Thị trường

Các hãng hàng không 'chung sức' chống dịch thế nào?

(VNF) - Bất chấp tình hình kinh doanh giảm sút, lỗ sâu nhưng các hãng hàng không đã thể hiện lòng yêu nước cùng chung tay đẩy lùi đại dịch Covid -19. Đã có hàng trăm chuyến bay miễn phí chở thiết bị y tế, bác sỹ, quân đội, người dân... được thực hiện.

Các hãng hàng không 'chung sức' chống dịch thế nào?

Mới đây nhất, ngày 23/8, Vietnam Airlines công bố, liên tiếp huy động các tàu bay thân rộng như Boeing 787, Airbus A350, những dòng tàu bay có sức tải lớn nhất Việt Nam để vận chuyển 700 sinh viên, giảng viên Cao đẳng Y tế Bạch Mai đã vào Tp HCM.

Đây là lực lượng trong số 1.300 sinh viên, giảng viên của Cao đẳng Y tế Bạch Mai sẽ được Vietnam Airlines vận chuyển vào miền Nam.

Trước đó, hãng đã thực hiện hàng chục chuyến bay vận chuyển hơn 5.200 y bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế, hậu cần và quân y. Đồng thời, hãng cũng vận chuyển miễn cước hơn 200 tấn hành lý, hàng hóa y tế, bao gồm hàng triệu liều vắc xin, bộ xét nghiệm, trang phục bảo hộ y tế, máy thở, máy soi chiếu, máy lọc máu…

Ngoài ra, trong suốt 2 năm qua, Vietnam Airlines đã thực hiện hàng chục chuyến bay "giải cứu" hàng nghìn công dân Việt Nam từ nước ngoài hồi hương.

Tiếp nối Vietnam Airlines, Hãng hàng không Bamboo Airways của tỷ phú Trịnh Văn Quyết cũng có hàng chục chuyến bay vận chuyển miễn phí hoặc giảm giá thấp để hỗ trợ chống dịch.

Mới đây nhất là việc vận chuyển 192 công dân Bình Định từ  TP.HCM về quê đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Phù Cát (Bình Định). Hầu hết hành khách trên chuyến bay đặc biệt là những công dân Bình Định già yếu, neo đơn, bệnh tật, phụ nữ mang thai, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,… do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đang sinh sống, học tập, làm việc ở TP.HCM, đang có nguyện vọng về quê.

Như vậy, sau 7 chuyến bay, Bamboo Airways đã vận chuyển hơn 1.300 người dân Bình Định từ TPHCM và các tỉnh thành phía Nam về quê an toàn và trật tự. Nhiều chuyến bay kế tiếp đang được lên kế hoạch, dự kiến đưa tổng số gần 2.000 công dân Bình Định trở về quê.

Toàn bộ chi phí di chuyển, vé máy bay, cách ly, sinh hoạt… trong thời gian cách ly tập trung được UBND tỉnh Bình Định và Bamboo Airways tài trợ.

Ngoài ra, Bamboo Airways cũng thực hiện 2 chuyến bay miễn phí đầu tiên đưa bà con Quảng Bình từ TP HCM và các tỉnh phía Nam về quê trong đợt dịch lần thứ 4.

Đây là chuỗi chuyến bay chuyên cơ đặc biệt mà Bamboo Airways liên tục triển khai từ tháng 6/2021, chuyên chở các công dân yếu thế từ các tỉnh thành phía Nam trở về quê hương theo kế hoạch của UBND các tỉnh, đưa đoàn y bác sĩ, nhân viên y tế, nhà hoạt động thiện nguyện.., cùng hàng hóa, vật phẩm chi viện cho tuyến đầu chống dịch…

Đối với Hãng hàng không Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, đơn vị này cũng vừa thực hiện 5 chuyến bay miễn phí chở hàng trăm cán bộ, nhân viên quân y từ Hà Nội vào TP.HCM hỗ trợ phòng chống dịch.

