Tài chính quốc tế

Buffett bán hết cổ phiếu Walmart: Tương lai nào cho Big C, Trần Anh, Điện Máy Xanh?

(VNF) - Tỷ phú Warren Buffett mới đây đã bán tháo toàn bộ 900 triệu USD giá trị cổ phiếu nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ Walmart, thay thế chúng bằng hàng tỷ USD tiền đầu tư vào các hãng hàng không.

Buffett bán hết cổ phiếu Walmart: Tương lai nào cho Big C, Trần Anh, Điện Máy Xanh?

Tương lai nào cho mô hình cửa hàng bán lẻ như Điện Máy Xanh?

Buffett bán hết cổ phiếu Walmart, cảnh báo ngành bán lẻ truyền thống

Mới đây, Berkshire Hathaway của Warren Buffett đã bán tháo 900 triệu cổ phiếu Walmart. Thay vào đó, ông mua vào hàng tỷ USD cổ phiếu của ngành hàng không. 

Theo Business Insider, với việc bán ra số lượng lớn như trên nên tỷ phú Buffett giờ đây gần như không còn nắm giữ cổ phiếu của Walmart. Hiện nhà bán lẻ truyền thống lớn nhất nước Mỹ đang gấp rút đuổi theo Amazon và các hãng bán lẻ trực tuyến khác.

Tỷ phú Buffett giờ đây gần như không còn nắm giữ cổ phiếu của đại gia bán lẻ lớn nhất nước Mỹ - Walmart.

Lần đầu tiên Buffett mua cổ phiếu của Walmart là vào năm 2005. Năm ngoái, huyền thoại đầu tư này cho hay các nhà bán lẻ truyền thống chật vật trong cuộc chiến cạnh tranh từ nhiều ông lớn thương mại điện tử. Trong một cuộc họp cổ đông năm 2016, Buffett đã nhận định sức mạnh của gã khổng lồ ngành thương mại điện tử và báo hiệu một dấu chấm hết cho ngành bán lẻ truyền thống. Kể từ đó, ông bắt đầu bán tháo cổ phiếu Walmart.

Dù đã chi hàng tỷ USD cho thương mại điện tử, thị phần của Walmart trong thị trường này vẫn nhỏ hơn rất nhiều so với Amazon.

Ông nói rằng các đối thủ cạnh tranh của Amazon, "bao gồm cả một số lĩnh vực của Berkshire Hathaway vẫn chưa tìm ra cách thức phản kháng lại trong cuộc chiến này".

Năm 2012, cựu CEO Walmart - Mike Duke từng nói rằng điều ông hối tiếc nhiều nhất là không đầu tư mạnh hơn vào mảng thương mại điện tử để cạnh tranh với Amazon.

"Tôi ước chúng tôi đi nhanh hơn. Chúng tôi đã chứng minh bản thân thành công được trong nhiều lĩnh vực và giờ đây tôi chỉ tự hỏi mình rằng vì sao chúng tôi không phát triển nhanh hơn. Điều này đặc biệt đúng với lĩnh vực thương mại điện tử. Ngay bây giờ chúng tôi đẩy mạnh phát triển và hoạt động kinh doanh đang mở rộng, nhưng lẽ ra chúng tôi nên đi nhanh hơn trong việc mở rộng mảng này", ông Duke nói.

Mặc dù đã chi hàng tỷ USD cho mảng thương mại điện tử, nhưng thị phần của Walmart trong thị trường này vẫn nhỏ hơn rất nhiều so với Amazon. Năm 2015, doanh số bán hàng online của Walmart là 13,7 tỷ USD năm 2015 trong khi số liệu đó của Amazon là 107 tỷ USD. Dù vậy, tổng doanh thu Walmart là 482 tỷ USD, lớn gấp bốn lần tổng doanh thu của Amazon.

 

Công ty mua sắm trực tuyến Amazon đang trở thành một trong những công ty có giá trị lớn nhất thế giới.

Khi Amazon ra mắt thị trường, nhiều nhà quan sát cho rằng Amazon khó có thể tạo ra những mối nguy lớn cho Walmart vì giữa hai hãng bán lẻ này không có điểm chung. Walmart tập chung chủ yếu vào các mặt hàng phổ biến bày bán trên hệ thống 4.000 cửa hàng, trong khi Amazon chỉ tập trung vào bán hàng trực tuyến.

6 năm trôi qua, có lẽ họ đã không thể ngờ rằng Amazon có thể lớn mạnh nhanh đến vậy. Giá trị thị trường của Amazon hiện là 356 tỷ USD, lớn hơn so với Walmart là 298 tỷ USD. Kể từ cuối năm 2014, cổ phiếu Walmart giảm 21% giá trị còn cổ phiếu Amazon đi lên 119%. Trong khi Amazon tăng trưởng 1934% thì Walmart giảm 1%.

