Nhân vật

Các CEO thế giới nói gì về kinh doanh thời Covid-19?

Jeff Bezos nói bình thường quý này có thể kiếm 4 tỷ USD nhưng Covid-19 là "điều kiện không bình thường" và Amazon có thể phải chi ra nhiều hơn số này.

Các CEO thế giới nói gì về kinh doanh thời Covid-19?

CEO Amazon Jeff Bezos. Ảnh: Bloomberg

Covid-19 và việc phong tỏa, cách ly đang làm thay đổi cách các doanh nghiệp hoạt động. Dưới đây là góc nhìn về sự thay đổi trong thế giới làm ăn của một số nhà lãnh đạo các công ty lớn nhất thế giới.

CEO Amazon Jeff Bezos

Bezos nói rằng, trong điều kiện bình thường thì quý II/2020 tới Amazon có thể kiếm được 4 tỷ USD hoặc hơn về lợi nhuận hoạt động. Nhưng nay là điều kiện không bình thường. "Thay vào đó, chúng tôi dự kiến chi toàn bộ 4 tỷ USD hoặc có lẽ hơn liên quan đến vận chuyển sản phẩm cho khách hàng và giúp nhân viên được an toàn trong mùa Covid-19.

CEO Microsoft Satya Nadella

Lãnh đạo Microsoft nói rằng, Covid-19 tác động đến mọi khía cạnh trong công việc và cuộc sống. Hai tháng chuyển đổi kỹ thuật số vừa qua có giá trị như hai năm. "Từ làm việc nhóm từ xa, huấn luyện bán hàng và dịch vụ khách hàng đến cơ sở hạ tầng và bảo mật đám mây, chúng tôi đang làm việc cùng với khách hàng mỗi ngày để giúp họ mở cửa kinh doanh trong một thế giới xa cách", ông Nadella nói.

CEO Apple Tim Cook

CEO Apple Tim Cook. Ảnh: Reuters

"Chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc. Mọi người đều quen với công việc ở nhà," ông Tim Cook nói. Ông thừa nhận, ở một số bộ phận, mọi người làm việc hiệu quả hơn nhưng một số khác hoạt động không hiệu quả.

CEO Tesla Elon Musk

Nhà lãnh đạo Tesla là một trong những CEO phản đối mạnh mẽ về các lệnh phong tỏa. Ông cho rằng nếu mọi người muốn tự nguyện ở nhà thì tốt nhưng họ không nên bị bắt buộc như vậy. "Nếu nói rằng họ không thể rời khỏi nhà và sẽ bị bắt nếu làm thế thì là phát xít. Như vậy là không dân chủ, không tự do. Phải trả lại sự tự do cho mọi người", Elon Musk nói.

CEO Facebook Mark Zuckerberg

"Nói chung, tôi nghĩ rằng trong một giai đoạn như thế này, có rất nhiều điều đổi mới cần được xây dựng", Zuckerberg nói. Nhà sáng lập Facebook cho rằng, thay vì dừng lại, nhiều công ty nên tiếp tục đầu tư, phát triển các nhu cầu mới cho khách hàng để bù đắp những phần mất mát.

CEO Lift Logan Green

Trong tháng 4, số chuyến xe của Lift đã giảm 75% so với năm trước. CEO Logan Green cho rằng, hoạt động đặt xe có thể đã chạm đáy trong tuần thứ hai của tháng 4 nhưng chưa thể dự đoán thời điểm phục hồi.

"Ngay cả khi yêu cầu ở yên tại nhà và hạn chế đi lại được điều chỉnh hoặc dỡ bỏ, chúng tôi dự đoán việc tiếp tục giãn cách xã hội, thay đổi hành vi của người dùng và cắt giảm chi phí doanh nghiệp sẽ là thử thách đáng kể cho Lyft. Mức độ và thời gian tác động hiện không thể ước lượng được. Đây là sự thật phũ phàng mà chúng tôi phải đối mặt", ông Logan Green thừa nhận.

CEO Snap Evan Spiegel

Spiegel cho biết, đại dịch sẽ thúc đẩy sự chuyển đổi kỹ thuật số của nhiều doanh nghiệp. Mức độ vận dụng công nghệ ngày càng cao đang cho thấy sẽ có sự thăng tiến bền vững trong nền kinh tế kỹ thuật số theo thời gian.

CEO Alphabet Sundar Pichai

"Kinh doanh quảng cáo hai tháng đầu quý I khá mạnh mẽ. Vào tháng 3, chúng tôi bị sụt giảm đáng kể về doanh thu", ông Pichai nói sự phục hồi trong chi tiêu quảng cáo sẽ phụ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế.

CEO Spotify Technology Daniel Ek

CEO Spotify Technology Daniel Ek. Ảnh: Bloomberg

"Khi tôi nhìn về phía trước, cả ngắn hạn và dài hạn, tôi luôn nghĩ về vai trò của Spotify trong hệ sinh thái lớn hơn. Trong khi hầu hết tập trung vào cạnh tranh giữa các dịch vụ phát trực tuyến, chúng tôi tiếp tục tập trung vào hàng tỷ người dùng đang nghe radio tuyến tính", Daniel Ek nói.

