Nhân vật

Các tỷ phú USD ở đâu trong 'cơn bão' Covid-19?

Hàng tỷ USD được các tỷ phú quyên góp để chống dịch Covid-19 đã phần nào trả lời câu hỏi gây tranh cãi: "Các tỷ phú USD có nên tồi tại?".

Các tỷ phú USD ở đâu trong 'cơn bão' Covid-19?

Tỷ phú Bill Gates từng lên tiếng chỉ trích chính phủ Mỹ hành động quá chậm chạp. Ảnh: AP.

Hồi cuối tháng 2, nhà báo Chuck Todd của NBC gây xôn xao khi hỏi thẳng tỷ phú giàu thứ 9 thế giới Michael Bloomberg: “Ông Bloomberg, ông có nên tồn tại?”.

Từ cuối năm 2019, đây đã là một chủ đề gây tranh cãi khi Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, tuyên bố: “Tỷ phú USD không nền tồn tại”.

Khi đại dịch do virus corona chủng mới gây ra bùng nổ tại Mỹ, câu hỏi của nhà báo Chuck Todd dường như đã có câu trả lời.

Hàng tỷ USD chống dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 đang làm rung chuyển nền kinh tế Mỹ và đe dọa hệ thống y tế nước này. Các thống đốc, thị trưởng và chuyên gia kinh tế liên tục cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt những thiết bị vật tư y tế quan trọng, bao gồm máy thở, khẩu trang và đồ bảo hộ y tế.

Chính phủ liên bang đang gấp rút “chữa cháy” cho phản ứng chậm chạp ban đầu. Hôm 17/3, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence kêu gọi các công ty xây dựng nhường mặt nạ và hoãn đơn hàng để đảm bảo nguồn cung cho bệnh viện.

Cũng trong tối đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump liên hệ với các nhà sản xuất trên khắp nước Mỹ để tìm kiếm tình nguyện viên sản xuất khẩu trang, găng tay và máy thở.

Các tỷ phú giàu nhất thế giới đã ra tay đóng góp theo nhiều cách khác nhau. Jack Ma, nhà sáng lập kiêm cựu chủ tịch Alibaba, mua hàng triệu bộ dụng cụ thử nghiệm và khẩu trang rồi chuyển đến các quốc gia bị ảnh hưởng, bao gồm 500.000 bộ thử nghiệm và 1 triệu mặt nạ tới Mỹ.

Tỷ phú Jeff Bezos cũng liên hệ với Nhà Trắng và thông báo sẽ thuê thêm 100.000 công nhân để xử lý nhu cầu vận chuyển tăng vọt.

“Chúng tôi nhận thấy các công ty lớn có thể ra tay giúp đỡ vào thời điểm này và Amazon luôn sẵn sàng làm việc đó, ngoài việc cung cấp cho khách hàng những vật dụng và dịch vụ thiết yếu”, phát ngôn viên của Amazon khẳng định.

Tại Mỹ, hai trong số các nhà từ thiện y tế công cộng hàng đầu là tỷ phú Bloomberg và nhà sáng lập Microsoft Bill Gates. Ông Bloomberg sở hữu Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg.

Thông qua các tổ chức mang tên mình, cả hai đã cam kết ủng hộ hàng trăm triệu USD để đối phó với đại dịch ở Mỹ và trên toàn thế giới. Tuy nhiên, họ không tài trợ trực tiếp những thiết bị vật tư quan trọng.

“Tổ chức thường không trực tiếp tài trợ thiết bị hay vật tư y tế. Tuy nhiên, trong các trường hợp khẩn cấp sức khỏe toàn cầu, mục tiêu của chúng tôi là cung cấp nguồn tài chính linh hoạt và nhanh chóng cho các cơ quan chính phủ, tổ chức đa phương và các cơ quan ở tuyến đầu chống dịch. Điều này cho phép đối tác của chúng tôi sử dụng chúng linh hoạt và mua vật tư khi cần thiết”, người phát ngôn của Quỹ Bill & Melinda Gates khẳng định.

Quỹ của tỷ phú Gates đang hướng đến mục tiêu nỗ lực phát hiện, cách ly, điều trị, cũng như nghiên cứu về vắc-xin và các phương pháp điều trị có thể.

Trong khi đó, tổ chức Bloomberg Philanthropies đưa ra 2 sáng kiến. Một là triệu tập các quan chức và chuyên gia y tế hàng đầu trên khắp cả nước để cập nhật thông tin và xử lý khủng hoảng. Hai là dự án 40 triệu USD nhằm hỗ trợ các nước có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt là châu Phi, chống lại đại dịch.

Không thể bù đắp sự chậm chạp của chính quyền

Trả lời Atlantic, chuyên gia Kelly Henning tại Bloomberg Philanthropies cho rằng khu vực từ thiện và phi lợi nhuận thường hành động nhanh và linh hoạt hơn chính phủ. Tuy nhiên, họ không thể bù đắp cho sự bất lực từ những nhà cầm quyền.

Trong cơn khát máy thở và các thiết bị bảo hộ y tế, thách thức lớn nhất đối với chính quyền liên bang là tốc độ và hậu cần. Tại Italy, các nhân viên y tế buộc phải tiết kiệm máy thở khi số ca nhiễm virus corona tăng cao. Ở Seattle (Mỹ), nhân viên của nhiều bệnh viện phải tự sản xuất các thiết bị bảo hộ từ đồ dùng văn phòng.

“Mỹ có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu trong đại dịch. Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có thể tăng tốc đủ nhanh hay không. Liệu có đủ công nhân và nguyên liệu để sản xuất hay không? Liệu có kịp phân phối chúng đủ nhanh hay không?”, Atlantic dẫn lời bác sĩ Lewis Kaplan, Chủ tịch Hiệp hội Hồi sức Tích cực Mỹ.

Bên cạnh máy thở và các nguyên liệu đầu vào để sản xuất máy thở, khẩu trang, găng tay, khay thức ăn dùng một lần cũng sẽ trở nên khan hiếm nếu tình hình dịch bệnh không cải thiện.

Cuộc khủng hoảng quy mô lớn khiến tầm ảnh hưởng của các tỷ phú sụt giảm trầm trọng so với chính quyền Mỹ. Một vài tỷ USD có vẻ chẳng đáng là bao so với gói cứu trợ 2.000 tỷ USD được Nhà Trắng và Thượng viện Mỹ thông qua sáng ngày 25/3.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là sự hào phóng của các tỷ phú là vô ích. “Tôi cho rằng số tiền (từ các tỷ phú) có thể giúp sản xuất (máy thở). Máy thở đắt đỏ nhưng không phải máy bay chiến đấu. Chúng ta không cần chế tạo càng nhiều càng tốt như trong Thế chiến II”, chuyên gia Andrew Stettner tại Quỹ Century nhận xét.

Tin mới lên