Tài chính

Bức tranh tài chính quốc gia: bí quyết điều hành và chặng đường phía trước

(VNF) - Năm 2015 có thể coi là một năm "sóng cả" đối với ngành tài chính khi mà nền kinh tế vẫn chưa khởi sắc, trong khi áp lực về ngân sách là vô cùng lớn. Tuy nhiên, kết quả đạt được là khá tích cực, có thể làm hài lòng những người trong cuộc.

Bức tranh tài chính quốc gia: bí quyết điều hành và chặng đường phía trước

Cú về đích của ngân sách

Có thể nói trong vòng một thập kỷ, chưa bao giờ ngân sách khó khăn như năm 2015. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, chủ trương điều hành thu, chi ngân sách chủ động, chặt chẽ, tiết kiệm, đồng thời tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính đã giúp cho ngành tài chính "vượt dốc" thành công.

Trên cơ sở theo dõi, đánh giá những khó khăn, thách thức phát sinh, đặc biệt là việc giá dầu thô thế giới giảm sâu và khó dự báo, ngay từ đầu năm Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công thương đánh giá, dự báo tình hình và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các kịch bản điều hành NSNN ứng với từng mức biến động giá dầu (40-50-60 USD/thùng); trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 21/4/2015 tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2015; trong đó xác định trong điều kiện thuận lợi do mặt bằng giá dầu thấp, cần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, phấn đấu tăng thu nội địa để bù đắp số giảm thu do giá dầu giảm. Thực tế diễn ra trong phạm vi kịch bản đã được dự tính với giá dầu bình quân cả năm đạt khoảng 55-56 USD/thùng.

Mặt khác, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách ngay từ đầu năm. Bộ đã theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình kinh tế và giá dầu thô, thực hiện điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng xăng, dầu nhập khẩu ở mức phù hợp; chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan duy trì thường xuyên công tác rà soát, nắm đối tượng và nguồn thu ngân sách trên địa bàn; kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách.

Tại thời điểm tháng 9/2015, trên cơ sở đánh giá sơ bộ của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tập đoàn, tổng công ty lớn, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội đánh giá thu NSNN năm 2015 vượt khoảng 16,4 nghìn tỷ đồng; ngân sách trung ương (NSTW) hụt khoảng 31,3 nghìn tỷ đồng, trong khi NSĐP tăng khoảng 47,7 nghìn tỷ đồng. Mặc dù vậy, Chính phủ chỉ xin Quốc hội cho sử dụng tối đa khoảng 10 nghìn tỷ đồng tiền bán cổ phần Nhà nước tại doanh nghiệp để bù giảm thu NSTW; số còn lại sẽ phấn đấu để tăng thu thêm trong điều hành.

Để thực hiện được nhiệm vụ nặng nề này, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế tại các doanh nghiệp, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng chống chuyển giá, chống gian lận thương mại và buôn lậu qua biên giới, điều tra, khởi tố đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về thuế… Nhờ vậy, kết quả thu NSNN đã đạt khá hơn dự báo.

Đến ngày 28/12/2015, thu cân đối NSNN đạt xấp xỉ 957 nghìn tỷ đồng, đạt 105% dự toán, bằng 103,1% số ước thu cả năm đã báo cáo Quốc hội; trong đó: thu nội địa đạt 110,9% dự toán, bằng 103,1% số báo cáo Quốc hội; thu dầu thô đạt 73,1% dự toán, bằng 111,4% số báo cáo Quốc hội; thu cân đối từ hoạt động XNK đạt 98,2% dự toán và số báo cáo Quốc hội. Tính chung cả năm 2015, bội chi NSNN được điều hành trong phạm vi Quốc hội quyết định là 226 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,0%GDP, trên cơ sở giải ngân vốn vay ODA tạm xác định bằng dự toán; đối với số vốn vay ODA giải ngân vượt dự toán, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội cho phép điều chỉnh theo số thực tế khi quyết toán NSNN năm 2015. Cân đối NSTW và ngân sách chính quyền địa phương các cấp được đảm bảo.Đây là lúc mà các lãnh đạo ngành tài chính đã có thể thở phào với những thành tích rất ấn tượng này.

Tăng tốc cổ phần hóa, tái cơ cấu

Một nội dung công tác quan trọng của ngành tài chính trong năm 2015 chính là việc tích cực tham gia thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Đối với tái cơ cấu đầu tư công, Bộ Tài chính đã tham gia, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư công; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn đầu tư từ NSNN, vốn TPCP, vốn ODA, vốn tín dụng đầu tư nhà nước có hiệu quả, các dự án đầu tư phải theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kiểm sát chi chặt chẽ thông qua hệ thống Kho bạc Nhà nước, đảm bảo đúng quy định, tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư, thúc đẩy giải ngân vốn.

Đối thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính đã tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện khung khổ pháp lý về thị trường chứng khoán; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2015/NĐ-CP, trong đó có nội dung mới về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài và gắn kết việc cổ phần hóa với việc đăng ký giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán. Bên cạnh việc tăng số lượng công ty niêm yết, tăng nhà đầu tư tổ chức, Bộ Tài chính tập trung vào tái cơ cấu công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo hướng giảm số lượng, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Mặc dù giá trị giao dịch bình quân giảm so năm 2014 (do tác động của việc tăng tỷ giá); tuy nhiên, số lượng công ty niêm yết tăng, chỉ số chứng khoán tăng (khoảng 3,9%); vì vậy, quy mô thị trường tăng khoảng 20% so với năm 2014 và đạt tỷ lệ 34%GDP.

Đặc biệt, trong công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính đóng một vai trò rất quan trọng. Theo đó, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 6/10/2015 về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 41/2015/QĐ-TTg về việc bán cổ phần theo lô, để thu hút các nhà đầu tư, góp phần đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu DNNN.

Đồng thời, đã tích cực phối hợp, đôn đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khẩn trương triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong 11 tháng năm 2015, cả nước đã cổ phần hóa được 173 doanh nghiệp (lũy kế giai đoạn 2011-2015 đã cổ phần hóa được 422 doanh nghiệp, đạt 78% kế hoạch); đã thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán; ngân hàng, tài chính; bảo hiểm; bất động sản và quỹ đầu tư) là 4.975 tỷ đồng; số vốn cần tiếp tục thoái lớn, lên tới trên 15,6 nghìn tỷ đồng.Tuy tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chậm, số vốn nhà nước được cổ phần hóa còn thấp, tỷ lệ vốn nhà nước còn nắm giữ ở các doanh nghiệp đã cổ phần hóa còn cao, song có thể thấy năm 2015 là một năm mà công tác này đã được tăng tốc một cách đáng kể, tạo tiền đề cho giai đoạn sắp tới.

Tin mới lên