Tài chính

Các địa phương không muốn 'buông' doanh nghiệp công ích

(VNF) - Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích (nước sạch, thoát nước, chiếu sáng đô thị, công viên cây xanh...) không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Tuy nhiên, các địa phương đều đề xuất được nắm giữ cổ phần trên 50% hoặc trên 65% tại doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá.

Các địa phương không muốn 'buông' doanh nghiệp công ích

Các địa phương không muốn 'buông' doanh nghiệp công ích

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa qua đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh, sửa đổi danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2016 2020.

Bộ này cho hay, tổng hợp các kiến nghị điều chỉnh tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, các Bộ, địa phương phần lớn đề xuất điều chỉnh tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, cung cấp nước sạch, thoát nước, chiếu sáng đô thị, công viên cây xanh hoặc doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương...

Theo quy định tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Tuy nhiên, các địa phương đều đề xuất được nắm giữ cổ phần trên 50% hoặc trên 65% tại doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá.
 
Lấy lý do các doanh nghiệp này hoạt động chủ yếu thuộc lĩnh vực công ích, an sinh xã hội và có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, do đó để đảm bảo các Bộ, địa phương có thể hoàn thành cổ phần hoá theo kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng trước mắt có thể xem xét, chấp thuận đề xuất của các Bộ, địa phương để nhà nước nắm giữ chi phối (trên 50% đến dưới 65%) tại doanh nghiệp khi thực hiện chào bán cổ phần lần đầu (IPO), tuy nhiên không chấp thuận đối với đề xuất thay đổi tỷ lệ Nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp trên 65%.

Về kiến nghị thay đổi phương án sắp xếp doanh nghiệp, trong số 6 doanh nghiệp kiến nghị thay đổi phương án sắp xếp thì đã có doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dừng cổ phần hóa để thực phương án sắp xếp khác (Tổng công ty Thuốc lá - Công ty mẹ , Công ty TNHH một thành viên Điện ảnh Hà Nội).

Đối với kiến nghị dừng cổ phần hóa Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC, tiền thân là Vinashin), Công ty TNHH một thành viên Phát triển hạ tầng Khu Công nghiệp Chu Lai, Công ty TNHH một thành viên Phát triển khu công nghệ cao Hòa Lạc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất với kiến nghị của Bộ, địa phương.

Đối với đề xuất của UBND TP. HCM về việc dừng cổ phần hóa Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP. HCM tiếp tục thực hiện cổ phần hóa tổng công ty này theo kế hoạch, trong đó Nhà nước nắm cổ phần chi phối (trên 50%).

Về chuyển quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp từ Bộ về SCIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tự thống nhất với kiến nghị của Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông về việc chuyển giao 2 doanh nghiệp thuộc các Bộ này sang SCIC theo đúng quy định, gồm Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC và Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện.

Văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, hầu hết các Bộ , địa phương đều cho rằng việc chậm hoàn thành cổ phần hoá gặp vướng mắc chủ yếu trong thực hiện các quy định về cổ phần hoá doanh nghiệp 100% vốn nhà nước như: phải có phê duyệt phương án sử dụng đất do địa phương phê duyệt (quá trình này thường rất mất thời gian mới ban hành được quyết định cổ phần hoá); việc xác định giá trị doanh nghiệp còn nhiều nội dung chưa rõ để có căn cứ thực hiện.

"Do vậy, hầu hết các Bộ, địa phương đều đề xuất được tiếp tục thực hiện cổ phần hoá để đảm bảo hoàn thành trong giai đoạn 2019 - 2020 mà không tách thành từng năm 2019 hoặc năm 2020 như quy định tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN", văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trường hợp Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề xuất, kiến nghị của các Bộ, địa phương nêu trên, Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hoá giai đoạn 2019 - 2020.

Tin mới lên