Bất động sản

Các nhà đầu tư đang 'nhụt chí' với BOT, nguyên nhân do đâu?

(VNF) - Tại buổi tọa đàm “Khơi nguồn và sử dụng hiệu quả tín dụng BOT giao thông” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 17/12, các doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào các tuyến đường BOT cho biết đang đứng trước nguy cơ “sập sàn” vì thua lỗ, nợ xấu liên tục tăng nhanh.

Các nhà đầu tư đang 'nhụt chí' với BOT, nguyên nhân do đâu?

Các nhà đầu tư đang 'nhụt chí' với BOT, nguyên nhân do đâu?

BOT đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước

TS. Bùi Sỹ Lợi, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định 4 lợi ích và ý nghĩa nổi bật của các dự án BOT giao thông. Đó là làm thay đổi diện mạo hạ tầng ở nhiều địa phương và nhiều vùng kinh tế, các dự án BOT giao thông đã tạo nên sự kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế, rút ngắn thời gian vận chuyển và đi lại qua đó giảm giá thành tăng sức cạnh tranh. Các dự án BOT giao thông cũng đã nâng cao hiệu quả kinh tế và chất lượng cuộc sống cho cả doanh nghiệp, người dân và đất nước.

“BOT đã mang lại những lợi ích tốt đẹp đó. Nhưng từ năm 2016 đến nay không có dự án BOT nào được triển khai đó là điều đáng buồn”, ông Lợi nói.

Đồng quan điểm trên, TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bổ sung thêm rằng các dự án BOT đã giúp kết nối các vùng miền, các khu vực, đặc biệt là các con đường cao tốc vượt qua các trở ngại, những khó khăn để mở ra các cơ hội cho các vùng kinh tế còn khó khăn như vùng sâu, vùng xa.

“Các doanh nghiệp và các địa phương thông qua việc làm giao thông, trong đó có làm BOT thì họ đã xây dựng và tích luỹ lên một lâu đài về kinh nghiệm để triển khai các dự án giao thông, bổ sung vào kinh nghiệm sẵn có và phát triển năng lực giao thông của cả nước”, ông Nhưỡng cho hay.

Các nhà đầu tư đang “nhụt chí” với BOT

Theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ này đang quản lý 61 dự án trong đó có 60 dự án đã đưa vào khai thác nhưng 45 dự án trong đó có doanh thu thấp hơn phương án tài chính. Các doanh nghiệp cho biết ở nhiều dự án doanh thu thực tế giảm tới 50% phương án tài chính.

Chia sẻ về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, Tổng giám đốc Công ty 36 (Bộ Quốc phòng) đã thẳng thắn chỉ ra tình trạng “kẻ ăn không hết người lần không ra” khi mà nhiều dự án BOT như tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ nườm nượp xe qua nhưng có những tuyến đường lên biên giới tới vùng sâu vùng xa thưa thớt xe qua lại rất khó thu phí.

Bên cạnh đó là hành xử của chính quyền một số địa phương đang làm khó cho dự án BOT. Điển hình như tuyến đường BOT đi qua Bình Định tới Gia Lai sang biên giới Lào và Camphuchia.

“Tỉnh Bình Định không đồng ý đặt trạm thu phí trên địa bàn tỉnh này, vì thế vị trí đặt trạm cứ bị đẩy lùi nên chúng tôi phải đặt giữa rừng thông trên địa bàn Gia Lai, tuy nhiên, phương tiện đi lại trên tuyến đường này trong đoạn đi qua tỉnh Bình Định thì tấp nập nhưng lại không mất phí", ông Giáp cho biết.

“Như vậy chúng tôi chỉ thu phí được từ đoạn từ Gia Lai đi lên nhưng bất cấp là lưu lượng phương tiện đi qua đoạn này rất ít. Đã vậy, tỉnh Gia Lai cũng triển khai làm một con đường song song cho đi để tránh trạm thu phí nên phần lớn xe đi qua không thu phí được”, đại diện Tổng giám đốc Công ty 36 thông tin thêm.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Trần Như Hoàng, tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ – An Giang, cho biết theo hợp đồng ký với Bộ Giao thông Vận tải về tuyến BOT này thì công ty có đặt 2 trạm thu phí T1 và T2. Tuy nhiên, do sự phản đối của người dân và mất an ninh trật tự ở trạm T2 nên cơ quan quản lý đã quyết định dừng thu phí ở trạm T2 từ tháng 5/2019.

