M&A

Bùng nổ hoạt động M&A trong lĩnh vực khách sạn

Năm 2016 được dự đoán sẽ chứng kiến thêm nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực khách sạn toàn cầu.

Bùng nổ hoạt động M&A trong lĩnh vực khách sạn

Thương vụ giữa Marriott và Starwood sẽ hình thành nên tập đoàn khách sạn lớn nhất thế giới. Ảnh: internationalmeetingsreview.com

Các chuỗi khách sạn hàng đầu thế giới đang tìm cách ứng phó tốt hơn với những cú sốc về kinh tế và nâng cao vị thế trên thị trường cạnh tranh khốc liệt này.

Trong năm ngoái, "đại gia" Marriott International (Mỹ) công bố kế hoạch thâu tóm đối thủ Starwood Hotels & Resorts Worldwide - tập đoàn sở hữu thương hiệu Sheraton - với đề xuất chào mua 12,2 tỷ USD.

"Người khổng lồ" khách sạn đến từ Pháp, AccorHotels trong năm 2015 cũng đã đạt được thỏa thuận mua FRHI Holdings Ltd - chủ sở hữu của ba thương hiệu khách sạn cao cấp uy tín là Fairmont, Raffles, và Swissotel. InterContinental Hotels Group PLC (IHG), một "ông lớn" khác trong lĩnh vực này có trụ sở tại Denham (Vương quốc Anh), cũng đã bày tỏ ý định tiếp tục phát triển hệ thống trong năm nay.

Theo nhà phân tích Wouter Geerts thuộc công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International (Anh), các doanh nghiệp kinh doanh và quản lý khách sạn đã nhận ra tầm quan trọng của việc tăng sự hiện diện tại tất cả các thị trường để giảm thiểu những rủi ro kinh tế của một khu vực nhất định.

Ông Geerts nhận xét Marriott và Hilton đều quá tập trung vào thị trường Mỹ và rõ ràng họ cần đầu tư thêm vào Trung Quốc, châu Á, Mỹ Latinh, đồng thời dự đoán thị trường sẽ đón nhận thêm nhiều thương vụ M&A lớn trong năm nay.

Giới quan sát đánh giá thương vụ giữa Marriott và Starwood sẽ hình thành nên tập đoàn khách sạn lớn nhất thế giới, điều hành hoặc sở hữu quyền kinh doanh 5.500 khách sạn thuộc nhiều thương hiệu mang tầm quốc tế trên toàn thế giới. Hơn nữa, thỏa thuận trên sẽ củng cố vị thế của Marriott tại các thị trường mới nổi và mở ra cơ hội tiếp cận với một lượng khách hàng lớn hơn.

Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của các công ty khởi nghiệp (startup) như Airbnb Inc, quản lý trang điện tử Airbnb cung cấp dịch vụ cho thuê chỗ ở ngắn hạn, cũng là một lý do thúc đẩy các khách sạn mở rộng hệ thống thông qua hình thức M&A. Airbnb được coi là dịch vụ "ở nhờ", là trang web cho phép người truy cập (chủ yếu là khách du lịch) tìm kiếm và kết nối với chủ sở hữu phòng trống hoặc nhà trống có nhu cầu cho thuê trong ngắn hạn.

Airbnb kiếm tiền bằng cách tính phí giao dịch cho mỗi lần đặt chỗ thành công, và đã trở thành công ty startup lớn thứ ba thế giới với giá trị 25,5 tỷ USD, chỉ xếp sau công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ xe ô tô dựa trên ứng dụng di động Uber (Mỹ) và nhà sản xuất smartphone Xiaomi (Trung Quốc).

Mặt khác, quy mô cũng là yếu tố quan trọng trong các thương thảo giữa khách sạn với đại lý du lịch trực tuyến như Priceline (quản lý trang Booking.com) và Expedia (sở hữu Expedia.com và Hotels.com).

Thông thường, khách sạn trả chi phí tương đương khoảng 18% giá thuê phòng để quảng bá và tiếp thị trên các trang điện tử cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến.

Giám đốc điều hành chuỗi khách sạn và khu nghỉ dưỡng Best Western International (Mỹ), ông David Kong cho rằng các hoạt động mua bán, sáp nhập và liên doanh đem lại lợi thế cho khách sạn trong các thỏa thuận về chi phí "hoa hồng" với đại lý du lịch.

Tin mới lên