Tiêu điểm

‘Bước chuyển’ mới trong đầu tư công từ Chỉ thị 13

(VNF) - Siết số lượng dự án, tập trung dự án trọng điểm, tăng cường phân cấp, gắn trách nhiệm người đứng đầu, những chỉ thị trên đang kỳ vọng tạo ra “bước chuyển” về hiệu quả vốn đầu tư công trong thời gian tới.

‘Bước chuyển’ mới trong đầu tư công từ Chỉ thị 13

(Ảnh minh họa)

Cắt giảm mạnh số lượng dự án

Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã thể hiện quyết tâm thay đổi bộ mặt đầu tư công trong thời gian tới đây. Vốn đầu tư công theo đó sẽ phải thực sự đóng vai trò dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác. Với tính chất đó, người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá thực hiện và khen thưởng kỷ luật nghiêm minh.

Thực tế hàng nghìn dự án đã bị rà soát và cắt bỏ. Số lượng dự án trong 5 năm tới theo thống kê sẽ chỉ còn khoảng 5.000 dự án, xấp xỉ 23% số dự án giai đoạn 2011 - 2015 và chưa đến một nửa so với giai đoạn 2016 - 2020.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, hiện nay, việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công đã được phân cấp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phân bổ kế hoạch vốn cho các bộ, ngành, địa phương theo một gói. Các đơn vị chủ động phân bổ số vốn này cho các dự án và phải chịu trách nhiệm; Bộ là đơn vị giám sát, theo dõi và “tuýt còi” khi xảy ra sai phạm.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống Kê, với số vốn đầu tư công dự kiến tăng gấp rưỡi trong 5 năm tới sẽ là nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. “Những năm tới, vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt các dự án cao tốc kết nối vùng như dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, dự án đường ven biển kết nối nhiều cao tốc TP. HCM - Mộc Bài, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, hệ thống đường vành đai của Hà Nội, TP. HCM... có ý nghĩa rất lớn. Đây là những tuyến huyết mạch để lưu chuyển hàng hóa, nếu được đầu tư hiện đại sẽ giảm đáng kể chi phí, thời gian vận chuyển và đi lại”, ông Lâm đánh giá.

Tập trung vốn cho các dự án trọng điểm

Qua các cuộc làm việc với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đánh giá, nguyên nhân lớn nhất của việc giải ngân chậm, hiệu quả đầu tư chưa cao là do đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt, cộng với thủ tục rườm rà, không phân cấp mạnh, kỷ luật chưa nghiêm.

“Do đó, dứt khoát khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt cũng như tâm lý trông chờ, ỷ lại ở Trung ương, đồng thời chống tiêu cực, nghiêm cấm “chạy” dự án. Đây là lợi ích của quốc gia, dân tộc”, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại một buổi làm việc gần đây.

Phân tích cụ thể, Thủ tướng nhắc tới tình trạng một số tỉnh còn nghèo, quy mô GRDP nhỏ, ngân sách có hạn nhưng dự kiến tới hàng trăm dự án trong 5 năm tới. Với tổng ngân sách được phân bổ, các địa phương, cơ quan, bộ ngành phải suy nghĩ, tính toán, tiết kiệm chi thường xuyên để dành cho đầu tư phát triển, đồng thời điều chỉnh lại các dự án đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược và các dự án, công trình đầu tư phục vụ an sinh xã hội như phòng chống thiên tai, dịch bệnh, chăm lo các đối tượng yếu thế…

“Vì dân, vì nước, cứ mạnh dạn mà làm, sẽ cắt giảm được số dự án để tập trung vốn cho các dự án trọng tâm, trọng điểm”, Thủ tướng nhấn mạnh. Cùng với đó, nỗ lực phấn đấu, kéo giảm thời gian triển khai dự án bởi càng kéo dài càng lãng phí.

Thủ tướng yêu cầu phân cấp tối đa về đầu tư công; các cơ quan quản lý tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, xây dựng công cụ để huy động các nguồn lực, hướng dẫn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, cơ quan lập các đoàn kiểm tra, giám sát; các bộ, cơ quan, địa phương nào không thực hiện đúng chủ trương đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 3 đột phá chiến lược thì kiên quyết dừng dự án, nếu có vi phạm thì xử lý, kỷ luật theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Phân tích thêm về quan điểm huy động tối đa, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là hạ tầng giao thông, Thủ tướng nêu định hướng trình cấp có thẩm quyền cho phép ngân sách Nhà nước bảo đảm tỉ lệ 50% tổng vốn cho các dự án cao tốc PPP trong cả giai đoạn 2021-2025, phần còn lại thu hút đầu tư ngoài ngân sách. Tỷ lệ cụ thể sẽ được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với từng dự án, những dự án khó khăn, khó thu hút nhà đầu tư thì tỷ lệ tham gia của ngân sách sẽ cao hơn và ngược lại.

Quy trách nhiệm để tăng hiệu quả đầu tư công

Đánh giá về việc siết số lượng dự án đầu tư công thời gian tới đây, TS. Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, việc rà soát, cắt giảm các dự án đầu tư công cần căn cứ trên nhiều khía cạnh.

Nếu rà soát thấy dự án không đủ điều kiện, đương nhiên phải cắt giảm. Với những dự án đã thực hiện rồi, nhưng nhận thấy không hiệu quả thì buộc phải dừng. Bởi nếu không hiệu quả mà cứ làm, dẫn đến dự án đắp chiếu thì hệ quả còn tai hại hơn. Tất nhiên, việc cắt giảm giữa chừng gây tổn hại cho ngân sách nhà nước cần phải có người chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, với tình trạng ghi số tiền dự án không phù hợp, không cân đối với nguồn vốn, địa phương cứ đề nghị đưa vào, trong khi khả năng cân đối ngân sách cho địa phương có giới hạn, dẫn đến quá tải, mất cân đối, không thể đáp ứng được thì phải loại bỏ.

“Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, trước hết phải tự chịu trách nhiệm về việc bố trí vốn của mình, cũng như vấn đề hiệu quả và việc tuân thủ pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản để điều chỉnh danh mục vốn. Nếu việc điều chỉnh không phù hợp, trách nhiệm sẽ thuộc về người đứng đầu. Cơ quan tổ chức đó phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, và trước nhân dân”, ông Thụ nói.

Về nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công thường bị chậm, TS. Bùi Đức Thụ lý giải, là do việc ghi kế hoạch vốn không phù hợp với tình hình thực tế. Nhiều dự án thậm chí chưa giải phóng được mặt bằng, còn tranh chấp hết sức căng thẳng nhưng đã ghi vốn. “Trong điều kiện đất nước ta còn nghèo, nên hiệu quả đầu tư phải là vấn đề số một. Giải ngân nhanh là một trong những giải pháp cần phải làm, nhưng không có nghĩa phải giải ngân bằng mọi giá, tiêu tiền bằng mọi cách. Nếu dự án không hiệu quả, phải có người chịu trách nhiệm chứ? Đã phân cấp, phân quyền rồi, lại để xảy ra tình trạng dự án làm chưa xong, hay vừa khánh thành đã đắp chiếu. Đây là một đau xót, cần phải làm rõ, đặc biệt vấn đề trách nhiệm, không thể kéo dài mãi tình trạng này”, TS. Bùi Đức Thụ chia sẻ.

Tin mới lên