Amazon là một hệ thống khép kín và công ty tự quản lý tất cả mọi thứ cho hàng hóa, bao gồm quản trị kho bãi, logistics và dịch vụ khách hàng. Đến nay, Amazon vẫn là lựa chọn tốt nhất cho các doanh nhân trên toàn thế giới nhờ hệ sinh thái khép kín. Các nhãn hàng nước ngoài không phải tìm kiếm, gây dựng hệ thống phân phối và logistics.

Doanh thu đến từ các cửa hàng lớn và trung tâm thương mại trong 10 năm qua lao dốc do khách hàng ngày càng lười đi mua sắm mà thay vào đó họ mua hàng trực tuyến. Doanh thu bán lẻ truyền thống trong năm nay dự kiến chỉ bằng 62% của 10 năm trước.

Buffett đã chứng minh nhận định của mình vào năm 2005 là đúng. Khi đó, ông dự báo hãng Sears và Walmart sẽ lao dốc: "Bán lẻ cũng như chuyện nhắm bắn trúng một mục tiêu di động. Việc vực dậy một nhà bán lẻ bị trượt chân quá lâu là rất khó".

Kể từ năm 2005, Sears đã đóng hàng trăm cửa hàng và đang phải nộp đơn phá sản. Macy’s và JCPenney cũng chịu chung số phận khi đang đóng cửa hàng trăm cửa hàng trên khắp nước Mỹ.

Thị giá của những hãng bán lẻ không có chiến thuật đúng đắn rõ ràng giảm mạnh. Sears đi từ mức 27,8 tỷ USD trong năm 2006 xuống còn 1,1 tỷ USD trong năm 2016 (giảm 96%). Hãng giảm mạnh thứ 2 là JCPenney (86%), từ 18,1 tỷ USD trong năm 2006 xuống còn 2,6 tỷ USD.

Thị trường bán lẻ Việt: Tương lai thuộc về Adayroi? Big C, Điện Máy Xanh, Trần Anh,... sẽ ra sao?

Cách đây vài năm, báo chí đã tốn giấy mực trước sự co mình hoặc đóng cửa của nhiều chuỗi siêu thị điện máy lớn. Ngoài Pico và Topcare phải đóng cửa hàng loạt, Nguyễn Kim, đại gia đứng đầu thị trường, cũng từng phải đóng cửa 5 cửa hàng Thế giới số 24G trước áp lực lợi nhuận ngành điện máy hầu như không tăng. Thậm chí, nhiều tên tuổi khác như WonderBuy, BestCarings hay HomeOne… cũng chịu cảnh phá sản.

Mặc dù ra đời trong thời điểm khó khăn của thị trường điện máy nhưng Thế giới Di động đã liên tục mở thêm các cửa hàng Điện máy Xanh. Năm 2014 trở về trước, thương hiệu này chỉ giới hạn ở các tỉnh miền Nam, thế nhưng, từ năm 2015 đã mở rộng ở Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên và giờ là miền Bắc.

Việc mở ồ ạt cửa hàng Điện máy Xanh đang tiêu tốn nguồn vốn không hề nhỏ, buộc Thế giới Di động phải tăng mạnh nợ vay.

Để phủ sóng 63 tỉnh/thành, từ giữa năm 2016, Thế giới Di động bắt đầu triển khai chuỗi Điện máy Xanh mini với diện tích sàn từ 300 – 500 m2. Với mô hình mini tương tự như cửa hàng tiện lợi, Điện máy Xanh đã bùng nổ số lượng cửa hàng nhanh hơn bất cứ siêu thị điện máy nào, dự kiến có thể lên tới 400 cửa hàng trong năm 2017. Điện Máy Xanh trong năm qua đã mở 187 cửa hàng, nâng số cửa hàng đến cuối năm lên 256 điểm.

Với hướng đi này, các cửa hàng của Điện máy Xanh đều rất nhỏ gọn, len lỏi vào khắp các ngóc ngách, các khu vực nông thôn, ngoại thành, vùng dân cư đông đúc để dễ dàng tiếp cận được với khách hàng.

Tuy nhiên, việc phát triển chuỗi  Điện máy Xanh cũng chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh đòi hỏi nguồn vốn lớn và hệ quả là Thế giới Di động phải gia tăng mạnh nợ vay. Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016 của công ty này cho thấy nợ phải trả đã tăng lên vượt xa mốc 10.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, điện máy Trần Anh với sự tham gia của đối tác chiến lược Nhật Bản – Nojima đang đi theo mô hình đại siêu thị với diện tích lớn, nhiều tiện ích đi kèm như bãi đỗ xe, khu vui chơi trẻ em… Mô hình này đòi hỏi chi phí đầu tư lớn vào thuê mặt bằng, chi phí đầu tư vào chất lượng dịch vụ khách hàng…

Trần Anh đang theo đuổi mô hình đại siêu thị, mô hình đòi hỏi chi phí đầu tư lớn.

