Diễn đàn VNF

Cái giá của quản lý nhà nước

Gần đây Thủ tướng Chính phủ đưa ra một khái niệm mới về Chính phủ kiến tạo, nhấn mạnh đến định hướng "chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ".

Cái giá của quản lý nhà nước

Ông Đậu Anh Tuấn

Khái niệm kiến tạo có thể hiểu đơn giản là sứ mệnh của bộ máy nhà nước trước hết phải là thúc đẩy sự phát triển chứ không phải vai trò quản lý, nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động và xã hội vận hành. Tư tưởng chủ đạo trong vận hành bộ máy nhà nước là tôn trọng các quy luật của thị trường, lấy sự phục vụ, đồng hành, tạo thuận lợi… làm phương châm hoạt động.

Hiệu ứng ngược từ "tăng cường quản lý"

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, việc quá chú trọng vấn đề quản lý nhà nước, ban hành nhiều các quy định liên quan đến quản lý nhà nước luôn kèm theo các hệ quả là các định chế công hoạt động không hiệu quả và tình trạng tham nhũng phổ biến hơn, trong khi đó lại không đạt được các mục tiêu tốt đẹp về lợi ích công cộng như kỳ vọng.

Theo một báo cáo nghiên cứu công phu tổng kết bài học từ nhiều quốc gia trên thế giới của Ngân hàng Thế giới, Đại học Oxford năm 2004 (Worldbank, IFC, Oxford University, Doing business in 2004 – Understanding Regulations) thì những quốc gia đặt ra nhiều quy định quản lý nhà nước nhất lại là những quốc gia nghèo nhất và có mức độ tuân thủ các quy định kém nhất, ít cơ chế kiểm tra và giám sát để đảm bảo rằng việc áp dụng các quy định không vì mục tiêu trục lợi và tham nhũng. 

Mong muốn đạt được các mục tiêu chính trị, xã hội khiến nhà nước thường quá dễ dàng và vội vàng ban hành các quy định nhằm giải quyết những thất bại của thị trường. Chẳng hạn như, nhà nước kiểm soát gia nhập thị trường nhằm đảm bảo rằng người tiêu dùng sẽ mua được những sản phẩm chất lượng cao từ những nhà cung cấp tốt nhất hay giảm được các tác động tiêu cực khác như ô nhiễm. 

Tuy nhiên, nghiên cứu trên đã chứng minh thực tế thường không đạt được như vậy. Việc đặt thêm các quy định chặt chẽ trong gia nhập thị trường không làm quốc gia đó đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; việc có thêm các giấy phép về môi trường cũng không làm mức độ ô nhiễm môi trường tại các nước đang phát triển giảm đi. Tình trạng ngộ độc thực phẩm và tai nạn lao động cũng không thấp hơn tại các quốc gia có số lượng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, sức khoẻ, an toàn nhiều hơn nhiều nước khác.

Thực tế này chắc cũng giải thích phần nào lý do tại sao Việt Nam không thiếu các văn bản, quy định trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường… tuy nhiên các vi phạm trong lĩnh vực này không giảm bớt. Hay một lĩnh vực lớn hơn là phòng chống tham nhũng. Việt Nam đã ban hành gần như đầy đủ các quy định từ luật đến các văn bản hướng dẫn, tham gia hầu hết các hiệp định, hiệp ước quốc tế về phòng chống tham nhũng nhưng tình hình tham nhũng ở nước ta không giảm, thậm chí đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp hơn.

Lạm dụng các quy định quản lý có những ảnh hưởng ngược chiều đối với những đối tượng mà nó nhằm bảo vệ. Khi phải đối mặt với gánh nặng quá lớn về quy định thủ tục hành chính, điều kiện khắt khe, người kinh doanh ít động lực để ra hoạt động chính thức, nhiều doanh nghiệp tại các nước đang phát triển lựa chọn chuyển sang hoạt động trong nền kinh tế ngầm (nền kinh tế phi chính thức).

Động cơ thực đằng sau "cái áo" lợi ích chung?

Việc đặt ra các giải pháp quản lý nhà nước, nâng điều kiện kinh doanh quá cao, đặt ra thủ tục hành chính quá rườm rà và phức tạp nhiều khi còn đồng hành với tiêu cực, tham nhũng của bộ máy chính quyền. Điều này được biểu hiện khá rõ tại các quốc gia đang phát triển như báo cáo của Ngân hàng Thế giới. Câu hỏi là đằng sau các rào cản gia nhập thị trường thật cao phải chăng là một giải pháp bảo vệ thị phần, chống cạnh tranh của các công ty lớn mà có quan hệ chính quyền chặt chẽ. 

