Tài chính quốc tế

Campuchia bị nghi trao 'đất vàng' để Trung Quốc phát triển dự án quân sự

Một dự án phát triển du lịch của công ty Trung Quốc tại khu đất vàng của Campuchia bị nghi nhằm phục vụ cho mục đích quân sự của Bắc Kinh trong khu vực.

Campuchia bị nghi trao 'đất vàng' để Trung Quốc phát triển dự án quân sự

Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Lẽ đương nhiên Trung Quốc có thể hứng thú với dự án phát triển du lịch nhằm thu hút những khách du lịch “chịu chi” của nước này tới các bờ biển của Campuchia - nơi hứa hẹn sẽ có các sòng bạc, sân golf và các khu nghỉ dưỡng sang trọng.

Thời báo Hoa nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, Campuchia đã cho phép Union Development Group, một công ty tư nhân Trung Quốc, sử dụng 45.000 hecta “đất vàng” tại tỉnh Koh Kong và khoảng 20% diện tích bờ biển tại khu vực này để xây dựng khu du lịch với giá thuê khởi điểm chỉ 1 triệu USD/năm.

Tuy vậy, nhiều người vẫn đặt câu hỏi về bản chất thực sự của thỏa thuận giữa Campuchia và Trung Quốc để phát triển du lịch. Họ tin rằng dự án này có thể nhằm phục vụ cho một mục đích khác của Bắc Kinh, đó là mở cửa cho sự hiện diện của lực lượng quân sự Trung Quốc, thay vì chỉ hướng đến khách du lịch.

Những hoài nghi trên ngày càng tăng lên trong thời gian gần đây khi những hình ảnh vệ tinh do Cơ quan Không gian châu Âu công bố cho thấy, một đường băng của sân bay tại khu vực được Trung Quốc thuê để phát triển du lịch ở Campuchia có chiều dài lớn hơn nhiều so với đường băng thông thường dành cho máy bay dân sự.

Trước đó, giới chức Campuchia đã bác bỏ thông tin cảng nước sâu thuộc dự án Koh Kong có thể phục vụ cho các lợi ích quân sự của Trung Quốc. Do vậy, những nghi vấn liên quan tới sự xuất hiện của đường băng với chiều dài bất thường càng làm dấy lên đồn đoán rằng, dự án phát triển của Trung Quốc tại Campuchia có thể phục vụ cho cả hai mục đích dân sự và quân sự.

“Đường băng dài khoảng 3.400m, lớn hơn so với đường băng tại sân bay quốc tế ở Phnom Penh và có thể phục vụ bất kỳ máy bay nào thuộc lực lượng không quân Trung Quốc”, Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết.

Ảnh vệ tinh chụp đường băng với chiều dài bất thường tại sân bay ở Koh Kong. (Ảnh: SCMP)

“Nếu chỉ nhằm phục vụ cho mục đích dân sự, đường băng này nằm ở vị trí khá biệt lập so với một sân bay lớn như vậy. Dự án duy nhất ở gần đó là dự án khu nghỉ dưỡng/sòng bạc mà theo tôi thấy cho đến nay vẫn chưa hoạt động thành công”, chuyên gia Poling nói thêm.

Khi được hỏi liệu dự án Koh Kong có nhằm phục vụ mục đích quân sự hay không, ông Poling cho biết hiện vẫn chỉ là đồn đoán. Tuy nhiên, ông cũng nhận định “nếu có bất kỳ quốc gia nào tại Đông Nam Á mà Trung Quốc có thể duy trì hiện diện quân sự luân phiên, thì nước đó là Campuchia”.

Những hình ảnh vệ tinh cho thấy các hoạt động xây dựng vẫn diễn ra nhộn nhịp tại đường băng thuộc dự án Koh Kong sau khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence gửi thư cho Thủ tướng Campuchia Hun Sen vào tháng 11 năm ngoái để bày tỏ quan ngại rằng dự án này có thể phục vụ cho mục đích quân sự.

Việc xây dựng phần lớn đường băng trên được hoàn tất chỉ trong 2 tháng và chiều dài của đường băng này lớn hơn nhiều so với đề xuất 2.800m của Cục Hàng không Liên bang Mỹ dành cho một chiếc Boeing 787-900.

Câu hỏi về mục đích của Trung Quốc

Union Development Group (UDG) là một công ty tư nhân của Trung Quốc, song công ty này từ lâu được cho là đã có mối liên hệ với chính quyền Bắc Kinh.