Vị CEO phân tích, xu hướng nghe tuyến tính, tức nghe đài thụ động đang "chết" và nghe theo nhu cầu đang thắng. Covid-19 càng giúp xu hướng này tăng nhanh. Bởi lẽ, thời gian ở nhà khiến mọi người rời khỏi xe (ít nghe radio trên xe hơn) nên họ thay đổi hành vi lắng nghe và Spotify tận dụng được lợi thế này nhờ trải nghiệm cá nhân hóa và theo nhu cầu.

CEO Netflix Reed Hastings

"Chúng tôi có sự tăng trưởng về thuê bao trong tháng 3. Về cơ bản, nó kéo tăng trưởng cho phần còn lại của năm. Vì vậy, thuê bao mới sẽ ít hơn trong quý III và quý IV so với các năm trước", CEO Netflix nói.

Dù tình hình với Netflix có vẻ sáng sủa, ông Reed Hastings nói rằng vẫn cảm nhận một thách thức gì đó khó mô tả thành lời. Tuy nhiên, nhìn chung ông tin rằng giải trí Internet sẽ càng có vị thế quan trong hơn trong 5 năm tới và không gì thay đổi được.

CEO Walt Disney Bob Chapek

Ông Chapek cho biết Disneyland Thượng Hải sẽ mở cửa trở lại vào ngày 11/5. Trong khi đó Disney Resort Thượng Hải sẽ chỉ khai thác 24.000 khách một ngày, chiếm khoảng 30% công suất 80.000 khách một ngày. "Chúng tôi sẽ tiếp cận hoạt động lại rất chậm nhưng sau vài tuần sẽ tăng cường theo hướng dẫn của chính phủ", vị CEO nói.

CEO Mattel Ynon Kreiz

Lãnh đạo hãng đồ chơi cho biết, nhu cầu tìm kiếm các sản phẩm trò chơi dành cho nhiều người tham gia hoặc vận động ngoài trời ở sân nhà tăng khi các gia đình bị cách ly tại nhà. Do vậy, Mattel hưởng lợi nhất định từ xu hướng này.

"Tuy nhiên, nó không bù đắp được sự sụt giảm ở các nhóm sản phẩm khác, đặc biệt là búp bê, đồ chơi cho trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và mầm non, vốn là thế mạnh dẫn đầu thị trường và chiếm doanh thu lớn", CEO Ynon Kreiz cho biết.

CEO Exxon Mobil Darren Woods

CEO Exxon Mobil Darren Woods. Ảnh: AP

"Tình hình bất ổn và biến động nhưng các nguyên tắc cơ bản làm nền tảng cho hoạt động kinh doanh của chúng tôi vẫn mạnh mẽ", ông Darren Woods nói.

Vị CEO giải thích rằng, dân số sẽ tăng lên hơn 9 tỷ người vào năm 2040, từ mức hơn 7 tỷ ngày nay. Hàng tỷ người sẽ bước vào tầng lớp trung lưu và theo đuổi một lối sống cùng các sản phẩm cần năng lượng. Các nền kinh tế sẽ mở rộng một lần nữa. "Tất nhiên, có khả năng sẽ có một số thách thức ngắn hạn nhưng trong lịch sử, theo sau các giai đoạn thu hẹp kinh tế là các giai đoạn tăng trưởng đáng kể", ông phân tích.

CEO McDonald Chris Kempczinski

"Thế giới sẽ khác đi khi bước ra từ cuộc khủng hoảng này và chúng tôi dự đoán rằng khá nhiều trong số những thay đổi đó sẽ duy trì lâu dài", Chris Kempczinski nói.

CEO Ford Jim Hackett

Ông Jim Hackett nói rằng, 26 năm trong nghề, ông chưa bao giờ có một kế hoạch kinh doanh gọi là "đại dịch". "Tôi chỉ là chưa bao giờ tưởng tượng việc 'tắt' nền kinh tế", ông nói. Vị CEO cho rằng, hướng đi là không nên phí phạm cuộc khủng hoảng này. Đây là lúc để xác định những ưu tiên trong vận hành và thảo luận các kế hoạch để phục hồi.

CEO General Motors Mary Barra

CEO General Motors Mary Barra. Ảnh: AP

Lãnh đạo GM cho biết bất kỳ ai vào nhà máy của hãng cũng sẽ trả lời một bảng câu hỏi và kiểm tra thân nhiệt. Công ty yêu cầu rửa tay thường xuyên, làm sạch máy móc và các khu vực chung. Trong một số trường hợp, nhân viên phải đeo khẩu trang và kính bảo hộ. Nhà máy cũng giãn cách thời gian giữa các ca làm việc để tránh tiếp xúc của các nhân viên khi thay ca.

"Chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp nào về sự lây lan virus trong cộng đồng các nhà máy của mình", bà Mary Barra nói.

CEO AT&T Randall Stephenson

Ông Randall Stephenson cho rằng, đại dịch có thể tạo ra những thay đổi lâu dài, về những thứ chúng ta từng sử dụng, cách chúng ta tụ tập, du lịch, tương tác. Nhưng có rất ít hình dung cụ thể về điều đó.

"Chúng ta có những nhà kinh tế thông minh nhất và thiên tài nhất thế giới. Bạn có thể chỉ ra hàng tá người trong số họ. Vì kết quả họ dự báo những gì có thể xảy ra chỉ trong quý II/2020 cũng là không thế tin nổi", ông nói.

Tin mới lên