Tài chính tiêu dùng

Các quốc gia phát triển liệu đã sẵn sàng xóa sổ tiền giấy?

Thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành phương thức phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới với giá trị chi tiêu của người dân chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số giao dịch hàng ngày.

Các quốc gia phát triển liệu đã sẵn sàng xóa sổ tiền giấy?

Đồng tiền giấy 100 USD Mỹ và đồng 100 nhân dân tệ.

Sự cải tiến không ngừng của công nghệ số mang lại ngày càng nhiều sự lựa chọn về hình thức thanh toán điện tử mới nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, song nhiều quốc gia vẫn chưa được trang bị đầy đủ để đối phó với mặt trái của một xã hội không sử dụng tiền mặt.

Xu thế tất yếu

Trong suốt 3.000 năm, khi nhắc đến tiền, mọi người đều có xu hướng nghĩ đến tiền mặt. Từ việc mua sắm thực phẩm đến trả tiền ly rượu ở một quán bar, các giao dịch hàng ngày đều được thực hiện bằng tiền giấy hoặc các đồng xu. 

Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, các phương thức thanh toán kỹ thuật số đã nhanh chóng trở nên phổ biến, như sử dụng thẻ thanh toán trực tiếp hay thực hiện một vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh để hoàn tất giao dịch.

Các quốc gia phát triển đang giảm sự phụ thuộc vào tiền mặt trong thanh toán ở các tốc độ khác nhau, song hướng đi này là khá rõ ràng, thậm chí tại một số nước tiến trình này đã gần như hoàn tất.

Theo The Economist, tại Thụy Điển, số lượng giao dịch bằng tiền mặt trong lĩnh vực bán lẻ bình quân đầu người đã giảm 80% trong mười năm qua. Tiền mặt chỉ chiếm 6% tỷ trọng các giao dịch, tính theo giá trị ở Na Uy. Nước Anh có lẽ chậm hơn bốn hoặc sáu năm so với các quốc gia Bắc Âu, còn Mỹ thậm chí sẽ mất tới một thập kỷ mới theo kịp tiến trình này.

Ở các nền kinh tế chậm phát triển và mới nổi, tiền mặt vẫn chiếm ưu thế, song sự thống trị của nó đang giảm dần. Tại Trung Quốc, thanh toán kỹ thuật số đã tăng từ 4% tổng số giao dịch trong năm 2012 lên 34% trong năm 2017.

Tiền giấy đang mất dần chỗ đứng bởi hai nguyên nhân. Thứ nhất, người tiêu dùng trẻ tuổi ngày càng mong muốn các hệ thống thanh toán kết nối với cuộc sống số của họ. 

Thứ hai là các nhà cung cấp như ngân hàng và công ty công nghệ (tại các thị trường phát triển) và các công ty viễn thông (ở những nền kinh tế mới nổi) đang phát triển các công nghệ thanh toán nhanh, dễ sử dụng để họ có thể kiếm lời từ nguồn dữ liệu dồi dào và cắt giảm được các chi phí hoạt động.

Chi phí vận hành cơ sở hạ tầng đằng sau nền kinh tế tiền mặt là không nhỏ, bao gồm các máy rút tiền tự động (ATM), xe tải chở tiền, người bảo vệ, giao dịch viên... Hầu hết các công ty tài chính đều muốn giảm chi phí này và tìm cách hướng khách hàng đến các phương thức thanh toán mới.

Liệu các chính phủ đã sẵn sàng?

Đối với các Chính phủ, sự phát triển của một nền kinh tế không tiền mặt là một điều tốt, bởi việc phát hành tiền giấy quá tốn kém và không hiệu quả. Ở các nước phát triển, việc đúc, phân loại, lưu trữ và phát hành tiền mặt ước tính làm tiêu tốn khoảng 0,5% GDP.