Hiện diện ở thị trường Việt Nam gần 20 năm với thương hiệu Big C, và trở thành nhà bán lẻ lớn nhất trên thị trường, nhưng cuối cùng tập đoàn Casino Group của Pháp lại theo bước chân Metro của Đức rút khỏi Việt Nam với lý do đây không phải là thị trường chính. Một trong những điểm yếu của chuỗi siêu thị Big C và Metro Cash & Carry tại Việt Nam là nằm xa trung tâm thành phố và ở vị trí bất tiện đi lại cho nhiều người tiêu dùng. Điều đó khiến những siêu thị này chỉ đông khách vào những ngày cuối tuần, nhưng lại vắng khách vào những ngày thường. 

Ra đời năm 2015 khá muộn so với so với những sàn giao dịch thương mại lớn như Ebay, Tiki hay Lazada, sàn thương mại điện tử Adayroi có ưu thế là khá đa dạng về ngành hàng với các nhóm sản phẩm quen thuộc như thời trang, sách và văn phòng phẩm, điện thoại di động và máy tính bảng; sức khoẻ và sắc đẹp; mẹ và bé… và một số ngành hàng đặc biệt mà các sàn thương mại điện tử chưa từng kinh doanh như ngành hàng ôtô, xe máy và thực phẩm tươi sống.

Adayroi khác với Lazada, Sendo hay Chotot. Tham vọng của Adayroi sẽ là kiểu Alibaba của Việt Nam, một trang thương mại điện tử cho các nhà phân phối tiếp cận tới khách hàng trực tiếp. Adayroi cũng khác, khi họ không cần kho tổng chứa hàng, và tự xây mảng logistic mà không cần qua đơn vị vận chuyển trung gian. Adayroi không có cửa hàng trưng bày sản phẩm, hàng hóa được bán trực tuyến trên website.

Trong tọa đàm trực tiếp với giới start-up Việt Nam tại TP.HCM cuối tháng 5/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ví Adayroi - trang thương mại điện tử thuộc VinEcom của Tập đoàn Vingroup - là "Amazon của Việt Nam".

Adayroi liệu có trở thành "Amazon của Việt Nam"?

Là đứa con của VinGroup, Adayroi nằm trong chiến lược mà VinGroup đang xây dựng một hệ sinh thái để càng ngày càng thâu tóm nhiều mảng hoạt động kinh doanh. Adayroi có vai trò trong phân phối hàng hóa của hệ thống siêu thị Vinmart cung cấp các loại mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày, hệ thống VinPro cung cấp các sản phẩm điện máy, điện tử, công nghệ, hệ thống dịch vụ khách sạn, khu nghỉ dưỡng Vinpearl cung cấp các sản phẩm du lịch và hệ thống trồng rau quả sạch VinEco cung cấp các sản phẩm rau quả tươi.

Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho rằng rất nhiều nhà marketing, bán lẻ và cả nhà sản xuất vẫn hoài nghi khả năng thương mại trực tuyến sẽ là tương lai của kênh mua sắm hiện đại tại Việt Nam và liệu có quá sớm để đầu tư cho mảng trực tuyến thay vì tập trung phát triển cho kênh siêu thị và đại siêu thị.

Tuy nhiên, khoảng ba năm qua, thương mại điện tử phát triển rõ rệt, mặc cho rất nhiều chuyên gia giả định Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng. Những ông lớn trong ngành đang cơ cấu lại cách nhanh chóng để sẵn sàng đáp ứng cho thế hệ tiêu dùng Millennials (khái niệm về thế hệ đầu tiên của xã hội kỹ thuật số từ thập niên 1980-2000) chiếm đến 35% dân số Việt Nam.

Kantar Worldpanel nhận định rằng thế hệ tiêu dùng tiếp theo sẽ phá vỡ hoàn toàn cách thức mua sắm truyền thống, những nhu cầu mới tạo áp lực đòi hỏi các nhà sản xuất và bán lẻ cung cấp cho họ sự linh hoạt, chủ động và tiện lợi hơn.

Thế hệ Millennials cũng sẽ đưa thương mại điện tử trở thành thương mại di động với các kỹ năng công nghệ và việc sử dụng rộng rãi các thiết bị thông minh ở Việt Nam.

Tin mới lên