Trước đó, Vietjet cũng đã thực hiện nhiều chuyến bay miễn phí tiếp nhận hàng cứu trợ là vật tư, trang thiết bị y tế từ các tổ chức, doanh nghiệp và bạn bè các nước châu Âu ủng hộ Việt Nam phòng chống dịch COVID-19. 

Theo ghi nhận của VietnamFinance, Vietjet đã vận chuyển hàng trăm tấn trang thiết bị y tế, hơn 3.000 y bác sĩ và hàng triệu liều vaccine đến các địa phương.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ đối với các doanh nghiệp về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air cũng "hiến kế" xã hội hoá công tác chống dịch, giảm ngân sách chính phủ.

Hàng không "ngóng" các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ

Hiện tại, các hãng hàng không đều chung sức cùng thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với đất nước, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận hiện tại, ngành hàng không đang loay hoay trong cơn bĩ cực.

Nếu không được sự hỗ trợ cần thiết từ Chính phủ, các hãng hàng không sẽ rất khó khăn, đặc biệt là hàng không tư nhân. Vì thế, Hiệp hội hàng không Việt Nam đã thống nhất kiến nghị Chính phủ và Quốc hội một số các giải pháp hỗ trợ như sau:

Đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo Ngân hàng nhà nước (NHNN) sửa đổi, kéo thời hạn giãn, hoãn, cơ cấu nợ quy định tại Thông tư 03 (có thể đến năm 2022 theo diễn biến của dịch và khi nước ta đạt miễn dịch cộng đồng).

Bởi cơ cấu nợ theo Thông tư 03 của NHNN đã hết hạn, thời điểm cơ cấu cũng không phù hợp với những khoản vay sau ngày 10/6. Nếu không tiếp tục cơ cấu, các khoản nợ này sẽ chuyển thành nợ xấu. Không những khó khăn vì tình hình Covid bủa vây, các hãng hàng không lại tiếp tục khó khăn vì bị nhóm nợ xấu, không được cơ cấu, trả nợ kịp thời và phân loại sai nhóm nợ.

Đề nghị Chính phủ và Quốc hội ban hành Nghị quyết cho hãng hàng không tư nhân vay lãi suất 0% để tăng vốn điều lệ như đã thực hiện với Vietnam Airlines (gói 4.000 tỷ vay tối đa 3 năm).

Đề nghị Chính phủ phê duyệt gói vay 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không như đề xuất từ tháng 10/2020 của Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không việt Nam. 

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép ngân hàng cho các hãng hàng không vay dù chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện ngặt nghèo hiện nay. Ngân hàng thương mại và hãng hàng không được chủ động bàn, thỏa thuận về vốn vay, lãi vay, điều kiện tài sản bảo đảm, phương án đầu tư, sử dụng vốn… nhưng lãi suất bằng hoặc thấp hơn mặt bằng chung của thị trường. Mục đích là nhằm giúp các hãng hàng không hồi phục, bật dậy sau dịch.  

Nợ ngắn hạn hàng không lên tới 36.000 tỷ đồng

Trước đó, tại toạ đàm về Giải pháp cấp bách để "giữ cánh" cho hàng không Việt, số liệu cho thấy chỉ riêng tháng 5 và tháng 6 năm 2021, doanh thu ngành hàng không Việt Nam giảm gần 90% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm gần 100% so với năm 2019.

Trong khi để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng phải chi trên 100 tỉ đồng/ngày.

Tính tới tháng 6/2021, nợ ngắn hạn của 3 hãng hàng không (Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo airways) ước tính lên tới 36.000 tỉ đồng.

Theo nhiều chuyên gia, với các hãng hàng không tư nhân, việc tiếp nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng thương mại và giải pháp tài chính khác vào lúc này đều khó khả thi nếu không có một cơ chế đặc biệt.

 

Tin mới lên