Mặt khác, với thanh toán điện tử, người dân và các cửa hàng giảm bớt rủi ro bị mất cắp hay trộm cướp. Các Chính phủ cũng có thể theo dõi chặt chẽ hơn vấn đề gian lận tài chính hoặc trốn thuế. 

Các phương thức thanh toán kỹ thuật số giúp mở rộng đáng kể sân chơi của các doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa ra thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, giao dịch điện tử cũng tạo ra lịch sử tín dụng, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các khoản vay.

Tuy nhiên, các hệ thống thanh toán điện tử hiện nay dễ bị tổn thương trước các sự cố kỹ thuật, mất điện và tấn công mạng.

Mới đây nhất, ngân hàng Capital One - chuyên cung cấp thẻ tín dụng tại Bắc Mỹ đã trở thành công ty mới nhất bị tấn công mạng. Các dữ liệu bị đánh cắp liên quan đến một số lượng lớn chủ thẻ tín dụng, cụ thể là 100 triệu cá nhân ở Mỹ và 6 triệu người ở Canada.

Trong một nền kinh tế không sử dụng tiền mặt, những người lớn tuổi, thu nhập thấp và sinh sống ở vùng nông thôn là nhóm đối tượng dễ chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất trước sự “thất sủng” của tiền mặt.

Hệ thống kỹ thuật số có thể cho phép các chính phủ theo dõi thói quen mua sắm tiêu dùng của người dân và những người khổng lồ công nghệ dễ dàng khai thác dữ liệu cá nhân của người dùng.

Để giải quyết những vấn đề trên, các chuyên gia đề xuất ba biện pháp.

Đầu tiên, các Chính phủ cần đảm bảo  sự quản lý của ngân hàng trung ương đối với tiền xu và tiền giấy không bị thay thế bởi sự độc quyền của doanh nghiệp tư nhân đối với tiền kỹ thuật số. 

Thay vì để một số công ty cung cấp dịch vụ thẻ tín dụng độc quyền trong lĩnh vực thanh toán điện tử, các Chính phủ nên đảm bảo hệ thống thanh toán luôn mở để cho phép các công ty công nghệ tài chính khác có cơ hội phát triển. Sự cạnh tranh lành mạnh sẽ tạo điều kiện giữ các chi phí ngân hàng ở mức thấp để người nghèo có thể tiếp cận hầu hết các dịch vụ.

Thứ hai, nghĩa vụ của ngân hàng là bảo đảm giữ kín thông tin của khách hàng để hệ thống thanh toán duy trì tính ẩn danh. Các công ty công nghệ sử dụng hệ thống thanh toán này để cung cấp dịch vụ nên được tự do kiếm tiền từ dữ liệu giao dịch, ví dụ như quảng cáo, miễn là mô hình kinh doanh của họ được công bố rõ ràng cho người dùng. 

Một số khách hàng sẽ ủng hộ các dịch vụ miễn phí dù lịch sử chi tiêu của họ bị lưu trữ và cung cấp cho bên khác, song có những người muốn trả tiền để dữ liệu của họ không được bên thứ ba sử dụng.

Cuối cùng, việc loại bỏ tiền mặt là quá trình mất nhiều thời gian, do đó, các ngân hàng vẫn cần duy trì các giao dịch tiền mặt tại khu vực đông dân cư. Khi đó Chính phủ có thời gian để giúp những người nghèo mở tài khoản ngân hàng, hỗ trợ người già về công nghệ mới và tăng cường truy cập Internet ở khu vực nông thôn.

Chuyển đổi sang nền kinh tế không tiền mặt là xu hướng tất yếu xuất phát từ sự đổi mới công nghệ cũng như nhu cầu ngày càng tăng. Tuy nhiên, để thu được lợi ích thực sự, các Chính phủ cần có sự chuẩn bị kỹ càng và trong tương lai gần việc thanh toán bằng tiền giấy dù còn lỗi thời sẽ chưa thể được thay thế hoàn toàn.

Tin mới lên