Zhang Gaoli, cựu phó thủ tướng Trung Quốc và là chủ tịch nhóm điều hành Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, đã ủng hộ dự án tại Campuchia ngay từ đầu và chủ trì lễ ký kết thỏa thuận giữa UDG và Campuchia. Dự án này cũng đón nhiều quan chức cấp cao khác của Trung Quốc tới thăm.

Koh Kong là một dự án tư nhân, do vậy nhiều câu hỏi đã được đặt ra về tính khả thi của dự án được cho là nhằm phát triển du lịch này.

“Tiềm năng thương mại của khu vực này không tương xứng với quy mô của dự án do UDG phát triển, từ đó đặt ra nhiều câu hỏi về tính khả thi tài chính cũng như khả năng tồn tại của dự án, trong đó phục vụ cho cả mục đích quân sự và dân sự, cũng như toan tính sau cùng của các bên liên quan”, một chuyên gia quân sự phương Tây nhận định.

Hãng tin SCMP vẫn chưa thể liên lạc với người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia Chum Socheat để làm rõ vấn đề này, trong khi người phát ngôn của chính phủ Campuchia Phay Siphan nói rằng ông “không biết” chính phủ Campuchia có giám sát dự án này hay không.

Tuy nhiên, Paul Chambers, nhà phân tích tại Đại học Narensuan, cho biết các quan chức cấp cao của Campuchia đã xác nhận Thủ tướng Hun Sen đang cân nhắc cho phép thiết lập một căn cứ hải quân của Trung Quốc tại đây.

Chambers so sánh dự án Koh Kong tại Campuchia với các dự án của Trung Quốc tại Lào và Sri Lanka. Sri Lanka từng trao quyền quản lý cảng Hambantota cho Trung Quốc theo thỏa thuận thuê 99 năm sau khi không đủ khả năng thanh toán nợ cho Bắc Kinh.

Năm 2016, Trung Quốc chiếm khoảng 36% trong tổng số viện trợ kinh tế và 30% trong tổng số vốn đầu tư của Campuchia. Năm nay, Trung Quốc cam kết viện trợ thêm 558 triệu USD và hứa sẽ nhập khẩu 400.000 tấn gạo từ Campuchia.

Khu đất dự án của UDG dự kiến sẽ được trả lại cho Campuchia sau khi thỏa thuận thuê đất hết hạn vào năm 2108, tuy nhiên một số chuyên gia dự đoán Trung Quốc có thể sẽ tìm cách sở hữu lâu dài khu đất này.

Yun Sun, giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, đồng ý với quan điểm cho rằng cảng UDG tại Campuchia có khả năng phục vụ cho mục đích quân sự và các dự án phát triển cảng với hai mục đích dân sự - quân sự từng được Trung Quốc thực hiện ở Djibouti, Sri Lanka, Pakistan và Burma.

“Trung Quốc cố tình xây dựng mô hình cảng (dân sự - quân sự) như vậy để tránh gây tranh cãi”, bà Sun cho biết.

Tuy vậy, những tranh cãi liên quan tới dự án này là không thể tránh khỏi, theo SCMP.

Dự án Koh Kong nằm ở vị trí chiến lược và có thể liên quan tới nhiều vấn đề nhạy cảm, bao gồm tranh chấp trên Biển Đông, hoạt động nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc qua eo biển Malacca và thậm chí cả vấn đề Đài Loan.

Cảng Koh Kong nằm gần một kênh đào ở Thái Lan vốn cho phép Trung Quốc đi vòng qua eo biển Malacca, một khe hẹp được Trung Quốc sử dụng để nhập khẩu phần lớn năng lượng từ bên ngoài. Ngoài ra, cảng Koh Kong cũng có thể tạo lợi thế cho Trung Quốc trên Biển Đông.

Ông Chambers cũng chỉ ra rằng, mối liên hệ quân sự ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Campuchia, bao gồm các chuyến viếng thăm của tàu chiến Trung Quốc tới Campuchia cũng như các cuộc tập trận quân sự chung giữa hai nước, là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có ý định thiết lập ảnh hưởng quân sự tại quốc gia Đông Nam Á này.

Xem thêm >> Nói Bắc Cực là khu vực mang lợi ích quốc phòng, Nga kiên quyết ‘không từ bỏ’

Tin mới lên