Bất động sản

Bức tranh tài chính Tập đoàn GFS: Lợi nhuận lao dốc, dòng tiền âm nặng

(VNF) – Là chủ đầu tư của nhiều dự án nhà ở có quy mô lớn tại Hà Nội, song hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế - Đầu tư sản xuất (thường được gọi là Tập đoàn GFS) lại suy giảm liên tục và bộc lộ những điểm xấu trong giai đoạn 2017 – 2019.

Bức tranh tài chính Tập đoàn GFS: Lợi nhuận lao dốc, dòng tiền âm nặng

Bức tranh tài chính Tập đoàn GFS: Lợi nhuận lao dốc, dòng tiền âm nặng

Sơ phác hình hài Tập đoàn GFS

Tập đoàn GFS có tiền thân là Trung tâm Quan hệ quốc tế - Đầu tư, thành viên của Tổng công ty Công trình giao thông 8 (CIENCO 8) thuộc Bộ Giao thông Vận tải, được lập ra năm 1997. Lĩnh vực hoạt động của Trung tâm khi đó là lắp ráp và sản xuất xe máy.

Sau khi được cổ phần hóa vào năm 2005, GFS đã chuyển đổi hoạt động theo mô hình đầu tư chuyên nghiệp. Đến hết năm 2019, tập đoàn này đã có tổng cộng 12 đơn vị thành viên, hoạt động trong 3 lĩnh vực mũi nhọn là tài chính, xây dựng, năng lượng. Ngoài ra, tập đoàn cũng đầu tư vào một số lĩnh vực như bất động sản, khoa học - công nghệ, nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, pháp nhân trung tâm của Tập đoàn GFS là Công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế - Đầu tư sản xuất (viết tắt là CIRI), có trụ sở chính tại số 508 đường Trường Chinh, quận Đống Đa, TP. Hà Nội.

Chủ tịch HĐQT của CIRI là ông Phạm Thành Công với tỷ lệ sở hữu 34,63%. Ông Công cũng đồng thời giữ chức danh lãnh đạo của nhiều đơn vị thành viên trong hệ thống Tập đoàn GFS.

GFS nói chung và CIRI nói riêng bước chân vào lĩnh vực bất động sản tương đối muộn, bắt đầu từ năm 2014 với dự án Five Star Garden. Sau thành công của dự án này, GFS mở rộng đầu tư và hiện sở hữu thêm ít nhất 5 dự án nhà ở khác tại Thủ đô với thương hiệu “Five Star” gồm: Five Star Mỹ Đình, Five Star Residence, Five Star Hà Đông, Five Star West Lake và Five Star Trường Chinh. Trong số các dự án này, Five Star West Lake được xem là dự án cao cấp nhất (quy mô một tòa nhà cao 14 tầng với chỉ 32 căn hộ bán).

Bức tranh kinh doanh của CIRI: Doanh nghiệp địa ốc sống nhờ đầu tư tài chính

Là doanh nghiệp hạt nhân của Tập đoàn GFS, CIRI được trực tiếp làm chủ đầu tư của nhiều dự án như Five Star Mỹ Đình, Five Star West Lake, Five Star Residence…

Mang danh một chủ đầu tư bất động sản, nhưng thực tế CIRI lại sống nhờ vào đầu tư tài chính. Đã thế, hoạt động kinh doanh của công ty lại ngày một đi xuống.

Theo đó, trong giai đoạn 2017 – 2019, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của CIRI giảm liên tục, từ 631 tỷ đồng xuống 508 tỷ đồng rồi xuống 463 tỷ đồng.

Biên lãi gộp “mỏng dính” với lợi nhuận gộp thực đạt chỉ đạt: 7,7 tỷ đồng, 5,3 tỷ đồng và 3,6 tỷ đồng.

So với các khoản chi phí lớn và liên tục gia tăng (như chi phí tài chính tăng từ 50 tỷ đồng lên 85 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng từ 8,7 tỷ đồng lên 35,5 tỷ đồng), khoản lợi nhuận gộp này không khác gì “muối bỏ biển”.

