Thị trường

Các đại gia bán lẻ Nhật đang tranh giành thị trường bán lẻ tại Việt Nam

(VNF) - Cuộc chiến bán lẻ tại thị trường Việt Nam đang ngày càng gay cấn hơn khi tập đoàn lớn của Nhật bản như Aeon, Takashimaya, 7-Seven đang đổ bộ đầu tư vào Việt Nam.

Các đại gia bán lẻ Nhật đang tranh giành thị trường bán lẻ tại Việt Nam

Trung tâm Aeon tại Hà Nội.

Với dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng và là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, Việt Nam đang là thị trường hấp dẫn đối với các tập đoàn bán lẻ Nhật Bản như Aeon, Takashimaya Co. và Seven & i Holdings Co. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và thị trường đang trì trệ tại quê nhà.

Ông Nagahisa Oyama, người giám sát các hoạt động tại Việt Nam của Aeon nói: "Thị trường bán lẻ Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển sôi động và người Việt ngày càng chi tiêu nhiều hơn, đặc biệt là giới trẻ". Theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, trong số 93 triệu dân Việt Nam thì gần 60% dân số dưới 35 tuổi.

Theo Aeon, 4 ngày sau khi Trung tâm Mua sắm Aeon khai trương tại TP.HCM ngày 1/7 đã ghi nhận doanh thu cao hơn so với ước tính ban đầu 18%.

Aeon, nhà bán lẻ lớn nhất của Nhật Bản, hiện đang khai thác 4 trung tâm mua sắm và 54 siêu thị tại Việt Nam. Số lượng các siêu thị Aeon tại Việt Nam gấp đôi so với số lượng đầu tư tại Trung Quốc và chiếm 1/3 lượng siêu thị mở tại thị trường nước ngoài của hãng này.

Bên trong trung tâm thương mại Aeon tại Hà Nội.

Tuy nhiên, Aeon không phải là doanh nghiệp Nhật Bản duy nhất muốn tìm lợi nhuận trên miếng bánh thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Có khoảng 20 công ty tiêu dùng từ Nhật Bản - từ nhà sản xuất sô cô la cho tới công ty sản xuất mì, trà xanh - đã gặp gỡ các đối tác tiềm năng tại Việt Nam tại một hội nghị đầu tư diễn ra ở Hà Nội do tập đoàn Mitsubishi UFJ Financial Group Inc và Ngân hàng Vietinbank tổ chức mới đây.

"Chúng tôi nghĩ rằng sự cạnh tranh tại thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ ngày càng gay gắt hơn khi các cửa hàng tiện lợi của Nhật Bản cũng như các công ty Hàn Quốc và Thái Lan đổ bộ vào", ông Oyama nói.

"Sự hợp tác chặt chẽ với chuỗi cửa hàng Citimart và Fivimart sẽ giúp chúng tôi mở rộng kinh doanh hơn nữa", đại diện Aeon nói thêm.

Nhật Bản, quốc gia có dân số già nhanh nhất thế giới, năm 2015 đã ghi nhận năm thứ 7 liên tiếp số lượng dân giảm xuống. Trong khi đó, nhân khẩu học trẻ của Việt Nam đang được thúc đẩy bởi thu nhập trung bình ngày càng tăng, từ 433 USD/năm/người năm 2000 lên 2.111 USD/năm/người năm 2015, theo số liệu của Ngân hàng thế giới.

Người tiêu dùng Việt Nam cũng đang có nhu cầu trải nghiệm mua sắm chất lượng cao hơn. Chính điều này sẽ thúc đẩy mô hình bán lẻ hiện đại phát triển từ mô hình các khu chợ bán đồ tươi sống, theo Nielsen Việt Nam.

Cả nước hiện có gần 9.000 chợ, 800 siêu thị và hơn 1 triệu các cửa hàng nhỏ theo hộ gia đình cá nhân, theo một báo cáo của chính phủ vào tháng 6. Chi tiêu tại các cửa hàng bán lẻ và các trung tâm mua sắm dự kiến ​​sẽ tăng lên 40% vào năm 2020, so với mức 25% hiện nay, báo cáo cho biết..

Takashimaya -  một trong những Trung tâm thương mại có lịch sử hình thành lâu đời nhất tại Nhật Bản sẽ chính thức khai trương trung tâm thương mại rộng 15.000 mét vuông trong tháng này tại Saigon Center, TP.HCM, phát ngôn viên Hironobu Hanai cho biết.

Trung tâm mua sắm Takashimaya tại Nhật Bản.

Takashimaya đã đầu tư khoảng 5 tỷ yên (47 triệu USD) vào Việt Nam kể từ năm 2012, dưới hình thức các cửa hàng mới và bất động sản khác, ông Hanai cho hay.

Trong khi đó, chuỗi cửa hàng tiện lợi Nhật Bản được cho là thành công nhất trong lịch sử thế giới 7-Eleven dự kiến sẽ có mặt tại Việt Nam vào năm 2017 theo thỏa thuận nhượng quyền thương mại được ký kết giữa Công ty & I Holdings (Mỹ) và công ty Seven System Việt Nam (chủ chuỗi cửa hàng Pizza Hut tại Việt Nam).

Một cửa hàng 7-Eleven tại Nhật Bản.

7-Eleven là chuỗi cửa hàng tiện lợi nổi tiếng bậc nhất thế giới với khoảng 38.000 cửa hàng ở bên ngoài Nhật Bản. Tại Đông Nam Á, 7-Eleven cũng đã "phủ sóng" tới Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore và Indonesia.

Không chỉ các nhà bán lẻ Nhật Bản, tập đoàn Lotte của Hàn Quốc cũng nhắm mục tiêu mở 60 siêu thị tại Việt Nam vào năm 2020, trong khi TCC Holding của Thái Lan đã mua hệ thống siêu thị Metro và tiến hành việc kinh doanh tại Việt Nam.

Tập đoàn trong nước - Vingroup cũng đặt mục tiêu mở thêm 500 siêu thị và 8.000 cửa hàng tiện lợi VinMart và VinMart +  trong 5 năm tới.

Thế giới Di động, nhà bán lẻ điện thoại di động hàng đầu của Việt Nam, cũng khởi động kế hoạch kinh doanh các cửa hàng tạp hóa trong năm tới. Phân khúc mới này dự kiến ​​sẽ tăng nhanh hơn nhiều so với kinh doanh bán lẻ điện thoại di động và điện tử tiêu dùng, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

"Đây là thị trường rất lớn. Trung bình 2 năm người tiêu dùng sẽ thay đổi điện thoại di động trong khi họ phải mua thực phẩm tươi sống và thịt cá hàng ngày", ông Tài nói. "Mười năm trước đây, bạn sẽ thấy các bà các mẹ xách túi đi chợ để mua thức ăn mỗi buổi sáng, tuy nhiên hình ảnh này có thể sẽ không còn được nhìn thấy trong tương lai. Đây là những gì mà chúng ta gọi là "thay đổi thế hệ", người đứng đầu Thế giới Di động cho biết.

Tin mới lên