Ngân hàng

Các ngân hàng chuẩn bị như nào cho lộ trình áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) tại Việt Nam

(VNF) - Ngày 15/1/2021, tại hội sở Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã diễn ra lễ khởi động dự án “Triển khai nghiệp vụ và hệ thống cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính theo Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế số 9 (IFRS-9)” với 2 đối tác Ernst & Young Vietnam Limited (E&Y) và Wolters Kluwer Finance, Hà Lan (WK).

Các ngân hàng chuẩn bị như nào cho lộ trình áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) tại Việt Nam

TPBank đã lựa chọn các nhà tư vấn: E&Y và WK - những công ty hàng đầu thế giới về cung cấp các dịch vụ tư vấn và giải pháp công nghệ thông tin trong các lĩnh vực kiểm toán, thuế và kế toán, quản trị rủi ro và tuân thủ để cùng triển khai dự án.

Không chậm trễ trong việc triển khai, ngay tại giai đoạn chuẩn bị 2020-2021 theo lộ trình áp dụng được quy định tại Quyết định số 345/QĐ-BTC ngày 16/3/2020 của Bộ Tài chính phê duyệt đề án áp dụng IFRS tại Việt Nam, TPBank đã khẩn trương tiến hành các công tác nghiên cứu, chuẩn bị nguồn nhân lực và hệ thống công nghệ thông tin để thực hiện dự án triển khai nghiệp vụ và hệ thống cho việc lập, trình bày báo cáo tài chính theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế số 9 (IFRS-9).

TPBank đã lựa chọn các nhà tư vấn: E&Y và WK - những công ty hàng đầu thế giới về cung cấp các dịch vụ tư vấn và giải pháp công nghệ thông tin trong các lĩnh vực kiểm toán, thuế và kế toán, quản trị rủi ro và tuân thủ… cùng triển khai dự án.

Đối với việc thực hiện dự án, TPBank đã lường trước được các khó khăn sẽ gặp phải như việc đối mặt với các tác động lớn tới các chỉ số quan trọng như giảm chỉ tiêu lợi nhuận, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) … do tăng chi phí trích lập dự phòng theo mô hình tổn thất tín dụng dự kiến (ECL) gây những áp lực không nhỏ lên công tác quản lý bộ chỉ số tài chính của ngân hàng.

Đồng thời TPBank sẽ phải giải quyết các bài toán về chi phí đầu tư lớn cho dự án, đặc biệt cho hệ thống công nghệ thông tin, công tác thu thập và xử lý dữ liệu, công tác xây dựng và chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ cũng như các chi phí cho việc tuyển dụng, đào tạo và duy trì nhân sự có năng lực đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng.

Phát biểu tại buổi lễ ký kết hợp tác triển khai dự án IFRS-9, ông Nguyễn Hưng – Tổng giám đốc TPBank, cho biết: “Đối với chúng tôi, những nỗ lực sẽ phải bỏ ra để vượt qua các thách thức này là xứng đáng, bởi lợi ích đem lại cho ngân hàng vô cùng lớn. Bên cạnh việc nâng cao công tác quản trị rủi ro và quản trị tài chính cho hoạt động của ngân hàng, sự minh bạch và lành mạnh của thông tin báo cáo tài chính khi áp dụng các chuẩn mực quốc tế sẽ giúp nâng cao uy tín và vị thế của TPBank trên thị trường quốc tế cũng như tại thị trường trong nước.”

“Chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm và ưu tiên của TPBank – một ngân hàng luôn đi đầu trong chuyển đối số và hội nhập với các tiêu chuẩn quốc tế - đối với dự án này. Với kinh nghiệm tư vấn cho các ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam cùng sự quyết tâm cao của ngân hàng, chúng tôi tin tưởng dự án sẽ thành công tốt đẹp,” bà Nguyễn Thùy Dương – Phó tổng giám đốc E&Y, khẳng định.

Giám đốc điều hành Wolters Kluwer FRR khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Rainer Fuchsluger bày tỏ sự vui mừng của WK khi TPBank lựa chọn giải pháp của mình: “Chúng tôi rất vui mừng khi TPBank, một trong những ngân hàng hàng đầu của Việt Nam, đã lựa chọn của chúng tôi là đối tác cung cấp giải pháp triển khai IFRS-9, điều này đã góp phần củng cố uy tín của chúng tôi tại thị trường Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng giải pháp OneSumX của chúng tôi sẽ đáp ứng được yêu cầu về công nghệ dẫn đầu thị trường của TPBank”.

Kết thúc buổi lễ, ông Nguyễn Hưng chia sẻ với các thành viên tham dự về tầm nhìn của ngân hàng thông qua việc khẳng định TPBank sẽ không dừng lại ở mục tiêu hoàn thành dự án IFRS9 mà trên nền tảng đó sẽ tiếp tục phát triển các năng lực cao về quản trị rủi ro và tài chính tại ngân hàng với mục tiêu luôn là một trong những ngân hàng đi đầu trong việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế cao nhất tại Việt Nam, như hướng tới việc đạt các tiêu chuẩn Basel III, sử dụng các mô hình lợi nhuận trên vốn đã điều chỉnh rủi ro (RAROC), đồng thời nâng cao công tác quản lý và phân bổ chi phí nhằm tối ưu hóa vốn của ngân hàng…

Đây cũng là cơ sở quan trọng giúp TPBank củng cố uy tín, tăng mức độ tín nhiệm của mình đối với khách hàng, đối tác và đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, đảm bảo hoạt động kinh doanh của ngân hàng luôn được kiểm soát một cách chủ động, minh bạch, an toàn và bền vững.

Tin mới lên