Tài chính

‘Các công ty đa ngành thường không được nhà đầu tư đánh giá cao’

(VNF) - Chia sẻ tại Talkshow Phố Tài chính, ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc SGI Capital cho hay dưới góc độ một nhà đầu tư tài chính thông thường, ông không đánh giá cao những công ty theo đuổi quá nhiều ngành. Ông cho rằng các công ty khi tham gia vào nhiều ngành mới dễ khiến khách hàng và các nhà đầu tư tài chính đặt một số sự nghi ngờ nhất định và chiết khấu giá trị của các công ty này một chút so với các đơn vị tập trung vào ngành nghề cốt lõi.

‘Các công ty đa ngành thường không được nhà đầu tư đánh giá cao’

Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc SGI Capital

Evergrande ảnh hưởng thế nào tới thị trường chứng khoán Việt Nam?

Tại Talkshow Phố Tài chính với chủ đề "Bài học từ cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande", các chuyên gia đều cho rằng vụ việc của tập đoàn này không quá ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam.

Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc SGI Capital cho rằng sự việc của Evergrande không phải câu chuyện mới mà trên thực tế đã xảy ra và kéo dài. Trong đó, bản thân cổ phiếu của tập đoàn này đã giảm từ đỉnh cách đây khoảng 14 tháng (giữa năm 2020) và giảm đều cho đến thời gian gần đây với mức giảm lên đến 90%.

Theo ông Phúc, vụ việc của Evergrande là câu chuyện riêng của tập đoàn này và sàn chứng khoán Trung Quốc. Sự lo lắng của các nhà đầu tư Việt Nam về việc thị trường chứng khoán trong nước bị ảnh hưởng mang tính hiệu ứng tâm lý hơn là thực chất.

Ông cho rằng việc một doanh nghiệp đổ vỡ dẫn tới sự đổ vỡ dây chuyền của cả hệ thống có xác suất xảy ra rất thấp bởi vì chính quyền, chính phủ và các ngân hàng trung ương đều ý thức được rủi ro hệ thống hiện tại đang ở mức cao. Các chính sách đang và sẽ được áp dụng đều ngăn chặn sự lan rộng của rủi ro hệ thống, tránh để thành một vấn đề nghiêm trọng.

Theo quan điểm của ông Mã Thanh Danh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kido, lý do chính khiến các nhà đầu tư Việt Nam lo ngại là do thị trường chứng khoán Mỹ và châu Á đều giảm trong các phiên gần đây. Việc quyết định thị trường chứng khoán lên hay xuống là dòng vốn. 

Trước sự lo lắng về việc dòng vốn ngoại sẽ rút khỏi thị trường tài chính của Việt Nam bởi hiệu ứng của sự cố Evergrande, ông Mã Thành Danh cho rằng theo quan sát dài hạn, trong năm 2021, khổi ngoại đã có động thái bán ròng và trên thực tế, thị trường đã hồi phục với giá trị giao dịch trên 20.000 tỷ đồng. Ông cho rằng vấn đề khống chế dịch bệnh ở Việt Nam hiện nay quan trọng hơn vấn đề của Tập đoàn Evergrande ở Trung Quốc.

‘Các công ty đa ngành thường không được nhà đầu tư đánh giá cao’

Được biết, Evergrande là một tập đoàn đa ngành nghề của Trung Quốc. Các lĩnh vực chính của tập đoàn này có thể kể đến như bất động sản, xe điện, sức khỏe, quản lý tài sản,…

Tại buổi talkshow, ông Mã Thanh Danh cho biết, khi ngành bất động sản của Evergrande không có động lực tăng trưởng trước những chính sách của chính phủ Trung Quốc, tập đoàn này đã tiến hành đa dạng hóa lĩnh vực để tìm động lực tăng trưởng mới.

Tuy nhiên, Evergrande đã không thành công khi việc rẽ sang ngành xe điện, khiến tập đoàn này lỗ 740 triệu USD trong năm vừa qua, trong khi đó năm 2020 vẫn ghi nhận lãi tới 4,7 tỷ USD.

Trước câu chuyện phát triển đa ngành của Evergrande, Tổng giám đốc SGI Capital Lê Chí Phúc cho biết dưới góc độ của một nhà đầu tư tài chính thông thường, ông không đánh giá cao những công ty theo đuổi quá nhiều ngành. Theo ông, khi các công ty tham gia vào nhiều ngành mới sẽ dễ khiến khách hàng và các nhà đầu tư tài chính đặt một số nghi ngờ nhất định và chiết khấu giá trị của các công ty này một chút so với các đơn vị tập trung vào ngành nghề cốt lõi có lợi thế cạnh tranh rõ ràng.

Ông Lê Chí Phúc cho rằng, một trong những yếu tố chính khi phát triển đa ngành nghề là khả năng quản trị.

“Nếu họ quản trị bằng cách chỉ dành một phần giá trị tài sản trong lợi nhuận làm ra hàng năm cho lĩnh vực mới đó, chúng tôi gọi là startup. Con số đó nếu như dưới 30% giá trị lợi nhuận làm ra từ các lĩnh vực cốt lõi để thí điểm và phát triển những lĩnh vực mới thì chúng tôi cho rằng rất lành mạch. Nếu doanh nghiệp gặp thất bại hay khó khăn thì dòng tiền cốt lõi từ lĩnh vực chính của họ sẽ dư sức bù đắp cho phần lỗ, khó khăn và rủi ro của các lĩnh vực mới kia”, Tổng giám đốc SGI Capital cho biết.

“Nếu những doanh nghiệp dồn số tiền quá lớn, gần như là toàn bộ số tiền của doanh nghiệp, thậm chí lớn hơn hay đi vay tiền ở bên ngoài cho những startup mới, chúng tôi đánh giá là vô cùng rủi ro. Vì theo xác xuất của 1 startup, 80% là sẽ thất bại sau 2 năm, 90% là sẽ thất bại sau 5 năm, chỉ có 10% là thực sự tồn tại và thành công”, theo ông Lê Chí Phúc.

Ông Phúc cho hay đây là cách SGI Capital đánh giá các doanh nghiệp, không chỉ những doanh nghiệp Việt Nam mà cả các doanh nghiệp trên thế giới. Theo ông, việc một doanh nghiệp đa ngành chọn cách quản trị rủi ro như trên được cho là "khôn ngoan".

Đồng quan điểm, ông Mã Thành Danh cho rằng 3 vấn đề chính của một doanh nghiệp đa ngành là nguồn lực, đội ngũ và quan trọng nhất là quản trị rủi ro, đặc biệt là rủi ro tài chính.

“Khi doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực mới thì sẽ chưa tạo ra được dòng tiền trong khi đó lại tạo ra áp lực và trong bối cảnh hiện nay thì mức độ rủi ro sẽ cao hơn”, ông Mã Thành Danh cho biết.

Theo Phó tổng giám đốc Kido, các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn này cần phải chuẩn bị tất cả các kịch bản bao gồm trường hợp có thể xảy ra tình huống như Evergrande. 

TalkShow Phố Tài chính là chương trình truyền hình cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin đa chiều và các kiến thức chuyên sâu về thị trường tài chính - chứng khoán. Chương trình được phát sóng vào lúc 18h30 thứ 2 hàng tuần trên VTV8 và phát lại trên các nền tảng mạng xã hội của Talkshow Phố Tài chính.
Tin mới lên