Ở Việt Nam cũng tìm thấy rất nhiều quy định quản lý nhà nước như vậy. Muốn nhập khẩu ô tô phải có giấy uỷ quyền chính hãng của hãng sản xuất mà rất hiếm doanh nghiệp tư nhân trong nước có được; muốn kinh doanh phân phối gas phải có trên 100.000 bình gas, có ít nhất 20 đại lý, phải sở hữu trạm chiết nạp gas…; muốn kinh doanh vận tải ô tô phải có ít nhất 50 xe hay 20 xe; muốn kinh doanh xuất khẩu gạo phải có nhà xưởng, trạm xát… Tất nhiên các mục tiêu được đưa ra tất cả là nhằm bảo vệ người tiêu dùng, bảo đảm an toàn, bảo vệ ngành hàng… 

Gánh nặng quản lý nhà nước và hệ quả "nền kinh tế ngầm" 

Theo một nghiên cứu của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), WB từ năm 2003, chính sự kiểm soát quá mức, quá tập trung tại Việt Nam đã khuyến khích hoạt động không chính thức, thúc đẩy "tính ngầm" của nền kinh tế. Sự kiểm soát quá mức kèm theo những thủ tục hành chính không phù hợp và quá phức tạp có thể góp phần làm tăng hoạt động không chính thức. Theo nghiên cứu này, tại các tỉnh, thành nơi tiến hành khảo sát, hoạt động không chính thức tỷ lệ thuận với thời gian mà doanh nghiệp phải đối phó với các quy định của luật pháp. Ví dụ, cứ mất thêm 2 ngày phải giải quyết các quy định về quản lý tại một thành phố thì tương quan với số lượng hợp đồng lao động chính thức giảm đi 1% (1). 

Các quy định không phù hợp thực tiễn, quá khắt khe đang tạo ra tình trạng lưỡng nan cho nhà kinh doanh. Nếu tuân thủ đúng thì không thể cạnh tranh và tồn tại được vì sự vi phạm quá phổ biến, thậm chí là công khai. Nếu không tuân thủ thì nguy cơ bị coi là vi phạm pháp luật luôn lơ lửng trên đầu, họ như là con tin của nhiều công chức "nhiều quyền thiếu tâm".

Một nguy cơ nữa với nhà kinh doanh trong "hàng rừng các quy định" là doanh nghiệp càng nổi, càng thành công thì càng rủi ro. Điều tra của WB và IFC từ năm 2003 cho thấy các công ty lớn, phát triển nhanh và có đăng ký kinh doanh đàng hoàng thì lại bị thanh tra thường xuyên hơn. Số lượng các cuộc thanh tra thuế thường tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển của công ty. Ba cuộc điều tra quy mô lớn của VCCI tiến hành năm 2015 trên cả nước vừa rồi vẫn tiếp tục cho thấy thực trạng không thay đổi: các doanh nghiệp lớn bị thanh tra kiểm tra nhiều hơn, chịu gánh nặng hành chính lớn hơn so với các doanh nghiệp nhỏ. 

Khi to thì dễ bị chú ý, làm ăn bài bản thì thiệt thòi, sẽ tạo ra tâm lý phổ biến nằm lòng của nhà kinh doanh là "khôn dựng trại, dại dựng nhà". Thực tế "chối bỏ thành công" này đang hình thành văn hóa "kinh doanh nhì nhằng" và động lực chuyển các hoạt động kinh doanh về dưới dạng không chính thức. Lâu dần là một tảng băng kinh tế ngầm lớn dần. 

Nền kinh tế ngầm sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh. Nó hạn chế cơ hội và quy mô kinh doanh do mối quan hệ góp vốn chủ yếu dựa trên quan hệ gia đình, họ hàng, thân quen, không thể phát triển đến quy mô lớn để tận dụng được lợi thế quy mô. Nó cũng tạo ra dư địa lớn cho công chức nhà nước sách nhiễu, đòi hối lộ và lạm dụng quyền lực phục vụ ý đồ, lợi ích cá nhân.

Chắc chắn về lâu dài nó tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng, không đáng tin cậy, bất lợi cho người kinh doanh trung thực, bất lợi cho khu vực chính quy; tạo nên những yếu tố bất ổn, không lường hết rủi ro khi quyết định đầu tư; không khuyến khích và thúc đẩy tinh thần sáng tạo, không khuyến khích đầu tư dài hạn, đầu tư quy mô lớn, đầu tư phát triển nguồn nhân lực…

Kinh doanh ngầm với quy mô lớn và phổ biến làm cho các doanh nhân không dám lên tiếng phản đối, tố cáo công chức nhà nước vi phạm luật pháp, không dám phê bình, phản đối chính sách bất hợp lý, lối làm việc thiếu trách nhiệm, thậm chí phi pháp của công chức nhà nước. Điều đó đến lượt nó tiếp tục dung túng, nuôi dưỡng ý thức "nhờn" luật pháp, coi thường luật pháp, coi thường kỷ cương phép nước từ cả hai phía cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

Kinh tế ngầm sẽ không cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác để hoạch định các chính sách vĩ mô hợp lý; hiệu lực của các chính sách, hiệu lực quản lý nhà nước, hiệu lực luật pháp cũng hết sức hạn chế, thậm chí bị chệch hướng, vô hiệu hóa.

Kinh tế ngầm sẽ làm cho doanh nghiệp và sản phẩm giảm năng lực cạnh tranh cả ở tầm quốc gia, khó có thể hội nhập được với các hoạt động thương mại quốc tế để tận dụng hết được các cơ hội có được nhờ hội nhập, và rất dễ bị ra khỏi dòng vận động của kinh tế quốc tế. Một nền kinh tế như vậy có nguy cơ đẩy nước ta càng tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước khác, kể cả các nước trong khu vực.

Tin mới lên