Bất động sản

Các dự án đường sắt đô thị vẫn 'đói vốn'

(VNF) – "Về các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM, hiện nay các dự án đều gặp vấn đề rất lớn đó là khả năng cân đối nguồn lực đầu tư và áp lực nợ công", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ đầu xuân Mậu Tuất năm 2018.

Các dự án đường sắt đô thị vẫn 'đói vốn'

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể

Trao đổi với báo chí đầu xuân Mậu Tuất, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã có những chia sẻ đáng chú ý về những "mảng tối" ngành giao thông vận tải những năm qua và hướng điều hành thời gian tới.

Về các dự án BOT, Bộ trưởng Thể cho biết, Bộ GTVT đã phối hợp với địa phương rà soát về trạm thu giá (vị trí, mức giá) và nhận thấy cơ bản các trạm thu giá đều trong phạm vi dự án tuân thủ quy định hiện hành; có 3 trạm ngoài phạm vi dự án BOT (trước đây là những trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước) do lịch sử để lại, mặc dù tại thời điểm xây dựng trạm được thực hiện đúng quy định pháp luật, tuy nhiên khi đối chiếu với quy định hiện nay không còn phù hợp, dẫn đến có một số ý kiến phản đối từ người dân.

"Để hạn chế tối đa ảnh hưởng đối với người dân trong khu vực trạm thu giá, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với các địa phương và nhà đầu tư rà soát, đề xuất phương án xử lý tại các trạm, theo hướng có chính sách giảm cho các phương tiện của người dân sinh sống trong phạm vi lân cận trạm thu giá và các luồng xe theo tuyến cố định đi qua trạm nhưng sử dụng quãng đường BOT ngắn", Bộ trưởng cho hay.

Về các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM, Bộ trưởng Thể chia sẻ, hiện nay các dự án đều gặp vấn đề rất lớn đó là khả năng cân đối nguồn lực đầu tư và áp lực nợ công. Đối với các dự án đang triển khai, việc không bố trí kịp thời vốn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án; giảm hiệu quả kinh tế-xã hội các dự án do chậm đưa dự án vào khai thác…

"Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và UBND TP. Hà Nội, UBND TPHCM giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án", Bộ trưởng khẳng định.

Với ngành đường sắt, có thể điểm qua một số khó khăn, thách thức chính như kết cấu hạ tầng, phương tiện yếu kém, lạc hậu; khả năng kết nối với các loại hình vận tải khác chưa cao…

Trong thời gian tới, người đứng đầu Bộ GTVT cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện Đề án tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ; rà soát, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải; sửa chữa, mua sắm đầu máy toa xe; tăng cường công tác bảo trì kết cấu hạ tầng và tích cực phối hợp với các địa phương có đường sắt đi qua để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt đồng thời chủ động báo cáo Chính phủ, Quốc hội cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư để thực hiện cải tạo, từng bước nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội-TPHCM hiện có.

Đối với hướng đi cho ngành hàng không, Bộ GTVT tiếp tục tăng cường nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an ninh, an toàn trong đó đẩy mạnh việc đầu tư cải tạo, mở rộng các Cảng hành không quốc tế quan trọng như: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cát Bi; đầu tư xây dựng mới cảng hàng không quốc tế Long Thành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến giai đoạn năm 2030.

"Ngoài ra, toàn ngành GTVT sẽ tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu các phương thức vận tải để giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam; phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành liên quan hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư BOT theo hướng hài hoà lợi ích giữa người dân, nhà đầu tư và Nhà nước để đây sẽ tiếp tục là kênh huy động vốn quan trọng để phát triển hạ tầng trong điều kiện hiện nay cũng như trong tương lai", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Chia sẻ quan điểm về "cuộc chiến" giữa taxi công nghệ (Grab, Uber) và taxi truyền thống, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, việc ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách và tạo thuận lợi cho hành khách được hưởng dịch vụ tốt nhất đã, đang và sẽ là xu thế tất yếu và ngành GTVT đã đẩy mạnh việc áp dụng tổ chức quản lý, điều hành, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin.

"Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục thúc đẩy việc đưa ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực khác nhau để tăng tính minh bạch, hiệu quả, giảm chi phí thời gian cũng như tiền bạc cho doanh nghiệp và người dân", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về việc triển khai thực hiện và sơ bộ kết quả thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, Bộ GTVT đang phối hợp các bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng hành lang pháp lý để đảm bảo việc quản lý của Nhà nước cũng như hài hoà lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

"Trên thực tế, việc thí điểm thay hợp đồng giấy bằng hợp đồng điện tử là phù hợp với quy định về các giao kết thông qua hợp đồng, qua đó đưa hoạt động kết nối dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin vào nề nếp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân về thời gian và chi phí giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như đơn vị vận tải trong cung ứng dịch vụ vận chuyển của xe hợp đồng, thúc đẩy sự đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, Bộ trưởng Thể nêu quan điểm.

Tin mới lên