Bất động sản

Bung hàng ‘nhỏ giọt’, các chủ đầu tư bất động sản đang toan tính gì?

(VNF) – Cuối năm thường là "thời điểm vàng" của thị trường bất động sản tại TP. HCM với việc các chủ đầu tư ồ ạt bung hàng. Tuy nhiên, năm nay nguồn cung trên thị trường rất ít, đa phần những dự án mở bán trong giai đoạn này đều đến từ những dự án cũ nên việc mở bán diễn ra âm thầm, không rầm rộ.

Bung hàng ‘nhỏ giọt’, các chủ đầu tư bất động sản đang toan tính gì?

Dạo quanh một vòng thị trường bất động sản TP. HCM không thấy sự rầm rộ như thời điểm cuối năm ngoái. Những ông lớn của thị trường như: Novaland, Him Lam, Hưng Thịnh, Đất Xanh…gần như cũng chỉ mở bán nhỏ giọt.

Đơn cử như Him Lam Phú An tại quận 9, do dự án này bán từ cuối năm 2016, với số lượng căn hộ lớn. Sàn giao dịch tổ chức bán âm thầm. Dự án này cũng đã vào giai đoạn bàn giao căn hộ thực tế. Có vị thế tiệm cận Metro và nằm ở trung tâm khu Đông Sài Gòn, căn hộ tại dự án này đang được giao dịch tại thị trường thứ cấp với mức chênh lệch khoảng 15% so với giá gốc.

Báo cáo Thị trường Bất động sản Việt Nam năm 2017 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, năm 2017, thị trường bất động sản (BĐS) TP HCM ghi nhận 70 dự án mới chào bán, cung cấp 37.067 căn hộ, 1.057 biệt thự, 3.362 căn nhà phố và 1.518 sản phẩm đất nền.

Do quỹ đất ở trung tâm quận 1, 2, 3, 4 và quận 7 (Phú Mỹ Hưng) ngày càng khan hiếm nên hầu hết các dự án phát triển tại khu vực này các chủ đầu tư đều ưu tiên phát triển căn hộ phân khúc siêu cao cấp có giá bán trên 45 triệu đồng/m2, cá biệt gần đây có những dự án có mức giá lên đến trên 70 – 100 triệu đồng/m2.

Tỷ trọng sản phẩm ở phân khúc này chiếm gần 11% nguồn cung mới toàn thị trường căn hộ. Do sản phẩm không nhiều và biên độ lợi nhuận cao nên các chủ đầu tư phân khúc căn hộ cao cấp vẫn ưu tiên phát triển dòng sản phẩm này nếu có quỹ đất phù hợp.

Trong khi đó, phân khúc căn hộ cao cấp (35 – 45 triệu đồng/m2) có sức tiêu thụ tốt nhưng tỷ trọng hiện chỉ chiếm khoảng 20% tổng nguồn cung sản phẩm mới vì yêu cầu vị trí dự án phải ở khu vực dân cư đã ổn định, người mua cũng quan tâm đến uy tín và tiềm lực tài chính của các chủ đầu tư dự án.

Sự khan hiếm nguồn cung trên thị trường bất động sản dự báo một đợt tăng giá mới, đặc biệt là tại thị trường thứ cấp

Lý giải nguyên nhân khan hiếm sản phẩm trên thị trường bất động sản cuối năm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng, thị trường trong giai đoạn cuối 2017, đầu 2018 không có nhiều dự án mới chào bán là do không nhiều dự án được cấp phép mới. 80 dự án hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng cấp phép từ đầu năm 2017 tới nay thực chất là những dự án đã được các chủ đầu tư mở bán năm 2016 theo hình thức đặt cọc giữ chỗ, giờ được cấp phép pháp lý thì họ làm hợp đồng mua bán. Ở phân khúc đất nền tại TP.HCM đã kìm được cơn "sốt ảo" ở phân khúc này trong những tháng đầu năm.

Tương tự, ông Hoàng Đức Khương, Giám đốc maketting tập đoàn An Gia cho rằng các doanh nghiệp đầu ngành đang có toan tính riêng với chuyển biến mới của thị trường. Tại An Gia, với quỹ đất sẵn có, công ty hoàn toàn có thể triển khai dự án mới. Tuy nhiên, quan niệm của An Gia là tập trung chăm chút cho những sản phẩm đã được khách hàng tiếp nhận. Cụ thể, hiện An Gia đã giao nhà trước tiến độ cho khách hàng tại dự án Skyline và đẩy nhanh tiến độ làm sổ hồng tại Riverside.

Dự kiến giữa tháng 1/2018, toàn bộ khách hàng sẽ nhận được sổ hồng. Cả hai dự án đều nằm tại số 89 Hoàng Quốc Việt (quận 7). Angia Skyline gồm 1 block cao 35 tầng với 1 tầng hầm và 2 tầng thương mại với 480 căn hộ có diện tích từ 58 – 112m2 với từ 2 - 3 phòng ngủ. Mật độ xây dựng dự án chỉ 24% trên quy mô hơn 63.000m2. Dự án Riverside gồm có quy mô 25 tầng với 246 căn hộ.

Theo ông Khương, thị trường bất động sản tại TP Hồ Chí Minh đang có sự thanh lọc và tái cấu trúc của doanh nghiệp. Trong thời điểm này, việc giữ chữ tín, đảm bảo cho khách hàng nhận đủ và hơn những gì doanh nghiệp đã cam kết không chỉ là cách giữ chân khách hàng mà còn giúp thị trường bất động sản thực chất hơn.

Tin mới lên