Diễn đàn VNF

Cách thức tăng trưởng đang đi ngược lại tinh thần tự nhiên của kinh tế

(VNF) – "Chúng ta đang sử dụng trở lại kế hoạch hóa, yêu cầu từng bộ, từng ngành, từng đơn vị, thậm chí từng doanh nghiệp lớn phải có tăng trưởng nhất định để đạt mục tiêu mà chúng ta đã hạch toán là 6,7%. Đây là hướng đi rất ngược lại với tinh thần tự nhiên của kinh tế", TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận xét.

Cách thức tăng trưởng đang đi ngược lại tinh thần tự nhiên của kinh tế

Ts Nguyễn Đức Thành cho rằng cách thức tăng trưởng của Việt Nam hiện nay đang đi ngược lại tinh thần tụ nhiên của kinh tế

Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2017 của VEPR cho rằng, một trong những điểm khác biệt của năm 2017 là ngay từ đầu năm, Chính phủ đã đặt quyết tâm rất cao trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7% - bất chấp nhiều lời cảnh báo về tính khả thi của mục tiêu này.

Các biện pháp nêu ra để đạt mục tiêu tăng trưởng mang tính kế hoạch hóa cao, chi tiết đến từng bộ ngành (Chỉ thị 24/CT-TTg, 2/6/2017). Đặc biệt, ngành dầu khí được chỉ thị tăng cường sản lượng khai thác để tăng mức đóng góp vào GDP.

"Chúng ta đang tập trung nguồn lực và tâm trí vào mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Điều này buộc chúng ta phải đánh đổi rất nhiều, thỏa hiệp rất nhiều với các cải cách, cụ thể là phương thức tăng trưởng", TS Thành nói.

Cụ thể, theo TS Thành, chúng ta đang sử dụng trở lại kế hoạch hóa, yêu cầu từng bộ, từng ngành, từng đơn vị, thậm chí từng doanh nghiệp lớn phải có tăng trưởng nhất định. Đây là hướng đi ngược lại với tinh thần tự nhiên của kinh tế.

"Như Samsung, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của họ có một thủ tướng nước địa phương đến đặt ra kế hoạch tăng trưởng. Điều này sẽ mở ra cái gì nữa cho tương lai? Chúng ta đều biết các doanh nghiệp như vậy có kế hoạch toàn cầu. Kế hoạch được lập theo dự báo cung cầu của họ chứ không phải theo cái điều kiện gì đó của Việt Nam. Họ không thể nào vô nguyên tắc trong kế hoạch hóa của họ được".

"Để làm hài lòng Chính phủ, họ sẽ điều chuyển một số bút toán, hạch toán thế nào đó cho đủ. Bởi vì chắc chắn họ không thể vì cái yêu cầu, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ hay một Bộ trưởng nào đó để thay đổi đáng kể kế hoạch được. Nó sẽ tạo tiền lệ rất xấu cho tương lai", TS Thành bình luận.

Cách thức tăng trưởng đang đi ngược lại tinh thần tự nhiên của kinh tế ảnh 1

"Chìa khóa" tăng trưởng 2017 của Việt Nam đang nằm trong tay khu vực kinh tế FDI

Người đứng đầu VEPR cũng nhấn mạnh nền kinh tế Việt Nam hiện tại đang phụ thuộc nặng nề vào FDI. Điều này có nghĩa là những kết quả hiện nay có được không xuất phát từ nội tại nền kinh tế.

"Cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, chúng ta đều biết, trái ngược với tốc độ tăng trưởng nhanh, số liệu của các nước châu Á cho thấy sự tăng trưởng này chẳng đến từ nội tại của anh gì cả, toàn đến từ vốn nước ngoài. Một ngày đó, vốn quay đầu thì anh sụp đổ. Và điều đó đã diễn ra sau đó 1 năm (tức năm 1998 – PV). Ở đây, chúng tôi cũng cảm thấy rất lo ngại với thực tại của kinh tế Việt Nam – một nền kinh tế chạy theo tăng trưởng, chạy theo thành tích xuất khẩu".

Báo cáo của VEPR khuyến nghị: chúng tôi cho rằng đây là thời điểm Việt Nam cần xem xét lại cách thức tăng trưởng vì bối cảnh hội nhập đang thay đổi. Các tư duy ngắn hạn, mang tính đối phó với sự suy giảm tăng trưởng như nỗ lực tăng thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân các công trình công, hoặc tăng sản lượng khai thác dầu thô… có thể vừa không khả thi, vừa xóa nhòa những quyết tâm cải cách.

Bình luận bên lề về vấn đề này, TS Vũ Đình Ánh – chuyên gia tài chính, cũng cho rằng, Việt Nam đang lựa chọn sai lầm cách thức tăng trưởng. "Chúng ta đang đặt ra các giải pháp tăng trưởng kinh tế dựa vào trọng cung (tăng khai thác, sản xuất, xuất khẩu..) trong khi để tăng trưởng trong năm nay, chúng ta phải trọng cầu".

TS Ánh nhấn mạnh việc hô hào đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư ngân sách là một lựa chọn sai lầm. Tuy nhiên, một cách cực đoan, TS Ánh cho rằng trong năm 2017, để tăng trưởng cao cần phải tăng chi thường xuyên chứ không phải giảm.

"Năm nay thậm chí tôi đề xuất, cực đoan nhé, 100% chi thường xuyên, khỏi chi đầu tư phát triển. Tôi nói ví dụ như vậy, vì chi đầu tư phát triển trong trung hạn có vấn đề, hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước vẫn đang hạn chế. Chúng ta lao vào đầu tư, không những không góp nhiều cho tăng trưởng mà còn để lại hệ lụy về sau".

"Nên là ở đây, tôi cho rằng khuyến khích đẩy nhanh tốc độ tăng vốn đầu tư trong năm 2017 là một sai lầm trong lựa chọn. Chính nó sẽ khiến chúng ta thủ tiêu mất luôn chương trình tái cơ cấu đầu tư công. Vì cái ngắn hạn hi sinh trung dài hạn là cả một lựa chọn sai lầm", TS Ánh nói.

Tin mới lên