Bởi vậy, “cứu tinh” cho toàn bộ hoạt động kinh doanh của CIRI là các khoản đầu tư tài chính. Trong giai đoạn trên, doanh thu tài chính của công ty lên tới hàng trăm tỷ đồng, lần lượt là: 378,8 tỷ đồng, 127,6 tỷ đồng và 127,8 tỷ đồng. Đây là khoản thu từ lãi cho vay, cổ tức và lợi nhuận được chia.

Dù vậy, do doanh thu tài chính suy giảm liên tục, lãi trước thuế của CIRI cũng trong xu hướng “đổ đèo”, sụt giảm cực mạnh từ 328,6 tỷ đồng xuống 68 tỷ đồng rồi chỉ còn 10,4 tỷ đồng. Tính ra trong 3 năm, lãi trước thuế của công ty giảm hơn 30 lần!

Một điều đáng chú ý hơn nữa khi xem xét tình hình kinh doanh của CIRI là vấn đề dòng tiền. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy trong giai đoạn 2017 – 2019, dòng tiền kinh doanh của công ty chỉ dương vào năm 2017, còn 2 năm sau đó đều rơi vào tình trạng âm nặng, lần lượt là -278 tỷ đồng và -51 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh biểu thị cho việc hoạt động kinh doanh có thu được tiền về không. Dòng tiền âm có nghĩa rằng công ty chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách chứ không thu được tiền về. Để bù đắp dòng tiền, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn, hoặc giảm chi đầu tư, hoặc thanh lý tài sản, hoặc tăng cường đi vay.

CIRI đã chọn giảm chi đầu tư (rõ nhất vào năm 2018) và tăng cường đi vay. Đây cũng là nguồn cơn dẫn đến việc nợ vay của công ty tăng mạnh trong các năm 2018 – 2019 (sẽ được nói tới ở phần sau).

Bức tranh tài sản của CIRI: Phải thu ngắn hạn tăng phi mã

CIRI là doanh nghiệp nghìn tỷ, trong giai đoạn 2017 – 2019, tổng tài sản của công ty tăng trưởng khá đáng kể, từ 1.825 tỷ đồng lên 2.353 tỷ đồng, tương đương tăng 29%.

Một trong những điểm đáng chú ý nhất khi xem xét cơ cấu tài sản CIRI là tốc độ gia tăng chóng mặt của các khoản phải thu ngắn hạn, từ 322 tỷ đồng (2017) lên 1.205 tỷ đồng (2019), tức tăng gấp 4 lần.

Trong vòng 3 năm, tỷ trọng của các khoản phải thu ngắn hạn trong tổng tài sản đã tăng một mạch từ 17,6% lên hơn 51%.

Trong bối cảnh đó, các khoản đầu tư tài chính dài hạn của CIRI giảm mạnh từ 964 tỷ đồng (khoảng một nửa tổng tài sản năm 2017) xuống 630 tỷ đồng (chỉ bằng khoảng 1/4 tổng tài sản năm 2019). Đây chính là nguồn cơn dẫn đến tình trạng doanh thu tài chính (“niêu cơm” chính của CIRI) giảm mạnh qua các năm (đã nói ở phần trên).

Về nguồn vốn, nợ phải trả của CIRI trong cùng giai đoạn trên tăng mạnh từ 1.283 tỷ đồng lên 1.707 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu tăng từ 541 tỷ đồng lên 646 tỷ đồng.

Do vốn chủ sở hữu tăng chậm hơn, trong khi nợ phải có giá trị rất lớn (chiếm 2/3 tổng tài sản tính đến 2019) nên hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty ngày càng bị “đội” lên, từ 2,3 lần (năm 2017) lên 2,6 lần (năm 2019).

Chỉ xét riêng về nợ vay, tổng nợ vay của CIRI năm 2019 cũng đã đạt 1.058 tỷ đồng, gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu. Đây là một hệ số khá cao, ngay cả với những ngành thâm dụng vốn như bất động sản.

Tình hình vay nợ của CIRI cho thấy doanh nghiệp này đã tăng cường vay nợ một cách đều đặn trong các năm 2017 – 2019, trong đó vay ngắn hạn tăng từ 178 tỷ đồng lên 250 tỷ đồng, vay dài hạn tăng từ 517 tỷ đồng lên 808 tỷ đồng.

Dòng tiền vay - trả của doanh nghiệp này trong giai đoạn trên dao động trong khoảng 600 – 800 tỷ đồng/năm.

(còn tiếp)

Tin mới lên