“Đây là nguyên nhân khiến doanh thu của công ty bị giảm 50%, các phương án tài chính cũng bị phá vỡ hoàn toàn, ông Hoàng cho biết.

Ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư, Bộ Giao thông vận tải nhận định rằng hiện nay có nhiều bất cập về vị trí đặt trạm BOT.

Theo ông Thành, trên tổng thể các dự án của ngành giao thông thì có khoảng 20 dự án bất cập trong vị trí đặt trạm, phía Bộ Giao thông Vận tải cũng đã đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục bất cập tại các trạm BOT trên các tuyến quốc lộ. Đến nay, 14/20 trạm đã được khắc phục, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông đã ổn định. Trong khi đó, 6 trạm bất cập còn lại, do tính chất đặc thù nên việc triển khai các giải pháp xử lý gặp nhiều vướng mắc.

“6 trạm BOT này không có doanh thu và doanh nghiệp vô cùng khó khăn. Bộ Giao thông Vận tải đang cùng Chính phủ nỗ lực để giải quyết vấn đề này", ông Thành cho biết.

Nhà nước cần phải chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, thu hút tư nhân đầu tư hạ tầng giao thông thời gian qua là chủ trương đúng, có đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện có vấn đề, gây mất niềm tin của nhà đầu tư.

Cụ thể, tín dụng cho các dự án hạ tầng giao thông BOT rất đặc thù, thời gian hoàn vốn kéo dài nhiều năm tiềm ẩn rủi ro về thu phí hoàn vốn, "thu không đủ chi" khiến phương án tài chính bị vỡ, đồng thời cũng khiến nợ xấu từ các dự án này tăng cao, dẫn tới việc huy động vốn tư nhân gặp nhiều khó khăn. 

Để thu hút được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia đầu tư các dự án giao thông mới, chuyên gia kinh tế này cho rằng bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý thì Nhà nước, các cơ quan chức năng cần sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư đã và đang triển khai các dự án BOT. Đồng thời cũng cần phải xem xét hướng dẫn cơ chế hỗ trợ, chia sẻ rủi ro cho các dự án PPP nói chung, các dự án BOT nói riêng.

Còn theo TS. Lê Thanh Vân, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách, muốn thu hút các nhà đầu tư làm BOT thì phải có quy hoạch giao thông rành mạch, trong đó xác định rõ tuyến nào đoạn nào đầu tư công, tuyến nào đoạn nào là BOT cũng như quy hoạch vị trí đặt trạm thu phí cho khoa học, hợp lý bảo đảm lợi ích của người dân và của cả doanh nghiệp.

Ngoài ra, phải có cơ chế chia sẻ rủi ro của Nhà nước với nhà đầu tư và cần định giá phí giao thông sao cho hợp lý để người dân được hưởng lợi, nhà đầu tư có lãi và nhà nước có lợi.

Dự án BOT đầu tiên là cầu Cỏ May trên quốc lội 51 thực hiện năm 1999. Đến nay, sau 21 năm, cả nước mới có 62 dự án BOT giao thông với tổng mức đầu tư gần 190.000 tỷ đồng. Riêng trong giai đoạn 2011-2016 đã triển khai 59 dự án BOT với số vốn là 154.481 tỷ đồng bằng 90,2% vốn đầu tư cho các dự án giao thông đường bộ.

Theo báo cáo của 43 tỉnh thành phố cho biết đã huy động hơn 80.000 tỷ đồng cho các dự án BOT, như vậy bình quân mỗi tỉnh huy động được 2.000 tỷ đồng đầu tư BOT giao thông.

Xem thêm: TS. Lê Thanh Vân: BOT thua lỗ, phải 'bắt đúng bệnh mới bốc thuốc được’

Tin mới lên