Ngân hàng

Các ngân hàng nói gì về áp lực tăng lãi suất?

(VNF) – Ngân hàng Nhà nước cùng 21 ngân hàng thương mại vừa nhóm họp đánh giá tình hình lãi suất của quý I/2017 và xu hướng lãi suất năm 2017.

Các ngân hàng nói gì về áp lực tăng lãi suất?

NHNN cùng 21 NHTM vừa nhóm họp bàn về tình hình lãi suất

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng vừa có cuộc họp với các ngân hàng thương mại (NHTM) nhằm đánh giá tình hình lãi suất của quý I/2017, xu hướng lãi suất năm 2017. Đại diện lãnh đạo một số Vụ, Cục chức năng của NHNN và đại diện lãnh đạo 21 NHTM đã tham dự cuộc họp.

Theo thống kê từ Vụ Chính sách tiền tệ, đến ngày 30/3/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,52%, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 4,03% so với đầu năm.

Vụ Chính sách tiền tệ đánh giá, mặt bằng lãi suất tiếp tục diễn biến ổn định, một vài NHTM cổ phần nhỏ điều chỉnh tăng lãi suất huy động, tuy nhiên chủ yếu mang tính cục bộ, tạm thời trong thời gian ngắn với mức tăng không lớn, chủ yếu áp dụng cho các kỳ hạn dài và một số đối tượng khách hàng; ngay sau đó lại điều chỉnh giảm phù hợp với cung-cầu thị trường. Khối NHTM nhà nước và cổ phần lớn vẫn giữ ổn định lãi suất, đồng thời vẫn có các ngân hàng điều chỉnh giảm nên về cơ bản mặt bằng lãi suất thị trường vẫn ổn định. Mặt bằng lãi suất cho vay chưa chịu sức ép tăng và vẫn tương đối ổn định.

Trao đổi tại cuộc họp, các ngân hàng đều đồng thuận với những đánh giá của NHNN và cho rằng không có áp lực về vấn đề lãi suất. Nhóm ngân hàng TMCP nhà nước như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank đều không có điều chỉnh lãi suất kể từ cuối năm 2016 đến nay.

Ông Lê Đức Thọ - Tổng Giám đốc VietinBank cho biết: "Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của VietinBank kể cả cho vay bằng USD hiện duy trì ổn định. Mức lãi suất huy động VND duy trì từ tháng 9/2016 đến nay không tăng, thời gian tới VietinBank tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất".

Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, ông Phạm Thanh Hà cũng cho biết, Vietcombank hiện duy trì mức lãi suất cho vay thấp nhất 6,5%/năm đối với một số lĩnh vực, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của ngân hàng hiện thấp hơn 30%.

"Chúng tôi không có áp lực huy động vốn cho trung và dài hạn thêm nữa" - ông Hà nói.

Một số ngân hàng TMCP như Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Quân đội(MB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội(SHB), ngân hàng TMCP Tiên Phong(TPBank)… thời gian qua không có điều chỉnh về lãi suất và cũng thống nhất cho rằng không có áp lực về vấn đề lãi suất.

Đại diện lãnh đạo SHB, bà Ngô Thu Hà - Phó Tổng Giám đốc cho biết: "Lãi suất cho vay của SHB thực hiện theo các chủ trương như tham gia các chương trình cho vay lãi suất đồng hành cùng doanh nghiệp và các chương trình cho vay ngắn hạn; lãi suất cho các chương trình được Chính phủ ưu tiên phát triển với các mức lãi suất hỗ trợ; đặc biệt SHB có những có những chương trình cho vay ưu đãi đối với nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu... Các tỷ lệ hoạt động và hoạt động kinh doanh của SHB đến cuối tháng 3/2017 phát triển bình thường, đạt các mục tiêu mà ngân hàng đề ra trong quý I/2017".

Đại diện lãnh đạo Techcombank, ông Đỗ Tuấn Anh - Phó Chủ tịch HĐQT cũng chia sẻ thêm: "Lãi suất của Techcombank hiện nay vẫn ở mức ổn định, không có kế hoạch tăng hoặc điều chỉnh".

Một số ngân hàng TMCP có biến động nhẹ lãi suất hay phát hành chứng chỉ tiền gửi trong thời gian qua như Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP phát triển nhà TP.HCM (HDBank), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) hay Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương tín (Sacombank)…cũng cho rằng việc tăng nhẹ lãi suất ở một vài kỳ hạn chỉ là hoạt động bình thường của các ngân hàng nhằm phục vụ mục tiêu hoạt động, điều hành chứ không có áp lực về thanh khoản hay vấn đề lãi suất.

Ông Phạm Quốc Thanh - Phó Tổng Giám đốc HDBank cho biết thêm , các chỉ số tăng trưởng và huy động của HD Bank hiện vẫn tốt. Trong quý I/2017, HDBank có đợt điều chỉnh nhẹ lãi suất huy động kỳ hạn 6 đến 11 tháng, khoảng 0,2 đến 0,3% so với cuối năm 2016. Còn kỳ hạn dưới 6 tháng và trên 12 tháng HDBank không có điều chỉnh. Việc làm này thực chất là điều chỉnh chung so với mặt bằng lãi suất trên thị trường để bảo vệ thị phần của mình chứ không bị áp lực về thanh khoản.

Cũng tại buổi họp, ông Ân Thanh Sơn- Phó Tổng Giám đốc VIB cho biết, trong thời gian vừa qua VIB có 1 lần điều chỉnh lãi suất với kỳ hạn dài từ 12 tháng với mức điều chỉnh 0,3%/năm. Lý do điều chỉnh là vì từ trước đến nay VIB luôn ở trong nhóm lãi suất thấp nhất trên thị trường hơn nữa trong chiến lược phát triển của ngân hàng bán lẻ cũng như tuân thủ điều lệ nguồn vốn, huy động vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chuẩn bị cho năm 2018 giảm xuống 40%.

Mặt khác, theo ông Sơn, do các điều kiện khách quan trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế có nhiều biến động, truyền thông đưa tin về việc tăng lãi suất huy động vốn cũng như là lãi suất tiền gửi và siêu lãi suất,…ông cho đó là vấn đề tâm lý mà thôi chứ còn về bản chất VIB cũng phân tích và nhận định thị trường thì động thái tăng lãi suất chỉ là những điều chỉnh trong hoạt động bình thường của Ngân hàng.

Tổng kết ý kiến của các ngân hàng tại buổi họp, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá "như vậy là thị trường không có nhiều biến động", chúng ta cần có những đánh giá thực tế để có cơ sở định hướng cho hoạt động điều hành thời gian tới.

Phó Thống đốc nhấn mạnh: "Về lãi suất, trong định hướng điều hành từ đầu năm, Thống đốc cũng đưa ra mục tiêu là làm sao ổn định được mặt bằng lãi suất, phấn đấu nếu có điều kiện thì giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Tôi xin khẳng định, Thống đốc vẫn chủ trương điều hành như vậy."

Kết thúc buổi họp, thay mặt Thống đốc, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị các TCTD tiếp tục cân đối vốn hợp lý; cải thiện chỉ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn; các TCTD không nhất thiết phải dựa vào huy động mà có thể cải thiện ở tài sản có; thay đổi cơ cấu tín dụng; giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, thực hiện nghiêm các quy định của NHNN.

Tin mới lên