Thị trường

Cần gì để được coi là một nước phát triển?

Các tiêu chí để đánh giá một quốc gia phát triển bao gồm thu nhập bình quân đầu người, tuổi thọ và mức sống cao cùng một số phép đo khác liên quan đến chất lượng cuộc sống.

Cần gì để được coi là một nước phát triển?

Bình quân thu nhập đầu người là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ phát triển của quốc gia. Ảnh: Reuters.

Thuật ngữ các nước phát triển được sử dụng để chỉ những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người (thu nhập bình quân của mỗi người dân) hoặc tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người cao, mức sống cao (chất lượng, số lượng hàng hóa và dịch vụ sẵn có trong xã hội), tuổi thọ cao (tuổi thọ trung bình dự kiến của công dân tại một quốc gia) và các phép đo khác liên quan đến chất lượng cuộc sống của cá nhân.

Tuy nhiên, các tiêu chí phải có sự tương quan thích hợp. Một quốc gia có GDP bình quân đầu người cao nhưng cơ sở hạ tầng kém và bất bình đẳng về thu nhập cũng không được xem là nền kinh tế phát triển.

Mặt khác, những yếu tố phi kinh tế như chỉ số phát triển con người (HDI), trình độ học vấn, tỷ lệ biết chữ và trình độ chăm sóc sức khỏe cũng phản ánh mức độ phát triển của một quốc gia.

Thế giới thứ nhất

Những nước phát triển còn được gọi là các quốc gia thuộc Thế giới thứ nhất, các nước công nghiệp phát triển, các nền kinh tế tiên tiến... Hầu hết quốc gia phát triển nằm ở Tây bán cầu, bao gồm Mỹ, Canada và các quốc gia Tây Âu. Australia và New Zealand cũng là những quốc gia phát triển.

Đa số nước châu Á không phải là nền kinh tế phát triển, nhưng một số ít đã đáp ứng được các tiêu chí cần thiết như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Các đặc khu hành chính của Trung Quốc bao gồm Hong Kong và Macau cũng được xếp vào nhóm nền kinh tế phát triển.

Khái niệm về các nước phát triển xuất hiện lần đầu trong Chiến tranh Lạnh. Năm 1952, nhà nhân chủng học và sử học người Pháp Alfred Sauvy (1898-1990) đặt ra thuật ngữ Thế giới thứ ba để mô tả tình trạng của những quốc gia nghèo khó trên thế giới.

Khi thuật ngữ này phổ biến, mọi người bắt đầu sử dụng cụm từ Thế giới thứ nhất để chỉ Mỹ và châu Âu, Thế giới thứ hai cho Liên Xô và các đồng minh. Theo thời gian, những thuật ngữ này trở nên lỗi thời. Các thuật ngữ quốc gia phát triển và quốc gia đang phát triển, vốn tập trung nhiều hơn vào yếu tố kinh tế, được sử dụng nhiều hơn.

Một tiêu chí đánh giá quốc gia phát triển là tuổi thọ trung bình dự kiến của công dân. Ảnh: Reuters.

Theo trang Investopedia, mặc dù không có quy chuẩn nghiêm ngặt để đánh giá một quốc gia phát triển hay đang phát triển, tiêu chí phổ biến nhất được sử dụng để xác định là GDP bình quân đầu người.

Một số nhà kinh tế quốc tế đánh giá GDP bình quân đầu người từ 12.000-15.000 USD/năm là đủ để đánh giá một quốc gia vào nhóm phát triển. Tuy nhiên, một số khác cho rằng mức GDP bình quân đầu người tối thiểu của một quốc gia phát triển phải trên 25.000-30.000 USD.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP bình quân đầu người của một số quốc gia phát triển tiêu biểu thế giới năm 2019 như Mỹ là 65.111 USD/năm, Australia 54.907 USD/năm, Đức 46.259 USD/năm, Nhật Bản 40.847 USD/năm. Dữ liệu cho thấy GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2019 là 2.715 USD/năm, tăng 5,79% so với năm 2018.

Chỉ số phát triển con người

Như vậy, GDP bình quân đầu người của Mỹ cao gấp 24 lần của Việt Nam. Con số này của Đức, Singapore và Nhật Bản cao hơn Việt Nam lần lượt 17, 24, 14 lần. Trong số các quốc gia đang phát triển với nền kinh tế chuyển đổi trong khu vực, GPD bình quân đầu người của Trung Quốc là 10.262 USD/năm, Malaysia 11.415 USD/năm và Thái Lan 7.808 USD/năm, tức cao gấp Việt Nam từ 4-5 lần.

Tuy nhiên, một nền kinh tế phát triển không chỉ được đánh giá dựa trên GDP bình quân đầu người. Điển hình là trường hợp của Qatar. Đây là một trong những quốc gia có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới (69.688 USD vào năm 2019).

Tuy nhiên, nước này bị Liên Hợp Quốc xếp vào nhóm nền kinh tế đang phát triển. Nguyên nhân là quốc gia này có sự bất bình đẳng về thu nhập, thiếu cơ sở hạ tầng quan trọng, ít cơ hội giáo dục cho công dân có thu nhập trung bình và thấp.

Một yếu tố khác được sử dụng để xác định quốc gia có phát triển hay không là chỉ số phát triển con người (HDI). Chỉ số này xem xét ba yếu tố, bao gồm tỷ lệ biết chữ, mức độ tiếp cận giáo dục và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, được định lượng thành con số chuẩn hóa từ 0 đến 1. Hầu hết nước phát triển có chỉ số HDI trên 0,8.

10 quốc gia và vùng lãnh thổ có chỉ số HDI cao nhất thế giới trong năm 2019. Ảnh: Human Development Report Office 2019.

Năm 1993, Liên Hợp Quốc bắt đầu sử dụng xếp hạng HDI để xếp hạng các quốc gia và vùng lãnh thổ theo chất lượng cuộc sống của công dân. Năm 2019, Na Uy được xếp hạng cao nhất với chỉ số HDI 0,954. Theo sau lần lượt là Thụy Sĩ (0.946), Ireland (0,942) và Đức (0,939).

Năm 2019, Việt Nam tiến sát mức cao về HDI và nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng HDI cao nhất trên thế giới. Với chỉ số HDI 0,63, Việt Nam chỉ cần thêm 0,007 điểm để tiến vào nhóm những quốc gia có HDI ở mức cao.

Đối với những quốc gia khó phân loại hơn, các chuyên gia kinh tế còn xác định tình trạng phát triển thông qua những yếu tố xã hội khác như tuổi thọ của người dân hay tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh. Hầu hết nền kinh tế phát triển đều có tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh thấp hơn 10/1.000 trẻ và tuổi thọ trung bình của người dân đạt từ 75 tuổi trở lên.

Tin mới lên