Ngân hàng

‘Cân đong’ vốn hóa ngân hàng cỡ vừa

(VNF) – Nhiều yếu tố cùng hội tụ đang tạo ra cơ hội lớn cho nhóm ngân hàng cỡ vừa bật mạnh về giá trị vốn hóa.

‘Cân đong’ vốn hóa ngân hàng cỡ vừa

Nhóm ngân hàng cỡ vừa đang đứng trước cơ hội bật mạnh về giá trị vốn hóa

HDBank "ngang cơ" ACB: Hiện tượng hay bản chất?

Cuối tuần trước, thị trường chứng khoán Việt Nam đón thêm một tân binh ngân hàng với giá trị vốn hóa ngay ngày chào sàn lên tới trên 32.300 tỷ đồng, tương đương 1,4 tỷ USD. Tân binh ấy là Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank).

Theo ghi nhận của VietnamFinance, chốt phiên giao dịch thứ Sáu (5/1), cổ phiếu HDB của HDBank đã tăng kịch trần 20% lên 39.600 đồng/cổ phiếu, từ mức giá khởi điểm 33.000 đồng/cổ phiếu; giá trị vốn hóa của HDBank theo đó đạt trên 38.800 tỷ đồng, vượt qua ngân hàng ACB về giá trị vốn hóa (thời điểm ấy đạt 38.218 tỷ đồng tính theo khối lượng cổ phiếu đang lưu hành là 986 triệu đơn vị).

Chốt phiên giao dịch hôm qua (8/1), ACB đã lấy lại thế "bề trên" so với HDBank nhưng mức chênh lệch là không đáng kể.

Một "ngôi sao mới nổi" như HDBank lại có giá trị "ngang cơ" với một ngân hàng vừa giàu truyền thống như ACB. Đây liệu có phải là điều nghịch lý?

HDBank đang "ngang cơ" với ACB về giá trị vốn hóa

Nhiều nhà đầu tư "lầm tưởng" ACB dù có quãng thời gian "sa cơ lỡ vận" nhưng vẫn có tiềm lực tài chính mạnh hơn nhiều các ngân hàng "mới nổi" như HDBank. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất từ HDBank, tính đến 31/12/2017, ngân hàng này có vốn chủ sở hữu trên 15.000 tỷ đồng. Trong khi đó, với ACB, dù chưa có số liệu cả năm 2017 nhưng tính đến 30/9/2017, vốn chủ sở hữu của ACB là 15.423 tỷ đồng, chỉ nhỉnh hơn một chút so với HDBank.

Xét về lợi nhuận, HDBank ghi nhận trên 2.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2017. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế 9 tháng 2017 của ACB là 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận cả năm được dự báo cũng chỉ dao động quanh mức của HDBank.

Dù năm 2018, ACB được dự báo sẽ ghi nhận lợi nhuận đột biến từ hoàn nhập dự phòng nhưng đây chỉ là hiện tượng tạm thời, xét trong trung hạn, HDBank vẫn tỏ ra "ngang cơ" so với ACB về triển vọng lợi nhuận khi HDBank sở hữu "lá bài" cho vay tiêu dùng, còn ACB thì đã thoát khỏi ám ảnh nợ xấu và đang trở lại đường đua lợi nhuận với lợi thế lớn về thương hiệu cũng như kinh nghiệm kinh doanh.

Những "cân đong" trên phần nào cho thấy việc giá trị vốn hóa của HDBank bằng, thậm chí là vượt ACB không phải là điều gì nghịch lý.

Ngân hàng cỡ vừa: Bật mạnh về vốn hóa?

Phiên giao dịch hôm qua (8/1) gây ấn tượng lớn khi tất cả cổ phiếu ngân hàng trên sàn chứng khoán (cả trên HoSE, HNX lẫn UPCoM) phủ sắc xanh, trong đó có 2 cổ phiếu tăng trần (gồm STB của Sacombank và EIB của Eximbank), 3 cổ phiếu lọt nhóm 10 cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất sàn HoSE (gồm STB, MBB của Ngân hàng Quân đội và CTG của VietinBank), SHB vượt mệnh giá….

Đây đều là những thông tin tốt hiếm có với nhóm cổ phiếu ngân hàng, phần nào đem đến dự cảm về một đợt sóng lớn tiếp theo đang đến rất gần với nhóm cổ phiếu "vua", đặc biệt là đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa cỡ vừa.

Với Sacombank, giới đầu tư đang ngày càng có niềm tin vào sự chèo lái của "chủ soái" Dương Công Minh sau khi vị chủ tịch này tiết lộ rằng đã xử lý được tới 19.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2017, hứa sẽ đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức 3% ngay trong năm 2018, đồng thời tuyên bố rằng chỉ cần 3 – 5 năm là có thể xử lý cơ bản vấn đề nợ xấu của Sacombank.

Một ngân hàng cỡ vừa khác có thể bật mạnh về giá trị vốn hóa trong thời gian ngắn sắp tới là SHB. Sau bao năm chầy trật không vượt được mệnh giá, cuối cùng cổ phiếu SHB cũng công phá được ngưỡng 10.000 đồng.

Đây đáng được xem là một trong những cột mốc đáng nhớ nhất của trong nhiều năm trở lại đây của SHB, được kỳ vọng sẽ tạo đà đẩy thị giá cổ phiếu công phá nhiều ngưỡng giá mới, nhất là khi kết quả kinh doanh 9 tháng 2017 rất ấn tượng với 1.330 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cùng với đó là việc "bầu Hiển" quyết định rời bỏ toàn bộ các chức vụ lãnh đạo tại các doanh nghiệp để tập trung tâm sức phát triển ngân hàng.

Cổ phiếu của SHB vừa chính thức vượt mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu

Dù không mang tính cột mốc như trường hợp của SHB nhưng việc ACB vượt qua mức giá 40.000 đồng/cổ phiếu chốt phiên giao dịch hôm qua (8/1) cũng là tín hiệu đáng mừng với cổ phiếu này. Hiện PE (hệ số thị giá trên thu nhập) của ACB khá cao (trên 21 lần) nhưng với triển vọng lợi nhuận đột biến trong năm 2018 (có thể lên đến 5.200 tỷ, gấp hơn 2 lần năm 2017 theo dự báo của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – SSI), PE của ACB sẽ giảm nhanh trong thời gian gần, kéo theo triển vọng tăng giá lớn trong thời gian ngắn sắp tới.

Xét về PE, 2 ngân hàng lớn nhất trong nhóm ngân hàng cỡ vừa là VPBank và MB hiện đang có hệ số PE thuộc hàng thấp nhất hệ thống, với VPBank là 11,7 lần và với MB là 12,8 lần, phần nào phản ánh các ngân hàng này đang được định giá khá thấp, dư địa tăng giá còn nhiều.

Những yếu tố trên hội tụ trong bối cảnh dòng tiền đang chảy mạnh vào cổ phiếu ngân hàng, đà tăng cũng đã được thiết lập khá vững chắc, cơ hội cùng bật mạnh về giá trị vốn hóa đang đến ngày càng gần với nhóm ngân hàng cỡ vừa.

Tin mới lên