Ngân hàng

Các ngân hàng 'vị thành niên' làm ăn ra sao?

Phải từ trước khủng hoàng tài chính 2008, thị trường chứng khoán Việt Nam mới trở nên đặc biệt sôi động và hào hứng với cổ phiếu ngân hàng đến vậy. Thị giá cổ phiếu một số ngân hàng hàng đầu tăng theo cấp số nhân trong một năm trở lại, phản ánh thực trạng kinh doanh khởi sắc của ngành buôn tiền trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng ổn định, nhu cầu tín dụng cao.

Các ngân hàng 'vị thành niên' làm ăn ra sao?

Năm 2018 được đánh giá là rất quan trọng đối với các ngân hàng thương mại.

Tăng trưởng thần tốc

Danh sách 30 ngân hàng thương mại của Việt Nam (không tính các ngân hàng chính sách và ngân hàng 0 đồng) có thể chia làm 5 nhóm xét theo quy mô vốn điều lệ, gồm nhóm 1: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, nhóm 2: VPBank, Sacombank, SCB, Maritimebank, ACB, MBB, Eximbank; nhóm 3 gồm các ngân hàng có vốn trên dưới 10.000 tỷ (Techcombank, HDBank, SHB, Eximbank, PVCombank), nhóm 4 có vốn trên dưới 5.000 tỷ đồng (LienVietPostBank, SeABank, OCB, BacABank, VIB, TPBank, và ABBank), và nhóm 5 gồm các ngân hàng siêu nhỏ, có vốn xấp xỉ mức pháp định 3.000 tỷ đồng (Saigonbank, PGBank, Kienlongbank, VietBank, NamABank, NCB, Baoviet Bank).

Trước đây, các ngân hàng lớn với lợi thế về quy mô có hiệu quả kinh doanh rõ rệt nhất (xét theo tỷ lệ lợi nhuận trên vốn), các nhà băng nhỏ hơn khó cạnh tranh, cùng một số vấn đề nội tại khiến họ không dễ dàng trong việc tìm kiếm lợi nhuận, khoản lãi vài chục tỷ hàng năm có khi chỉ là hình thức.

Năm 2017, trong khi vế đầu tiên của mệnh đề trên vẫn đúng, thì vế thứ hai đã không còn phù hợp, khi các ngân hàng của nhóm thứ 3 và 4 đang vươn lên mạnh mẽ (nhóm 5 vẫn hoạt động khá èo uột).

Bài viết này sẽ phân tích kết quả kinh doanh của 7 ngân hàng có vốn điều lệ từ 5-6.000 tỷ đồng tính tới cuối năm 2017, gồm Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - vốn 6.460 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB - 5.000 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - 5.466 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB - 5.644 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - 5.842 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank - 5.319 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank - 5.000 tỷ đồng).

Theo thống kê của Nhà Đầu tư, tổng tài sản của nhóm 7 ngân hàng trên tới cuối năm 2017 là 789.073 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm, tổng vốn điều lệ là 38.731 tỷ đồng, tổng vốn huy động là 521.468 tỷ đồng (tăng 18%), tín dụng tăng 24% lên 456.319 tỷ đồng. Về kết quả kinh doanh, dù thu nhập lãi chỉ tăng 30% (lên 47.744 tỷ đồng), song lãi sau thuế tăng tới 88% lên 5.546 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) bình quân là 1.677 đồng.

So sánh một cách dễ hiểu, quy mô của nhóm 7 ngân hàng gộp lại khá tương đồng với Ngân hàng TMCP Ngoại thương (trừ tổng tài sản và lãi sau thuế thấp hơn Vietcombank lần lượt 24% và 39%).

OCB, VIB và TPBank có lẽ là những ngân hàng làm hài lòng cổ đông nhất. Các chỉ tiêu huy động và tín dụng tăng trưởng nhanh tạo tiền đề để các nhà băng này đua nhau báo lãi kỷ lục, OCB là 1.022 tỷ đồng (tăng 111%), VIB tăng 100% lên 1.124 tỷ đồng, TPBank tăng 70,6% lên 964 tỷ đồng.

Hai ngân hàng SeABank và ABBank cũng có thể phần nào yên tâm khi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ở mức khá ấn tượng, lần lượt là 161% và 125%. Tuy nhiên con số tuyệt đối vẫn khá thấp, với SeABank là 305 tỷ đồng, ABBank là 526 tỷ đồng.

Trong khi đó, BacABank dù vẫn tăng trưởng, song biên độ chậm hơn khá nhiều so với các ngân hàng trong danh sách này. Lãi sau thuế tăng 23% lên 237 tỷ đồng, tín dụng và huy động chỉ tăng trưởng từ 5-7%.

Về phần mình, LienVietPostBank với quy mô vốn lớn nhất trong nhóm, cũng là ngân hàng có các chỉ tiêu tuyệt đối cao nhất. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng trong năm vừa qua không quá cao với tổng tài sản tăng 15% lên 163.434 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 1.368 tỷ đồng (tăng 29%).

