Tài chính quốc tế

Các hãng công nghệ lớn đều đang theo sát Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, vì sao?

(VNF) – Vượt ra khỏi câu chuyện địa chính trị, Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều còn có ý nghĩa rất quan trọng với các công ty công nghệ Hàn Quốc và các nhà đầu tư của họ. Thậm chí, cả những hãng công nghệ không thuộc bán đảo Triều Tiên cũng đang theo dõi sát sao diễn biến hội nghị, trong đó có những người đang nắm giữ cổ phiếu của Apple, Sony.

Các hãng công nghệ lớn đều đang theo sát Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, vì sao?

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều được các hãng công nghệ hết sức quan tâm

Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc đang đứng trước một dấu mốc lịch sử. Cuộc gặp song phương giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In hôm nay (27/4) là cuộc gặp lần thứ ba giữa các nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên.

Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần này sẽ thúc đẩy cuộc gặp giữa ông Kim Jong-un với Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5/2018. Đây là một sự kiện vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với người Hàn Quốc.

Nhưng vượt ra khỏi câu chuyện địa chính trị, Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều còn có ý nghĩa rất quan trọng với các công ty công nghệ Hàn Quốc và các nhà đầu tư của họ. Thậm chí, cả những hãng công nghệ không thuộc bán đảo Triều Tiên, trong đó có những người đang nắm giữ cổ phiếu của Apple, Sony. Vì sao lại như vậy?

Một lý do vô cùng quan trọng khiến các công ty công nghệ và nhà đầu tư trên thế giới theo sát tiến trình song phương giữa ông Kim và Tổng thống Moon là vì Hàn Quốc có vai trò rất lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hai nhà sản xuất màn hình phẳng lớn nhất thế giới đều ở Hàn Quốc. Samsung Electronics của Hàn Quốc cũng là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, dẫn đầu về sản xuất chip bộ nhớ.

Các công ty lớn như Apple và Sony đều nhập khẩu linh kiện từ Hàn Quốc. Nếu có bất cứ điều gì làm gián đoạn nguồn cung cấp đó, lập tức nền kinh tế toàn cầu sẽ "gợn sóng".

Nguyên nhân thứ hai là do các nhà máy sản xuất màn hình phẳng của Hàn Quốc đều gần biên giới. Thành phố Paju của Hàn Quốc - nơi cách biên giới khoảng 22 km (12 dặm) là một trung tâm sản xuất chính cho LG và nhiều công ty khác.

Nhờ có LG mà Paju trở thành trung tâm sản xuất màn hình phẳng TV lớn nhất thế giới. Khoảng 80% màn hình phẳng cỡ lớn được sản xuất tại khu liên hợp LG. Năm 2015, LG đã công bố kế hoạch đầu tư thêm 9 tỷ USD để xây dựng một nhà máy mới tại Paju.

Mặc dù lịch sử cũng đã chứng minh nền kinh tế Hàn Quốc gần như đã "miễn dịch" với những lo ngại về an ninh đến từ Triều Tiên.

Tuy nhiên, nếu căng thẳng địa chính trị trên bán đảo Triều Tiên được xoa dịu thì Hàn Quốc có thể sẽ thu hút được thêm các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, Triều Tiên cũng được hưởng lợi từ xu hướng này.

Vào năm 2015, Viện Chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc, một tổ chức nghiên cứu của chính phủ, ước tính rằng nếu 2 miền Triều Tiên được thống nhất thì có thể tạo ra một nền kinh tế trị giá 8,7 nghìn tỷ USD vào năm 2055, gấp 1,7 lần quy mô dự kiến của Hàn Quốc.

Các nhà phân tích dự đoán rằng Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần này có thể chưa đạt được thỏa thuận thống nhất 2 miền Triều Tiên, nhưng việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên có thể đạt được.

Nếu 2 bên đạt được thỏa thuận phi hạt nhân như dự đoán, thì đây sẽ là tin vui đối với các hãng công nghệ trên toàn cầu.

Tin mới lên