Nhân vật

Các tân Bộ trưởng nói gì trong tuần đầu nhậm chức?

(VNF) - Ngay sau khi được Quốc hội tín nhiệm phê chuẩn theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các tân Bộ trưởng đã có những chia sẻ về chương trình hành động và những nhiệm vụ được ưu tiên giải quyết trong những ngày đầu nhận nhiệm vụ mới.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Đối với tôi, nhiệm vụ mới tại thời điểm này là một thách thức lớn, có thuận lợi nhưng cũng có rất nhiều khó khăn. Kỳ vọng đối với giáo dục là một áp lực rất lớn. Tuy nhiên áp lực sẽ là động lực để đổi mới và phát triển.

Giải quyết các mục tiêu ngắn hạn trước mắt, đáp ứng kỳ vọng nhanh chóng và xử lý căn bản những vấn đề của giáo dục vốn cần thời gian, tất cả phải làm cùng lúc, hài hòa. Cái gì cấp bách trước mắt vẫn phải làm và làm quyết liệt. Nhưng quan trọng nhất là tập trung kiến tạo những việc lớn, có thể tác động lâu dài. Tôi hy vọng ngành giáo dục có sự chia sẻ và đồng thuận lớn từ xã hội, để người dân cùng chung tay với ngành.

Tôi rất mong muốn đời sống, thu nhập của người thầy được cải thiện. Trình độ của người thầy tiếp tục được nâng cao tương ứng với yêu cầu thời đại. Các thầy cô cần thể hiện vai trò của mình mạnh hơn nữa. Tất nhiên, vị thế cần nâng lên không chỉ dựa vào các chính sách, mà chính người thầy cũng phải nỗ lực nâng vị thế qua năng lực, chất lượng giảng dạy, nhân cách của mình. Tiếng nói của người thầy, sự tôn trọng, đánh giá, ghi nhận với người thầy cần được nâng lên xứng với nghề và đáng với những gì họ phải được hưởng.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Tân Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Trong thời gian tới, ngoại giao kinh tế sẽ là trọng tâm, vì vậy cần phải tranh thủ được nguồn ngoại lực rất quan trọng để bổ sung cho yếu tố nội lực.

Chúng tôi sẽ học tập, chia sẻ kinh nghiệm với các nước về mô hình phát triển, về hợp tác đầu tư; tranh thủ các nguồn lực, cả viện trợ không hoàn lại và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ngành ngoại giao cần phải có những đột phá mở đường vào các thị trường khác nhau. Vừa là mở thị trường cho đất nước, vừa là áp dụng, tiếp thu những công nghệ mới nhất của cách mạng công nghiệp 4.0 vào trong quá trình chuyển đổi số và phát triển bền vững của Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần tập trung làm sâu sắc và đưa vào chiều sâu quan hệ với tất cả các đối tác quan trọng của Việt Nam, nhất là các nước láng giềng, các nước đối tác chiến lược, các nước đối tác toàn diện và bạn bè truyền thống. Tiếp tục chú trọng hoạt động đối ngoại đa phương, trên cơ sở đó tham gia định hình và phát triển các luật chơi khi hội nhập quốc tế.

Đồng thời, trong bối cảnh dịch Covid-19, tăng cường bảo hộ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (khoảng 5,3 triệu người). Đây là một trọng tâm, vừa để kết nối với bà con ta ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước để phát triển đất nước, đồng thời cũng thể hiện tinh thần của Nhà nước với cộng đồng ta ở nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Nhiệm kỳ này là thời điểm rất quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Do vậy, trước hết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế tài chính; tăng cường hiệu quả công tác phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính – ngân sách nhà nước với quá trình phát triển, tái cơ cấu nền kinh tế; quản lý chặt chẽ, hiệu quả bội chi, nợ công phù hợp.

Đồng thời với đó là đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công; đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục cơ cấu lại thị trường tài chính, bảo hiểm, dịch vụ kế toán kiểm toán…

Các chính sách tài chính bên cạnh việc phải đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, thì cốt lõi là phải vì sự phát triển của đất nước, vì dân, coi doanh nghiệp làm trung tâm để thúc đẩy phát triển.

Phải tập trung, chú trọng khơi dậy và huy động các nguồn lực tài chính từ xã hội, thông qua thúc đẩy phát triển các thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, bảo hiểm… theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Từ đó xây dựng nguồn lực tài chính quốc gia ngày càng phát triển lành mạnh, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế, thúc đẩy hội nhập hiệu quả, nâng cao vị thế của nền kinh tế nước ta trên trường quốc tế.

Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Một trong những nhiệm vụ ưu tiên của tôi thời gian tới là kích cầu du lịch nội địa. Chúng tôi sẽ đồng hành cùng các địa phương xây dựng các gói kích cầu, sản phẩm du lịch đặc trưng; phấn đấu mỗi tỉnh, thành có ít nhất một sản phẩm du lịch riêng, mang thương hiệu và giá trị riêng để thu hút khách. Các chương trình kích cầu du lịch nội địa như "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn"… sẽ được tiếp tục đẩy mạnh triển khai.

Bên cạnh đó, tôi rất mong muốn Chính phủ sớm xem xét, áp dụng hộ chiếu vaccine, bởi đây là chìa khóa để mở cửa đón khách quốc tế. Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài hơn một năm qua, nếu Việt Nam có thể mở cửa đón khách quốc tế sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động trong ngành du lịch.

Chúng tôi đang nghiên cứu, chuẩn bị từng bước thí điểm lựa chọn một số sản phẩm, thị trường để áp dụng hộ chiếu vaccine, tạo điều kiện đón khách đồng thời dễ dàng đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.

Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu để lựa chọn một số địa điểm đón khách quốc tế. Nếu Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống Covid-19 cho phép và thí điểm thành công, đảm bảo an toàn thì sẽ nhân rộng ra các nơi khác.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

Nước ta có 14,7 triệu đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu sinh sống, phân bố ở huyện, xã vùng cao, biên giới là những nơi có điều kiện hết sức khó khăn. Vấn đề tôi quan tâm nhất và phải tập trung làm ngay từ đầu là ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng để bà con nâng cao nhận thức và tiếp cận với sự phát triển của xã hội. Khi bà con nhận thức được, đồng thuận thì mọi chính sách sẽ vào được cuộc sống.

Tôi cho rằng cần phải tăng cường sự giám sát đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách; quan tâm giải quyết vấn đề bức xúc cho người dân về đất ở, đất sản xuất thông qua chính sách, dự án sắp xếp, ổn định dân cư; rà soát đất đai để bố trí đủ hạn mức tối thiểu cho người dân về diện tích ở, diện tích đất sản xuất và canh tác.

Ngoài ra, cần quan tâm hơn đến chuyển giao khoa học công nghệ và đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu. Trong 5 năm tới, phấn đấu 100% có đường ôtô đến được các thôn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, các vấn đề về nước sạch, vệ sinh môi trường cũng sẽ được cải thiện.

Tin mới lên