Năm bản lề 2018

Năm 2018 được đánh giá là rất quan trọng đối với các ngân hàng thương mại. Với nền tảng đã đạt được trong 2017, mục tiêu của 29 ngân hàng lớn nhỏ nói chung là gia tăng nguồn lực, đa dạng hoá hoạt động và đẩy mạnh xử lý nợ xấu.

Đối với nhóm 7 ngân hàng có vốn điều lệ quanh mức 5-6.000 tỷ đồng, nhiệm vụ đặt ra còn nặng nề hơn gấp bội, khi họ buộc phải duy trì và cải thiện thị phần trước cái bóng khổng lồ của các ngân hàng lớn.

Năm 2017, dù tổng tài sản của nhóm 7 ngân hàng này tăng gần 110.000 tỷ đồng, huy động tăng 80.000 tỷ đồng, tín dụng tăng 88.000 tỷ đồng, tuy nhiên tổng vốn điều lệ chỉ tăng thêm vỏn vẹn 1.000 tỷ đồng lên 38.731 tỷ đồng. Ngân hàng duy nhất tăng vốn là OCB (tăng từ 4.000 lên 5.000 tỷ đồng).

Sức ép về vốn để cạnh tranh, mở rộng hoạt động bởi vậy sẽ tiếp tục là vấn đề nóng tại các đại hội cổ đông ngân hàng đang diễn ra. Diễn biến cho thấy các ngân hàng đã chuẩn bị tâm thế cho các đợt tăng vốn với biên độ rất lớn.

SeABank ở đại hội ngày 11/4 đã thông qua tăng vốn từ 5.466 tỷ đồng lên 9.000 tỷ đồng, OCB muốn tăng vốn gấp rưỡi lên 7.500 tỷ đồng, VIB dự định tăng 43,5% vốn lên 8.100 tỷ đồng, TPBank dự kiến tăng 5.550 tỷ đồng lên 6.718 tỷ đồng, BacABank đang hoàn thành tăng vốn lên 5.500 tỷ đồng và kế hoạch tăng thêm 600 tỷ đồng nữa trong năm nay.

Về phần LienVietPostBank, sau khi hoàn tất tăng vốn lên 7.500 tỷ đồng hồi đầu năm, đại hội thường niên cuối tháng 3/2018 tiếp tục thông qua phương án tăng vốn lên 10.368 tỷ đồng. Ngân hàng cuối cùng trong danh sách là ABBank chưa có thông tin vào về việc tăng vốn.

Việc tăng vốn là hết sức cần thiết để duy trì đà tăng trưởng, và để đảm bảo tiêu chuẩn khắt khe về vốn của Basel II. Trong nhóm 7 ngân hàng, có VIB là một trong số 10 đơn vị được NHNN thí điểm áp dụng chuẩn Basel II và đến cuối năm 2018 phải cơ bản đáp ứng được. Các ngân hàng khác cơ bản đến năm 2020 phải có vốn tự có đạt chuẩn Basel II. OCB cuối năm 2017 công bố là ngân hàng Việt đầu tiên áp dụng thành công chuẩn này.

Ngoài ra, nguồn nội lực được tăng cường giúp các ngân hàng mở rộng hoạt động, mua sắm tài sản, nâng cấp phần mềm, đồng thời đa dạng hoá mảng miếng kinh doanh. Báo cáo tài chính cho thấy phần lớn dòng tiền của nhóm 7 ngân hàng bắt nguồn từ nghiệp vụ chính là huy động - cho vay ăn lãi chênh. Các mảng kinh doanh 'màu mỡ' khác như cho vay tài chính, dịch vụ, kinh doanh ngoại hối gần như chưa được chú trọng.

Nếu tập trung vào lĩnh vực chính thì ngân hàng nhỏ về lâu dài rất khó cạnh tranh với nhà băng lớn, vốn có nền tảng uy tín và dòng tiền ổn định, giúp họ duy trì doãn chênh lãi suất (huy động - cho vay) với biên độ rộng hơn và qua đó tạo ra lợi nhuận lớn. Ngân hàng nhỏ cũng phải tiếp nhận các khách hàng 'khó nhằn' hơn so với ngân hàng lớn, đồng nghĩa với nguy cơ nợ xấu cao hơn.

Bên cạnh mảng kinh doanh chính, một số ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh các hoạt động khác và gặt hái được thành công lớn như VPBank, HDBank hay Techcombank.

Nhận thức được vấn đề cốt yếu này, nhiều đơn vị trong nhóm 7 ngân hàng đang cố gắng đa dạng hoá mảng miếng kinh doanh. SeABank muốn thành lập công ty quản lý quỹ và mua lại Công ty Tài chính Bưu điện của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), OCB muốn lập công ty tài chính riêng...

Tin mới lên