đồng vào năm 2019.

Tuy tăng trưởng mạnh về doanh thu nhưng các khoản chi phí (tài chính, quản lý kinh doanh) đã "bào mòn" gần hết khoản lợi nhuận gộp của FSI. Kết quả là mức lãi sau thuế của doanh nghiệp này "trồi sụt" mạnh. Từ năm 2017 - 2018, lãi sau thuế của FSI tăng gấp 7 lần, từ mức 473 triệu đồng lên 3,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2019, số lãi này giảm chỉ còn một nửa và đạt 1,48 tỷ đồng.

Về quy mô tài sản, trong giai đoạn 2017 - 2019, tổng tài sản của FSI cũng có sự gia tăng đáng kể, từ mức 183 tỷ đồng (2017) lên 242 tỷ đồng (2018) và đạt 275 tỷ đồng (2019).

Tài trợ chính cho quy mô tài sản của FSI là nợ phải trả khi số nợ liên tục gia tăng, trong đó chiếm phần lớn là nợ vay. Cụ thể, nợ phải trả của FSI tăng từ mức 132 tỷ đồng vào năm 2017 lên 187,6 tỷ đồng năm 2018 và 222 tỷ đồng năm 2019. Như vậy, nợ phải trả của FSI luôn chiếm từ 73 - 80% tổng tài sản.

Nợ tăng, nhưng vốn chủ sở hữu của FSI không biến động nhiều trong quãng thời gian này khi giao động trong khoảng từ 51 - 54 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong bảng lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền kinh doanh của FSI trong những năm qua âm triền miên. Cụ thể, năm 2017, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của FSI âm 35 tỷ đồng; năm 2018 âm 42 tỷ đồng rồi giảm xuống còn âm 15,4 tỷ đồng vào năm 2019.

Dòng tiền kinh doanh âm thể hiện doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ; trong việc thu tiền bán hàng và cung cấp dịch vụ. Tình trạng này kéo dài sẽ tác động tiêu cực đến tình hình tài chính của doanh nghiệp như vốn ứ đọng, vốn bị chiếm dụng gia tăng, chi phí sử dụng vốn tăng… 

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm có thể dễ chấp nhận với doanh nghiệp mới thành lập, đang trong giai đoạn mở rộng sản xuất - kinh doanh… nhưng với doanh nghiệp đã có hơn chục năm hoạt động, dòng tiền âm nhiều năm có thể là tín hiệu cảnh bảo tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đang có vấn đề. Chẳng hạn bán hàng không thu được tiền, hay bị nghi ngờ là ghi nhận doanh thu ảo.

Để bù đắp dòng tiền, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn, hoặc giảm chi đầu tư, hoặc thanh lý tài sản, hoặc tăng cường đi vay. Với FSI, sự gia tăng của nợ phải trả (trực tiếp là nợ vay) trong các năm qua là hệ quả tất yếu của thực trạng dòng tiền kinh doanh âm này.

Tin mới lên